'Ngựa ô' Philippines
Dù khiêm tốn về mức đầu tư vào thị trường Việt Nam nhưng các công ty đến từ Philippines đang dần chiếm lĩnh thị trường trong một số ngành như F&B (thực phẩm và đồ uống), phân phối nước, dược phẩm...
Dù chậm chân ở Việt Nam nhưng URC nhanh chóng trở thành đối thủ cạnh tranh trong nước trà xanh, bánh, nước tăng lực... cạnh tranh trực tiếp với Coca-Cola hay Tân Hiệp Phát.
Tháng 4/2006, thị trường nước trà xanh đóng chai (RTD Tea) của Việt Nam đón thêm một đối thủ mới, Tập đoàn Universal Robina Corporation (URC) với trà xanh C2. Việt Nam đồng thời là thị trường đầu tiên, bên ngoài Philippines mà một trong những tập đoàn tư nhân lâu đời nhất Philippines (gần 60 năm) đặt cơ sở sản xuất lẫn thương mại.
Trước khi vào Việt Nam, C2 đã "làm mưa làm gió” tại thị trường Philippines khi giới thiệu sản phẩm vào tháng 10/2004, dù chậm hơn nhưng C2 đã trở thành đối thủ cạnh tranh cùa hai ông lớn Coke và PepsiCo. Chỉ sau 3 năm, sản phẩm này đã vươn lên dẫn đầu thị trường trong ngành đồ uống tại Philippines, vị trí này được duy trì cho đến hiện nay, trong khi mảng sản xuất mì gói đứng thứ hai và thứ ba về cà phê.
Ở Việt Nam, có thể thấy, năm 2005, 90% doanh thu từ thị trường ngoại (nhóm Branded Consumer Foods Group International, gọi tắt là BCFG International) của URC chủ yếu đến từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Nhưng, tình thế đã dần đảo ngược.
Báo cáo tài chính 2009 của URC chỉ rõ, doanh thu từ các thị trường BCFG International chiếm 22,9% trong tổng doanh thu của Tập đoàn, đạt 240 triệu USD, tăng 11,7% so với 2008.
Trong đó, nhờ vào mức tăng trưởng của trà xanh C2, URC Việt Nam đạt doanh thu 65 triệu USD, chỉ đứng sau Thái Lan ở mức 96 triệu USD. Cũng trong năm này, URC cho biết đã vươn lên dẫn đầu thị phần (sản phẩm RTD Tea) tại TP.HCM.
Sự xuất hiện của C2 khiến thị trường trà xanh đóng chai thêm phần cạnh tranh, bởi phân khúc này vốn thuộc về Tân Hiệp Phát (chiếm trên 60% thị phần), đi tiên phong với sản phẩm trà xanh Không Độ. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, thị trường đã có nhiều thay đồi với sự thâm nhập của nhiều nhà sản xuất khác nên đã có sự phân chia lại thị phần.
Theo thống kê của Euromonitor International về thị trường RTD Tea năm 2013, doanh thu bán lẻ vẫn tăng cao hơn 2012, với mức 20%, Tân Hiệp Phát vẫn dẫn đầu về thị phần bán sỉ với 41% hai sản phẩm chính là trà xanh Không Độ và Dr. Thanh.
Đứng thứ hai là URC với sản phẩm C2. Ngoài ra, nếu chỉ tính ở các thành phố lớn, tháng 10/2013, C2 vươn lên dẫn đầu thị trường, đồng thời nằm trong Top 5 nhà sản xuất đồ uống và có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam.
Vấn đề là vì sao C2 có thể chia lại thị phần? Vấn đề này được các chuyên gia marketing phân tích là do kết hợp giữa yếu tố giá cạnh tranh và độ phủ về truyền thông, trong đó có sự hỗ trợ ngân sách lẫn chiến dịch trên quy mô lớn ở phạm vi khu vực ASEAN từ công ty mẹ.
Ở Việt Nam, C2 có giá bản rẻ hơn Real Leaf của Coca-Cola 3%, xấp xỉ với Lipton Pure Green; đó là chưa nói đến hệ thống phân phối rộng khắp 63 tỉnh-thành với con số hơn 3 triệu điểm bán lẻ.
