Hậu Tết, ngành sản xuất Việt Nam có dấu hiệu chững lại

01/03/2016 16:04 PM | Kinh doanh

Các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục cản thiện nhẹ khi tăng trưởng sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới và việc làm vẫn được duy trì. Tuy nhiên, mức tăng tương ứng ở từng tham số là yếu hơn so với tháng 1/2016.

Nikkei vừa công bố chỉ số các điều kiện kinh doanh của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam tháng 2/2016.

Cụ thể: Chỉ số PMI đã giảm từ mức 51,5 điểm trong tháng 1 xuống 50,3 điểm trong tháng 2. Mặc dù giảm mạnh song mức này vẫn còn ở trên ngưỡng an toàn là 50 điểm.

"Điều này chứng tỏ sức khỏe lĩnh vực sản xuất đã được cải thiện trong ba tháng liên tiếp, nhưng mức độ cải thiện gần đây là yếu nhất trong thời gian này" báo cáo của Nikkei cho biết.

Một điểm đáng chú ý là giá cả đầu vào giảm với tốc độ nhanh nhất trong ba tháng tính tới tháng 2. Theo Nikkei, giá dầu giảm là nhân tố chính dẫn đến giảm chi phí. Cả lĩnh vực hàng hóa trung gian và hàng hóa đầu tư cơ bản đều có giá đầu vào giảm.

Nhờ chi phí đầu vào giảm và nhu cầu khách hàng còn yếu, các nhà sản xuất đã hạ giá bán sản phẩm. Mức giảm gần đây nhất là mạnh, nhưng lại chậm nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.

Ngoài ra, sản lượng lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đã tăng tháng thứ ba liên tiếp mặc dù chỉ là tăng nhẹ và với tốc độ chậm hơn so với tháng 1. Hàng tồn kho sau sản xuất đã giảm với mức độ lớn nhất kể từ tháng 2/2014.

Số lượng đơn đặt hàng mới trong tháng 2 đã tăng chậm hơn. Ở những nơi số lượng đơn đặt hàng tăng, các thành viên nhóm khảo sát cho biết nhu cầu của khách hàng đã được cải thiện.

Trong khi đó, số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng, và tăng với tốc độ nhanh hơn tháng trước.

Tương tự như vậy, việc làm gần như không thay đổi trong kỳ khảo sát mới nhất khi mà một số công ty tuyển thêm người để đáp ứng tăng trưởng sản xuất, một số công ty khác lại giảm việc làm. Mức độ việc làm đã tăng trong lĩnh vực hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa trung gian.

Tô Mạn

Cùng chuyên mục
XEM