Mất chỉ dẫn địa lý quốc gia: Không chỉ là nhãn hiệu

24/09/2011 08:57 AM |

Vấn nạn nguy cơ mất hàng loạt chỉ dẫn địa lý quốc gia về tay DN nước ngoài không chỉ đơn thuần mất đi một nhãn hiệu, điều đáng nói là tên đất, tên địa danh của quốc gia đang bị xâm hại.


Những ngày gần đây, dư luận rộ lên câu chuyện về nguy cơ hàng loạt chỉ dẫn địa lý quốc gia... bỗng dưng thuộc về DN nước ngoài. Vấn nạn này không chỉ đơn thuần mất đi một nhãn hiệu, điều đáng nói là tên đất, tên địa danh của quốc gia đang bị xâm hại.

Từ kẹo dừa Bến Tre, cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, bánh đậu xanh Hải Dương... những “đặc sản” đi liền với tên địa danh đã trở thành thương hiệu chung của những vùng đất đó.

Gian nan đòi lại “tên đất”

Kẹo dừa Bến Tre thường được nhắc đến như một trường hợp đầu tiên và cũng là trường hợp hy hữu có được một cái kết có hậu về chuyện đi đòi “nhãn hiệu” của mình ở nước ngoài.

Năm 1998, doanh số tiêu thụ kẹo dừa Bến Tre ở Trung Quốc đang tăng cao thì đột ngột giảm mạnh do một đối tác làm nhái và đăng ký độc quyền nhãn hiệu này ở Trung Quốc. Bà Hai Tỏ, chủ nhãn hiệu “Kẹo dừa Bến Tre”, đã phải bao phen vất vả, hết gõ cửa chính quyền đến gặp gỡ giới truyền thông nước này để chứng minh “Kẹo dừa Bến Tre” là của Việt Nam. Năm 1999, bà thành công trong việc đòi lại tên cho sản phẩm đặc trưng của Bến Tre này.

Ngoài ra, những rắc rối bánh phồng tôm Sa Giang tại Pháp và hàng loạt câu chuyện bị đánh cắp thương hiệu khác, đặc biệt mới nhất là việc một DN Trung Quốc lại... làm đơn đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” cho mình, theo các chuyên gia, đã phần nào đánh động ý thức bảo vệ thương hiệu của các cơ quan chức năng tại những địa phương có chỉ dẫn địa lý, đặc biệt là các DN trong nước.

Điểm chung của những trường hợp trên là sản phẩm thật của DN sẽ trở thành hàng giả, hàng nhái khi đi vào các thị trường đã được phía đối tác đăng ký bảo hộ trước. Điều đó cũng đồng nghĩa cơ hội kinh doanh ở đó bị khép lại nếu không chịu mất một khoản tiền lớn để “chuộc” lại tên mình.

Làm gì để tránh rủi ro

Theo các chuyên gia, tuy đã có nhiều trường hợp bị đánh cắp thương hiệu, thế nhưng việc bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài vẫn chưa được các cơ quan và DN Việt Nam quan tâm đúng mức. Bởi bản thân DN Việt Nam chưa thực sự chú trọng hoặc chưa đủ tiềm lực để có thể đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nhiều quốc gia khác nhau. DN chưa thể tiên liệu trước việc phát triển và mở rộng đến các thị trường mới.

Bên cạnh đó, các DN nước ngoài đã đi trước DN trong nước khá xa. Vì thế nhiều tổ chức, DN đã dò xét, đánh giá những DN trong nước có khả năng phát triển và đăng ký bảo hộ thương hiệu hay tên miền ở nước sở tại trước, với một chi phí khá rẻ. Mục đích là sẽ bán lại cho các DN nạn nhân sau này. Ngay ở Việt Nam cũng đã xảy ra hiện tượng DN nhập khẩu, làm đại lý đã nẫng tay trên nhãn hiệu thương mại của DN nước ngoài mà điển hình là vụ việc Sabeco.

Tiến sĩ Trần Lê Hồng - Giám đốc Trung tâm Thông tin, Cục Sở hữu trí tuệ, cho biết có hai cách để đăng ký nhãn hiệu ở nước ngoài là đăng ký theo Thỏa ước và Nghị định thư Madrid và đăng ký trực tiếp tại nước sở tại. Việc đăng ký theo cách thứ nhất, thông qua Cục Sở hữu trí tuệ, có cái lợi là có thể đăng ký cùng lúc ở nhiều nước với chi phí khá rẻ, khoảng 200-300 USD cho 10 năm đầu bảo hộ. Trong khi đó, nếu đăng ký trực tiếp tại từng nước, các DN tốn khá nhiều chi phí dịch vụ, thường lên tới hàng ngàn USD/lần và cũng chỉ đăng ký được ở từng nước.

Thiết nghĩ, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cơ sở pháp lý cho việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của nhãn hiệu. Đây cũng là cơ sở pháp lý để DN thực hiện các cuộc xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, hay xử lý các tranh chấp về thương hiệu do chính mình gây dựng.

Theo Tư Sương
Diễn đàn doanh nghiệp

kyanh

Cùng chuyên mục
XEM