Trả lời báo chí, ông Edwin Robles Canta, Tổng giám đốc Công ty TNHH URC Việt Nam cho rằng, trong vòng 7 năm (từ 2006 - 2012), tốc độ tăng trưởng (cộng dồn hằng năm) của URC Việt Nam là 300%!
Hơn nữa, nhìn lại kết quả kinh doanh năm 2013, ban điều hành của URC nhìn nhận: "Việt Nam là thị trường trẻ nhất của URC nhưng lại có doanh số bán hàng lớn nhất với tốc độ tăng trưởng hai con số”. Sự phát triển của URC Việt Nam còn được chứng minh qua việc mở rộng sản xuất và danh mục sản phẩm.
Nếu năm 2005, tại thị trường Việt Nam chỉ có sản phẩm snack SeaCruch và kẹo Dynamite thì đến năm 2007, URC Việt Nam bắt đầu sản xuất bánh, snack, nay có thêm nước tăng lực Rồng Đỏ...
Ngoài ra, vào tháng 9/2013, URC Việt Nam đã mở rộng đầu tư thêm 35 triệu USD để phát triển nhà máy mới ở KCN VSIP ở Quảng Ngãi. Nhà máy này chủ yếu sản xuất khoai tây chiên Jack n Jill - cùng với C2, đây là thương hiệu mà URC mong muốn tạo dựng ở thị trường ASEAN.
Âm thầm gom hàng
Không chỉ đầu tư vào lĩnh vực có mức độ hấp dẫn cao như F&B, các doanh nghiệp Philippines còn âm thầm đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng và bất động sản tại thị trường Việt Nam.
Đại diện Ayala Corporation, tập đoàn tư nhân lớn và lâu đời nhất Philippines, với tổng tài sản lên tới 8,5 tỷ USD, bày tỏ quan điểm, muốn kết hợp với các doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực hạ tầng của TP.HCM như: Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước TP.HCM (HFIC), Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) để phát triển hạ tầng cho thành phố.
Chuyên hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, cung cấp - nước sạch, tài chính ngân hàng và viễn thông tại Philippines, tháng 5/2012, Ayala đã mua 10% cổ phần của CII.
Đồng thời, vào tháng 11/2011, thông qua công ty con là Manila Water, Ayala đã mua lại 49% cổ phần của CII tại Công ty BOO nước Thủ Đức sau 8 tháng tìm hiểu và thực hiện các thủ tục về pháp lý, thẩm định (thông qua một đơn vị tư vấn ở Việt Nam).
Thêm nữa, đến tháng 7/2012, Ayala đã mua lại hơn 47% cổ phần của Công ty CP cấp nước Kênh Đông, trong đó CII chiếm 36% vốn điều lệ. Cũng trong lĩnh vực nước sạch, Manila Water hiện là nhà thầu của Sawaco trong dự án giảm thất thoát nước cho vùng 1 của TP.HCM.
Nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh của Manila Water, có thể thấy, hầu hết các khoản đầu tư của công ty này vào lĩnh vực nước tại Việt Nam đều cho kết quả khả quan. Cụ thể, năm 2013, doanh thu của Nhà máy Nước BOO Thủ Đức đạt hơn 360 tỷ đồng và lợi nhuận ròng đạt 240,5 tỷ; tăng 115% so với 2012.
Trong khi đó, Nhà máy Nước Kênh Đông cũng lần lượt đạt doanh thu và lợi nhuận là 200 tỷ đồng và 79,9 tỷ. Nước là lĩnh vực mà Ayala đã có kinh nghiệm ở Philippines vì họ phát triển các nhà máy và hệ thống phân phối, cung cấp nước cho hơn 6 triệu dân ở Manila; trong khi ở TP.HCM, nhu cầu về nước sạch và quy mô dân số cũng gần giống với Manila nên đây là khoản đầu tư có mức sinh lời ổn định cho Ayala, một chuyên gia đầu tư nhìn nhận.
Trong khi đó, ở lĩnh vực dược phẩm, một công ty gia đình khác của Philippines là United International Pharma (UIP) đã nhanh chóng bước vào thị trường nhiều tiềm năng như Việt Nam.
Với những dự báo lạc quan về nhu cầu của người tiêu dùng bản địa, đầu năm 2012, UIP đã khánh thành nhà máy dược phẩm (đặt tại KCN VSIP II, Bình Dương, với nhiều sản phẩm tân dược như Decolgen, Alaxan, Enervon...) với giá giá trị đầu tư lên đến 40 triệu USD.
