Người lái taxi chống lại Samsung suốt 7 năm
Hành trình đấu tranh đầy gian khổ suốt 7 năm của một người lái taxi Hàn Quốc từ chối nhận tiền để im lặng về cái chết của con gái ông vừa được nhắc lại khi Samsung và đại diện các công nhân mắc ung thư hôm qua đạt được thỏa thuận ban đầu.
Trong căn nhà một tầng xơ xác ở tỉnh Gangwon của Hàn Quốc, ông Hwang Sang-ki, tài xế taxi 58 tuổi, lấy ra một tấm ảnh chụp các cô gái trẻ đang tươi cười. “Đây”, ông Hwang chỉ vào hai cô gái ở giữa ảnh.
Cả hai cô gái này cùng làm việc trong một dây chuyền sản xuất thiết bị bán dẫn, cùng nhúng những con chip máy tính vào hóa chất. Cả hai đều cùng mắc một dạng ung thư máu gọi là máu trắng (bạch cầu) dạng tủy cấp tính. Một trong hai cô gái đó là Yumi - con gái ông Hwang.
Ở Hàn Quốc, cứ 100.000 người thì chỉ có 3 người chết vì bạch cầu, nghĩa là đây không phải một căn bệnh phổ biến. “Chúng làm việc cùng nhau và đều đã chết”, ông Hwang nói. Bức ảnh này là một trong những kỷ vật của con gái mà ông vẫn giữ lại.
Trường kỳ đấu tranh
Câu chuyện về hai cô gái trẻ cùng vài chục công nhân khác từng làm việc cho Samsung bị bệnh bạch cầu và các loại bệnh ung thư hiếm gặp khác đã được biết đến rộng rãi ở Hàn Quốc. Tháng 2 và tháng 3/2014, hai bộ phim ra mắt ở Hàn Quốc nói về cuộc đấu tranh đầy gian khổ suốt 7 năm của gia đình ông Hwang và những gia đình khác chống lại công ty lớn nhất và có ảnh hưởng nhất ở Hàn Quốc.
Phim tài liệu “Empire of Shame” ra rạp từ tháng 3/2014. Suốt 3 năm sản xuất, bộ phim được quay với những hình ảnh thực tế về cuộc đấu tranh của ông Hwang và gia đình các công nhân khác từng làm việc cho Samsung.
Phim tập trung vào phong trào mà ông Hwang khởi xướng nhằm làm sáng tỏ tình trạng sử dụng những chất gây ung thư trong các nhà máy sản xuất thiết bị điện tử, đặc biệt là nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn. Từ khi cuộc đấu tranh bắt đầu, những người tham gia phong trào phát hiện 58 trường hợp bị bạch cầu và các loại ung thư máu khác trong nhiều nhà máy của Samsung, trong khi hãng không thừa nhận những điều này.
Mục tiêu chính trong phong trào đấu tranh của họ là yêu cầu quỹ bảo hiểm chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho những công nhân bị ung thư. Và những người như ông Hwang và các nhà làm phim muốn thúc đẩy một cuộc đối thoại trong văn hóa chính thống của Hàn Quốc về cái giá phải trả cho sự phát triển kinh tế thần kỳ của đất nước, trong đó có vai trò không nhỏ của những tập đoàn như Samsung vốn trở thành niềm tự hào của nhiều người Hàn Quốc.
Bộ phim thứ hai tên là “Another Promise”, kể về cuộc đời thực của ông Hwang và con gái Yumi - người làm việc trong nhà máy thiết bị bán dẫn của Samsung từ năm 2003, khi mới 18 tuổi, rồi qua đời năm 22 tuổi. Nhân vật người cha trong phim đã kiên trì đến cùng trong cuộc đấu tranh với công ty mang tên hư cấu là Jinsung.
Báo Hàn Quốc Korea Herald gọi phim này là “thành quả giàu ý nghĩa của điện ảnh cũng như đối với nền dân chủ Hàn Quốc”, không chỉ bởi chất lượng phim mà còn vì cách nó được tạo ra.
Không hề có một hãng phim lớn nào rót kinh phí, giám đốc và đạo diễn phim đã kêu gọi được 15% trong tổng số 2 triệu USD kinh phí làm bộ phim từ đóng góp của hàng trăm cá nhân và các nhà đầu tư nhỏ. Đây cũng là phim đầu tiên của Hàn Quốc được làm theo cách này.
Hai bộ phim nhanh chóng gây được tiếng vang. Đến tháng 5/2014, Samsung bất ngờ công khai xin lỗi những công nhân bị ung thư sau khi làm việc trong các nhà máy thiết bị bán dẫn của họ.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Samsung, ông Kwon Oh-hyun, hứa sẽ bồi thường cho gia đình các nạn nhân, nhưng cũng nói rõ rằng, Samsung vẫn giữ quan điểm họ không chịu trách nhiệm về việc công nhân mắc bệnh hay tử vong. Lãnh đạo Samsung cũng hứa sẽ ngừng can thiệp vào các vụ kiện đòi bồi thường của gia đình các nạn nhân.
Đạt được thỏa thuận ban đầu
Tiến thêm một bước nhằm giải quyết tranh chấp kéo dài cả thập kỷ, Samsung và các nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân ngày 12/1 đạt được thỏa thuận về việc triển khai những biện pháp ngăn ngừa tình trạng mắc bệnh từ nơi làm việc, báo chí Hàn Quốc đưa tin.
Thỏa thuận đạt được sau cuộc gặp kéo dài 3 ngày giữa tập đoàn công nghệ và hai nhóm đại diện cho các nạn nhân bạch cầu tại Seoul, báo Korea Herald đưa tin.
Theo thỏa thuận này, một tổ chức độc lập sẽ được lập ra để kiểm tra điều kiện làm việc tại các nhà máy sản xuất thiết bị bán dẫn và màn hình tinh thể lỏng của Samsung, đồng thời kiến nghị các biện pháp cải thiện. Samsung hoan nghênh thỏa thuận này là “bước đi ý nghĩa” để giải quyết vấn đề kéo dài liên quan điều kiện làm việc và bệnh bạch cầu.
Tuy nhiên, Banolim, một nhóm bệnh nhân bạch cầu, nói rằng, thỏa thuận này không giải quyết hết những vấn đề liên quan, nên họ sẽ “tiếp tục cuộc chiến chống lại Samsung, và thúc giục Samsung có biện pháp giải quyết nốt những vấn đề còn lại”, Korea Herald đưa tin.
Cả hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng về vấn đề cốt lõi là bồi thường và xin lỗi. Theo Banolim, trong số 221 công nhân mắc các bệnh chết người sau thời gian làm cho Samsung, tính đến cuối năm ngoái, 75 người đã qua đời.
Samsung bị các nhà phê bình và nhóm hoạt động chỉ trích là đã mua sự im lặng của gia đình các nạn nhân và những người ủng hộ, trong khi ngoảnh mặt với vấn đề công nhân mắc bệnh bạch cầu vì sợ tên tuổi nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới bị hoen ố, Korea Herald viết.