Đường sắt Trung Quốc: Sáp nhập và bành trướng
Sự sáp nhập hai công ty CSR Corp. và China CNR Corp đã đưa Trung Quốc sở hữu nền công nghiệp đường sắt khổng lồ, chỉ đứng sau General Electric (GE).
Trung Quốc cũng chính thức cạnh tranh với những "ông lớn" lâu đời trong ngành này khi mở rộng ra các thị trường Châu Phi, Mỹ Latinh, Đông Nam Á.
Ngay buổi sáng đầu tiên xuất hiện, cổ phiếu của China Railway Construction Corp (CRCC) - tên công ty sáp nhập CSR và CNR - đã tăng 12%, đưa giá trị vốn hóa công ty này lên 130 tỷ USD, lớn hơn cả những ông lớn Siemens của Đức, Alstom của Pháp, hay Bombardier của Canada.
Việc sáp nhập cũng đưa doanh thu của CRCC lên 36 tỷ USD với 118.000 công nhân.
Biểu đồ giá trị vốn hoá của các công ty đường sắt lớn nhất thế giới:
Biểu đồ doanh thu của các công ty đường sắt năm 2014:
CRCC được tạo ra để đưa Trung Quốc từ một nước chuyên nhập khẩu các công nghệ đường sắt trở thành đất nước sở hữu mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới.
Những dự án của CRCC theo kế hoạch sẽ được trải rộng khắp thế giới, tập trung ở những thị trường mới nổi, Bloomberg cho biết. CRCC còn tập trung nguồn lực để cạnh tranh với những gã khổng lồ của ngành này: Astom và Bombardier.
Alexious Lee, người đứng đầu Công ty Nghiên cứu công nghiệp CLSA Ltd. tại HongKong chia sẻ với Bloomberg: "Vũ khí của của Trung Quốc không phải ở kỹ thuật cao mà là giá rẻ”.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, chi phí để xây dựng hệ thống đường sắt của Trung Quốc chỉ là 17-21 triệu USD/km, trong khi các đối thủ tiêu tốn 25-39 triệu USD/km.
Những công ty Châu Âu và Bắc Mỹ đã phải thực sự để mắt đến Trung Quốc để thực hiện những gói giảm giá khi đầu tư ở nước ngoài. Bombardier sẽ khó quên được thất bại trước Trung Quốc trong cuộc đấu thầu tuyến đường sắt Boston năm 2014 khi CNR chào được giá thấp hơn đến 50%.
Song, chiến lược thao túng ngành đường sắt của Trung Quốc cũng từng gặp vấn đề. Trung Quốc đã đổ 37 triệu USD vào hợp đồng xây dựng tuyến đường sắt cao tốc vào Mexico. Tuy nhiên, do chính trị nội bộ nước này không ổn định đã khiến kế hoạch của Trung Quốc tiêu tan khi không thể xuất khẩu một chiếc tàu cao tốc nào đến nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới này.
Các công ty của Trung Quốc đã tham gia 348 dự án đường sắt ở nước ngoài và xuất khẩu 3,74 tỷ USD các thiết bị và đầu máy xe lửa, ông Zhi Luxun – quan chức thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vào tháng 2.
Cho đến tháng 5 vừa qua, chính phủ của ông Tập Cận Bình vẫn tự tin gọi công nghiệp đường sắt là 1 trong 10 ngành công nghiệp trọng điểm với kế hoạch phát triển chi tiết để đưa Trung Quốc trở thành một trong những nền kinh tế công nghiệp mạnh nhất thế giới, Bloomberg cho biết.