Đây được xem là nhà máy dược phẩm đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn PICs-GMP (Công ước về thanh tra dược và Chương trình hợp tác thanh tra trong lĩnh vực thực hành tốt sản xuất thuốc, tiêu chuẩn được 41 công ty châu Âu và châu Mỹ tuân theo).
Theo kế hoạch được đại diện UIP chia sẻ, 80% sản phẩm sản xuất của nhà máy sẽ được tiêu thụ nội địa và 20% dành cho xuất khẩu. Đồng thời, doanh thu dự kiến của nhà máy này đến năm 2022 có thể đạt 300 triệu USD. Đây là nhà máy thứ hai mà UIP đầu tư tại Việt Nam, trước đó, họ đã đầu tư 6 triệu USD xây nhà máy tại TP.HCM.
Rõ ràng, dược phẩm là mảng có sức hút khá lớn với doanh nghiệp ngoại, vì theo đánh giá của Pacific Bridge Medical, một công ty tư vấn có trụ sở tại Mỹ, doanh số của thị trường dược phẩm Việt Nam năm 2012 là gần 3 tỷ USD - bằng một phần ba thị trường Ấn Độ.
Thị trường Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng với tỷ lệ hơn 20% vào năm 2017. Mặt khác, Business Monitor International cho rằng, Việt Nam đứng thứ 13/175 nước về tốc độ tăng trưởng mức chi tiêu cho dược phẩm. Điều này cho thấy, dư địa phát triển của ngành vẫn còn khá lớn.
Nhỏ nhưng chắc
Theo số liệu từ Cục Đầu tư Nước ngoài, lũy kế đến tháng 6/2014, Philippines đứng thứ 29 (trên Ấn Độ) trong số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam (đứng thứ 11 trong số các quốc gia châu Á đầu tư vào Việt Nam) với 65 dự án và tổng vốn đầu tư 284,86 triệu USD.
Nếu nhìn vào khối lượng đầu tư của các công ty Philippines vào Việt Nam có thể thấy, con số vẫn còn khiêm tốn nhưng đa phần họ chọn những ngành tiêu dùng phổ biến hoặc phục vụ cho nhu cầu số đông.
Ngay như dược phẩm, bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Traphaco, từng chia sẻ, dược là lĩnh vực luôn được các doanh nghiệp ngoại chú ý, họ có thể đầu tư nhà máy khi đã xây dựng được kênh phân phối hoặc thông qua hình thức mua cổ phần của các công ty trong nước để dần biến đối tác thành đơn vị phân phối sản phẩm cho mình nhằm chinh phục thị trường có quy mô lớn như Việt Nam.
Trong khi đó, ở lĩnh vực F&B, hiện vẫn được nhà đầu tư đánh giá cao. Theo ông Lê Minh Thắng, Giám đốc Dịch vụ Tư vấn Grant Thorton Việt Nam, mặc dù đứng ở ví trí thứ hai trong bảng xếp hạng các lĩnh vực hấp dẫn, thực phẩm và đồ uống tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, với 36% ý kiến, tăng trưởng nhẹ so với 34% của lần khảo sát trước.
Kết quả này một lần nữa nhấn mạnh sự hấp dẫn của lĩnh vực này đối với nhà đầu tư do nhu cầu tiêu dùng vẫn được duy trì mạnh mẽ với 90 triệu người tiêu dùng trong nước, cũng như tiềm năng xuất khẩu trong khu vực.
Điển hình như URC, việc tái đầu tư tại thị trường Việt Nam, được Công ty khẳng định là để đáp ứng cho nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng ở các thành phố lớn, cụ thể là Hà Nội, TP.HCM và trong tương lai là để đón đầu thị trường khu vực ASEAN mở cửa hoàn toàn vào năm 2015.
Theo đánh giá của các nhà đầu tư Philippines, TP.HCM gần gũi với Philippines là điểm đến thuận lợi cho các nhà đầu tư Philippines. Hiện nay, những lĩnh vực mà doanh nghiệp Philippines muốn đầu tư vào Việt Nam là du lịch, bán lẻ, y tế, công nghệ thông tin.
Theo Nguyên Bảo