Samsung, LG, Sony... phải có trách nhiệm thu hồi, tái chế rác thải điện tử tại VN

01/01/2016 19:10 PM | Kinh doanh

Mới đây, bà Monina de Vera-Jacob, Quản lý bộ phận môi trường khu vực Đông Nam Á thuộc HP châu Á – Thái Bình Dương cho rằng các hãng sản xuất thiết bị điện tử lớn như Samsung, LG hay Microsoft… phải có trách nhiệm đối với việc thu hồi và tái chế các sản phẩm điện tử đã qua sử dụng tại Việt Nam.

Bà Monina de Vera-Jacob nhận thấy, đến thời điểm hiện tại, ngoài Apple và HP là hai hãng tình nguyện tham gia chương trình Vietnam Recycles, các hãng sản xuất thiết bị lớn khác vẫn chưa sẵn sàng tham gia vào các hoạt động thu hồi và tái chế rác thải điện tử an toàn, đảm bảo môi trường sống cho người dân Việt Nam.

Theo bà, tại nhiều nước châu Âu hiện nay, các quy định về việc thu gom và tái chế rác thải điện tử đã được luật hóa nhằm buộc các hãng sản xuất thiết bị điện tử phải có trách nhiệm đối với sản phẩm đã qua sử dụng của mình. Tỷ lệ các sản phẩm điện tử có khả năng tái chế phải đạt mức 40%. Điều đó có nghĩa là tất cả các hãng sản xuất thiết bị phải tuân thủ quy định cứ 100 sản phẩm được bán ra thì có 40 sản phẩm có thể được tái chế sau khi bị thải bỏ.

Bản thân các hãng như HP hay Apple có những nền tảng hỗ trợ trong các hoạt động tái chế rác thải điện tử. Chẳng hạn, như họ có hiểu biết về những tiêu chuẩn quốc tế để tái chế rác thải điện tử. Đồng thời, họ cũng có những cơ chế để đảm bảo các cơ sở tái chế tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường.

Tại Việt Nam, mới đây, Thủ tướng Chính phủ ký đã ban hành quyết định số 16/2015/QĐ-TTg nhằm thu hồi và xử lý một số sản phẩm thải bỏ từ rác điện tử nhằm hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh cho người dân. Cụ thể là các hãng sản xuất phải có trách nhiệm tổ chức các hoạt động thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình đã bán ra thị trường Việt Nam; thiết lập điểm hoặc hệ thống các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ; có trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm thải bỏ của mình; khuyến khích tiếp nhận sản phẩm cùng loại với sản phẩm mình đã bán ra thị trường mà không phân biệt nhãn hiệu hoặc hãng sản xuất; tiếp nhận để xử lý những sản phẩm thải bỏ của mình đã đưa ra thị trường do hãng sản xuất khác thu hồi được khi có yêu cầu;...

Ngoài ra, các cơ sở phân phối có trách nhiệm phối hợp với hãng sản xuất thiết lập điểm thu hồi và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại cơ sở của mình theo đề nghị của hãng sản xuất; lưu giữ các sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi theo quy định.

Như vậy, tuy không đặt ra hạn mức rõ ràng đối với tỷ lệ các sản phẩm thải bỏ như ở các nước châu Âu, nhưng Quyết định số 16 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định chi tiết trách nhiệm của các hãng sản xuất thiết bị đối với việc tái chế rác thải điện tử khi tham gia thị trường Việt Nam.

Bà Monina de Vera-Jacob hy vọng rằng khi Quyết định số 16 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, các hoạt động thu gom, tái chế rác thải điện tử sẽ có nhiều hãng hơn cùng tham gia.

Vietnam Recycle là chương trình thu gom và tái chế rác thải miễn phí theo sáng kiến của tổ chức Vietnam Recycling Platform, một liên minh giữa hai hãng công nghệ hàng đầu là HP và Apple.

Chương trình sẽ áp dụng thí điểm mô hình tái chế rác thải điện tử theo phương pháp mới. Trong đó, mọi khâu của quy trình xử lý rác thải điện tử như thu thập, phân tách, tái chế theo tiêu chuẩn hiện đại sẽ được tiến hành tại các cơ sở bên trong lãnh thổ Việt Nam. Đầu ra của quá trình xử lý này sẽ là các sản phẩm an toàn và đảm bảo tối đa lượng tài nguyên thu được sau tái chế.

Chương trình sẽ giúp chính phủ và người dân Việt Nam có cách nhìn đẩy đủ hơn đối với việc tái chế rác thải điện tử an toàn, hạn chế bớt các hoạt động xử lý thủ công của người dân, gây ô nhiễm môi trường sống của cộng đồng.

Theo Lê Hoàng

Cùng chuyên mục
XEM