Người Việt nên học gì từ người Anh khi giải quyết vấn nạn tắc đường?
Miễn thuế cho những ai đi xe đạp, dùng cọc neo tự động đố xe nào dám vượt ẩu.
Nội dung nổi bật:
Mạng lưới đường xá ở thành phố Cambridge nước Anh vốn đã nhỏ hẹp, việc thành phố phát triển hiện đại càng khiến vấn đề ùn tắc trở nên trầm trọng.
- Hậu quả: Mọi việc đều chậm trễ.
- Giải pháp:
(i) Xây nhà đỗ xe nhiều tầng; thắt chặt việc cấp giấy phép đỗ xe.
(ii) Ai đi xe đạp được miễn thuế.
(iii) Điều phối giao thông bằng cọc neo tự động.
Cambridge là thành phố của những công trình và nét đẹp cổ kính nằm ở miền Đông nước Anh. Tuy nhiên, một khi phát triển thì bất cứ thành phố nào cũng gặp phải những vấn đề như ô nhiễm, giao thông, vân vân.
Vấn đề quen thuộc khi phát triển
Mạng lưới đường xá nhỏ hẹp, vốn được xây nên để phục vụ giao thông ngựa kéo từ rất lâu đời đã khiến khu kinh tế trung tâm của thành phố Cambridge, Anh luôn rơi vào tình trạng ùn tắc trong thời hiện đại. Trong vòng 50 năm qua, người giàu ngày càng đông khiến số lượng xe ô tô cũng tăng lên chóng mặt. Chất lượng đường sắt tại đây cũng đi xuống khiến ngày càng nhiều người sử dụng đường bộ. Ngoài ra, nhu cầu đi lại để mua sắm, giải trí cũng cao hơn trước.
Hậu quả: Tắc đường làm mọi thứ chậm trễ
Hậu quả của việc ùn tắc giao thông nhiều vô kể: cư dân thành phố buộc phải đi muộn hơn trong giờ cao điểm để tránh ùn tắc; tốc độ di chuyển trên những con phố hẹp vô cùng chậm; lượng khí thải tăng cao đặc biệt là vào mùa hè; nhân viên đến muộn, mất giờ làm, gây thiệt hại cho doanh nghiệp; thiếu chỗ để xe và nhất là gây khó khăn cho các dịch vụ khẩn cấp như chữa cháy, cấp cứu...
Giải pháp
Thành phố Cambridge đã thực hiện một loạt biện pháp vô cùng thông minh.
Đỗ xe quy củ, tiết kiệm diện tích
Một tòa nhà đỗ xe nhiều tầng
Nếu đến Cambridge, bạn sẽ được quan sát tận mắt những khu nhà đồ sộ chứa kín xe trên khắp mấy tầng lầu. Đó chính là các nhà để xe nhiều tầng được chính quyền thành phố xây nên để dành cho cả ô tô lẫn xe đạp với tổng sức chứa lên tới khoảng 5.300 phương tiện, hoạt động liên tục 24/7.
Còn nếu muốn đỗ xe ngoài phố thì người dân phải có giấy phép đỗ xe, giấy này chỉ có giá trị trong vòng một năm. Khi thay đổi phương tiện thì họ bắt buộc phải đi làm giấy đăng ký mới. Khách đến thăm thành phố cũng có thể xin giấy phép.
Khi phát hiện bất cứ trường hợp đỗ xe trái quy định nào, người dân có thể gọi điện đến đường dây nóng của chính quyền thành phố. Thành phố Cambridge làm vậy để kiểm soát chặt chẽ và hạn chế diện tích dành cho việc đỗ xe bên ngoài.
Ai đi xe đạp được miễn thuế
Chính quyền thành phố xây dựng đường đi, bãi đỗ xe dành riêng cho người đi xe đạp. Mạng lưới đường đi cho xe đạp tập trung kết nối ba khu vực là khu vực làm việc trọng điểm, trung tâm thành phố và trường học lại với nhau.
Mạng lưới này được tận dụng rất hiệu quả, số lượng người đi xe đạp ngày càng nhiều vì thấy lối đi này vô cùng thuận tiện. Người dân Cambridge bắt đầu quen đạp xe đi làm, đi chơi, bãi đỗ xe dành cho xe đạp nhiều lúc cũng hết chỗ. Ngoài ra, do nhỏ hẹp nên nhiều con đường tại Cambridge được quy định làm đường một chiều và thường được dành luôn cho xe đạp vì loại phương tiện này không tốn nhiều không gian.
Năm 1999, chính phủ Anh thực hiện kế hoạch "Đạp xe đi làm" (Cycle to Work), trong đó khuyến khích các công ty cho nhân viên thuê, mượn xe đạp để đi làm. Ai làm vậy đều được miễn đóng thuế một phần.
Cọc neo và hàng rào tự động
Cọc neo tự động trên đường phố nước Anh. Thế này thì xe nào dám vượt ẩu.
Cũng như nhiều nơi khác ở Anh, Cambridge đang áp dụng rộng rãi hệ thống cọc neo và hàng rào tự động. Những chiếc cọc neo này nằm dưới lòng đất, có thể nhô lên hạ xuống tự động để chặn hoặc cho phép xe đi qua, từ đó giúp điều phối giao thông hiệu quả hơn.
Kết quả
Số lượng người đi xe đạp tại thành phố Cambridge trong năm 2011 đã tăng 11% so với năm 2001. Đến năm 2011, dữ liệu điều tra của thành phố cho thấy lưu lượng giao thông ra vào thành phố ổn định hơn so với giữa thập niên 90.
Thùy An