Ngành gỗ và bài toán 'xuất 3 – nhập 1'
Dù kim ngạch XK sản phẩm gỗ tăng vượt mức 3 tỷ USD/năm, nhưng trong đó ta đã mất đi 1 tỷ USD cho nhập khẩu (NK) nguyên liệu.
Là quốc gia đứng đầu Đông Nam Á về xuất khẩu (XK) gỗ và các sản phẩm từ gỗ nhưng hàng năm, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn gỗ nguyên liệu từ các quốc gia khác. Dù kim ngạch XK sản phẩm gỗ tăng vượt mức 3 tỷ USD/năm, nhưng trong đó ta đã mất đi 1 tỷ USD cho nhập khẩu (NK) nguyên liệu.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong tháng 9/2014, ước giá trị XK gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 464 triệu USD, đưa giá trị XK 9 tháng đầu năm đạt 4,41 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2013.
XK gỗ và các sản phẩm gỗ sang hầu hết các thị trường chính đều tăng, ngoại trừ thị trường Trung Quốc giảm 1,69%; Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt là 14,41% và 23,71% so với cùng kỳ năm 2013. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản - 3 thị trường nhập khẩu gỗ lớn nhất của Việt Nam chiếm 62,33% tổng giá trị xuất khẩu của mặt hàng này.
Xuất lắm, nhập cũng nhiều
Ông Nguyễn Mạnh Dũng - Trưởng phòng chế biến, Cục Chế biến nông lâm sản thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) cho biết, những năm qua ngành chế biến và XK sản phẩm gỗ đã có những bước phát triển vượt bậc với kim ngạch XK tăng trưởng luôn cao.
Nếu như năm 2000 giá trị kim ngạch XK các sản phẩm gỗ của Việt Nam chỉ khiêm tốn ở mức 214 triệu USD thì đến năm 2004 kim ngạch XK gỗ lần đầu tiên vượt mức 1 tỷ USD, đạt 1,154 tỷ USD. Năm 2013, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 5,7 tỷ USD tăng 19,2% so với năm 2012, chiếm khoảng 4,3% thị phần toàn cầu.
Thời gian qua, một số doanh nghiệp XK gỗ đã thực hiện hình thức XK sản phẩm gỗ nội thất trọn gói theo các công trình ở nước ngoài mang lại giá trị gia tăng cao. Dự kiến năm 2014, kim ngạch XK gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ đạt 6,5 tỷ USD.
Điều đáng nói là cùng với những con số XK ấn tượng ấy là những con số NK nguyên liệu gỗ… cũng ấn tượng không kém.
Theo ông Nguyễn Tôn Quyền - Tổng thư ký Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest), hiện ngành đồ gỗ trong nước đang phải nhập khẩu tới 4 triệu m³ gỗ/năm, chiếm đến 80% tổng nguyên liệu sử dụng của toàn ngành cho XK. Như vậy dù trong những năm gần đây kim ngạch XK sản phẩm gỗ tăng vượt mức 3 tỷ USD/năm, nhưng trong đó ta đã mất đi 1 tỷ USD cho NK nguyên liệu.
Nếu cứ kéo dài tình trạng này, kim ngạch XK gỗ trong tương lai sẽ có nguy cơ giảm mạnh khi giá NK gỗ và chi phí vận chuyển đều tăng. Các doang nghiệp chế biến gỗ trong nước cũng sẽ yếu dần đi do không thể cạnh tranh nổi với những nước trong khu vực có khả năng tự cung ứng nguyên liệu như Trung Quốc, Malaysia...
Tăng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng - Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cảnh báo, theo quy định của TPP về thành phần giá trị khu vực, một sản phẩm cần có tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 55% tổng giá trị. Điều này đồng nghĩa với việc nhà sản xuất không được NK nhiều hơn 45% nguyên vật liệu từ các quốc gia không phải là thành viên TPP để chế tạo, sản xuất, bao gồm cả chi phí chế biến.
Đây sẽ là những quy định đáng lo ngại với lĩnh vực sản xuất gỗ Việt Nam do khó đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa.
Đại diện một doanh nghiệp gỗ lớn nhận định: Để đứng vững trước áp lực cạnh tranh ngày càng lớn, các DN chế biến gỗ của Việt Nam phải chủ động tìm cho được nguồn nguyên liệu gỗ; tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước như gỗ xoài, gỗ mít, gỗ điều... Doanh nghiệp phải sử dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất như sấy, sơ chế, sơn... để tăng độ bền của gỗ với giá thành phù hợp.
Ngoài ra, theo ý kiến của một số chuyên gia thì Hiệp hội gỗ và lâm sản Việt Nam cần thực hiện vai trò hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, nghiên cứu chiến lược sản phẩm, chính sách phát triển, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư và liên kết trong hợp tác sản xuất.
Để giải quyết khó khăn về nguyên liệu cho ngành gỗ, đại diện Cục Chế biến nông lâm sản thủy sản và nghề muối cho biết, thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm túc chiến lược phát triển và quy hoạch chế biến gỗ đã được ban hành.
Khu công nghiệp chế biến gỗ cần được xây dựng và mở rộng ở các vùng có khả năng cung cấp đủ nguyên liệu, ổn định, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo có lợi nhuận và cạnh tranh được trên thị trường khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành gỗ cũng tập trung sử dụng các sản phẩm từ ván nhân tạo và gỗ từ rừng trồng, phát triển các sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời và đồ mộc mỹ nghệ nhằm tăng giá trị XK cũng như giảm việc sử dụng nguyên liệu gỗ trong chế biến XK.
Song song với đó điều chỉnh cơ cấu rừng trồng cho phù hợp, ổn định khoảng 3,8 triệu ha rừng trồng sản xuất vào năm 2020, nâng cao chất lượng rừng để đạt sản lượng gỗ thương phẩm bằng 80% trữ lượng, trong đó có 40% là gỗ lớn. Xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ tập trung ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ để cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ cho các khu vực gần nhà máy và cung cấp nguyên liệu gỗ lớn cho công nghiệp chế biến gỗ tại địa phương và khu vực lân cận.
Tổng cục Lâm nghiệp đang xây dựng hệ thống kiểm soát gỗ hợp pháp để đáp ứng đối với chính sách thương mại quốc tế như Luật LACEY của Mỹ; FLEGT của EU… về nguồn gốc và xuất xứ gỗ hợp pháp. Đây cũng là cơ hội cho đồ gỗ Việt Nam thâm nhập mạnh hơn nữa vào thị trường thế giới.
>> Ngành gỗ Việt Nam: Cơ hội tới... 20 tỷ USD?
Theo Thu Hường