Khởi động đường sắt cao tốc: Ăn sáng Hà Nội, trưa ở Sài Gòn
Kế hoạch xây dựng đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang được tái khởi động gần đây. VnEconomy có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông về vấn đề này.
Ông Đông nói: Gần đây, Thủ tướng đã phê duyệt chiến lược phát triển đường sắt ở Việt Nam tới năm 2020 và định hướng đến 2050, trong đó có xác định định hướng phát triển rất cụ thể. Theo đó, ngoài các tuyến hiện hữu sẽ có các tuyến đường sắt xây dựng mới.
Đối với hành lang Bắc - Nam từ Hà Nội vào TP HCM, đây là một hành lang hết sức quan trọng trong vận tải, có rất nhiều phương thức tham gia như đường không, đường bộ, vận tải biển…
Tuy nhiên, mỗi phương thức vận tải có một ưu thế riêng, trong đó đường sắt là vận tải đường dài, với khối lượng lớn, theo phân tích và nhu cầu thì một tuyến đường sắt mới chắc chắn phải xây dựng trong tương lai, mới đáp ứng được nhu cầu vận tải.
Tuy nhiên, chiến lược này đã xác định từ giờ đến năm 2020 tập trung vào đầu tư nâng cấp, cải tạo đường sắt hiện hữu, để nâng cao năng lực khai thác, cụ thể là nâng tốc độ của vận tải hành khách lên khoảng 80-90 km/h, vận tải hàng hóa khoảng 40-50 km/h.
Và song song đó là nghiên cứu để xây dựng đường sắt tốc độ cao trong tương lai, và cũng dự kiến trong chiến lược xây dựng sau năm 2020.
Giờ phải nghiên cứu lại
- Như vậy, có thể hiểu là hiện nay “đường sắt tốc độ cao” chỉ mới trong giai đoạn chuẩn bị?
- Chúng ta phải nghiên cứu từ bây giờ để làm công tác chuẩn bị, nghiên cứu thu xếp nguồn vốn, rồi hoạch định hướng tuyến, phối hợp quy hoạch với địa phương… để xác định vị trí nhà ga, hướng tuyến trong tương lai.
Đối với vấn đề vốn, phải nghiên cứu chi tiết về thu hút vốn, cũng như xác định thu hút các nhà đầu tư đối với hạng mục, chỗ nào kêu gọi tư nhân, chỗ nào nhà nước đầu tư...
Tiếp đó, sẽ làm các thủ tục thông qua các bước, ví dụ như vừa thông qua sân bay quốc tế Long Thành, thì tương tự như vậy đây là một dự án rất lớn, do đó phải được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư.
Bộ Giao thông Vận tải sẽ phải làm công tác chuẩn bị. Chúng tôi đang xây dựng kế hoạch tổ chức nghiên cứu. Trước đây đã nghiên cứu rất nhiều, nhưng giờ phải nghiên cứu lại, cập nhật, bổ sung các số liệu phân tích, hoàn tất dự án nghiên cứu khả thi trình Quốc hội.
Và trong quá trình đó, cũng sẽ xây dựng cả chiến lược về truyền thông, tức là chúng tôi sẽ xác định lộ trình, lúc nào sẽ có tổ chức hội thảo mời các nhà chuyên gia, nhà khoa học, rồi lấy ý kiến người dân, cũng như đồng thời thông báo cho cộng đồng… để triển khai trong thời gian tới.
- Quy mô vốn cho dự án này sẽ như thế nào, và huy động từ đâu, thưa ông?
- Theo định hướng phát triển, theo quy hoạch chiến lược, thì yêu cầu nguồn vốn đến tận 40-50 tỷ USD từ giờ đến năm 2050, một lượng vốn rất lớn, mà vốn ngân sách thì chúng tôi xác định được khoảng 28%. Như vậy phần còn lại phải huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau từ tư nhân trong và ngoài nước.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông.
Vốn ODA cũng sẽ đóng góp vào dự án này, tức là có phần ta vay rồi góp vào dự án đó. Vốn ngân sách cũng sẽ đóng vai trò “vốn mồi”, theo đó sẽ thu hút thêm vốn đầu tư của tư nhân.
Một đồng của Nhà nước cùng với sự đóng góp của tư nhân có thể tạo ra được nhiều đồng cho đầu tư phát triển.
Ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn
- Trong bối cảnh giao thông hiện nay và trong tương lai, thì theo ông là không thể không có đường sắt tốc độ cao?
- Đường sắt tốc độ cao thì trong chiến lược đã hoạch định rồi, trong tương lai là chắc chắn phải có thì mới đáp ứng được nhu cầu vận tải chung. Tôi nói trong tương lai, chứ không phải là nói cái là ngày mai phải có.
Cũng giống như sân bay Long Thành, ta nói thế nhưng mà để mà nhanh nhất thì cũng phải 2023-2025 nếu như bắt đầu từ bây giờ.
Bắt đầu từ bây giờ thì tức là thông qua chủ trương, bắt đầu lại nghiên cứu khả thi, làm các bước khác nhau, giải phóng mặt bằng, rồi thu xếp vốn, chọn nhà đầu tư cũng như là tổ chức đấu thầu…
Phải xây dựng mất 4-5 năm thì mới đưa vào khai thác, chứ không phải nói cái là ngày mai có ngay sân bay.
Trong chiến lược đã hoạch định là từ đây đi vào TP HCM, nếu như giai đoạn đầu khai thác là 100-200 km/h thì ta đi chỉ trong vòng chỉ 8-10 tiếng thôi. Còn nếu sau này, khi mà hoàn thành toàn tuyến có thể chỉ mất 5-6 tiếng thôi, thì chuyện ăn sáng Hà Nội, ăn tối Sài Gòn, thậm chí ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn là khả thi.
Nhưng, đấy là chuyện tương lai.
- Bao giờ thì các ông trình Quốc hội về đường sắt tốc độ cao?
Chưa nghiên cứu được thì chưa trình lên được. Nhưng mục tiêu từ giờ đến năm 2020 là xin được chủ trương, các bước chỉ đạo, đấy là mục tiêu Bộ trưởng muốn chỉ đạo.
- Gần đây, trong xu thế xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông, có rất nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm đến lĩnh vực đường sắt, ví dụ như xin đầu tư nhà ga, bến bãi. Tình hình thực tế hiện nay thế nào?
- Chúng tôi đã nhận được một số đề nghị, tuy nhiên là mới đề nghị, chứ chưa có đề xuất cụ thể. Và chúng tôi đánh giá cao tất cả những đề nghị đó.
Tuy nhiên, sẽ phải giao cho các cơ quan chức năng làm việc chi tiết lại, tức là các nhà đầu tư đề xuất là có sự tham gia của Nhà nước không? Vai trò của họ làm được đến đâu, ví dụ như họ chỉ làm được nhà ga thôi, còn đường nối từ ga đi đến đường sắt cũ thì ai làm... thì phải cụ thể, chứ không phải chỉ có một cái đề nghị không.
Chúng tôi đang giao các cơ quan làm cụ thể và chắc chắn phải làm việc với chính quyền địa phương, vì còn liên quan đến quỹ đất, khai thác quỹ đất...