Ford “cuốn gói” sau gần 100 năm bám trụ thị trường Nhật, lỗi tại ai?

28/01/2016 14:20 PM | Kinh doanh

Đây là một kết cục khá cay đắng cho một hãng xe của Mỹ tại một nước đồng minh thân cận nhất của nước này.

Tháng 1 năm nay, hãng ô tô nổi tiếng của Mỹ, Ford cuối cùng cũng đã phải công bố rút khỏi thị trường Nhật bởi tình hình kinh doanh quá khó khăn.

Đại diện của hãng cho biết Ford sẽ dừng mọi nhà máy tại Nhật từ nửa sau năm 2016, đóng toàn bộ các đại lý phân phối và ngừng bán xe ô tô Ford vào thị trường Nhật.

Năm ngoái Ford chỉ bán được 5.000 chiếc ô tô tại thị trường Nhật và hiện chỉ chiếm được có 0,1% thị phần ô tô tại Nhật.

Ford đã vào Nhật từ năm 1925, sau nhiều thăng trầm của chiến tranh, căng thẳng chính trị, Ford đã mua lại và xây dựng thêm tất cả khoảng 4 nhà máy tại Nhật. Trước Chiến tranh Thế giới thứ Hai, trong thời hoàng kim, đã có lúc Ford bán được đến 10 nghìn chiếc ô tô mỗi năm.

Với lịch sử gần 100 năm am hiểu thị trường Nhật và khách hàng Nhật, đây là một kết cục khá cay đắng cho một hãng xe của Mỹ tại một nước đồng minh thân cận nhất của nước này.

Nhiều người đặt câu hỏi khi mà đến Ford còn phải cuốn gói ra đi thì các doanh nghiệp nước ngoài khác gia nhập thị trường sau hoặc các công ty nhỏ hơn của người Nhật làm sao chống chọi được với sức ép từ các tập đoàn lớn của Nhật mà nhiều trong số đó được bảo trợ ngấm ngầm bởi chính phủ Nhật.

Nói về quyết định rời thị trường Nhật, ông Nel McCarthy, phát ngôn viên của hãng tại Nhật, trả lời: “Nhật là thị trường ô tô khép kín nhất trong nhóm thị trường ô tô các nước phát triển. Tất cả các hãng xe nước ngoài chỉ nắm được chưa đầy 6% thị phần của ngành ô tô Nhật.”

Thế nhưng ngoài lý do trên, không ít chuyên gia đặt câu hỏi đành rằng thị trường Nhật cũng khó khăn, nhưng có lý do nào bắt nguồn từ chính Ford không?

Trên thực tế, số liệu từ Hiệp hội ô tô Nhật cho thấy thị phần xe nhập khẩu ở Nhật chỉ ở mức khoảng 10% (hoặc 6,5% nếu tính gom cả thị trường xe cỡ nhỏ). Con số này dù không cao nhưng cũng không thấp hơn bao nhiêu so với các thị trường các nước phát triển khác.

Theo nhiều chuyên gia phân tích, thực ra chính Ford cũng đã không thật sự mặn mà phát triển thị phần tại thị trường ô tô Nhật trong những năm gần đây. Hay nói cách khác, Ford đã bỏ mặc thị trường ô tô Nhật nhập khẩu cho những đối thủ châu Âu. Năm ngoái, Nhật nhập khẩu hơn 300 nghìn ô tô thế nhưng Ford chỉ giành được 4% trong con số đó.

Tất nhiên Nhật cũng là một thị trường ô tô “khó nhằn” bởi nước này có đến hơn 10 hãng ô tô nội địa được bảo trợ bởi chính phủ và tâm lý người Nhật thích dùng xe nội địa, nhưng nếu các hãng xe ngoại cạnh tranh quyết liệt hơn, chắc chắn họ cũng sẽ kiếm được miếng bánh to hơn.

Hãy xem Ford đã bỏ mặc thị trường ô tô Nhật như thế nào? Lần gần nhất Ford tham gia triển lãm ô tô Nhật là vào năm 2008. Sau đó hãng dường như “bịt tai che mắt” trước sự lớn mạnh của các đối thủ cạnh tranh. Ford không muốn cạnh tranh hay tự cảm thấy không thể cạnh tranh nên chủ động rút lui là câu hỏi nhiều người đặt ra.

Thị trường Nhật đang trở nên bão hòa, ô tô sản xuất ra ngày một nhiều trong khi dân số lại giảm và già nhanh. Tuy nhiên, lần này, Ford quyết định rời cả thị trường Indonesia, nơi mà lực lượng dân số trẻ rất đông và thị trường ô tô còn rất nhiều tiềm năng.

Tính trên mức 1.000 dân số, hiện nay Indonesia mới có 50 ô tô trong khi đó con số này tại Nhật đã lên đến mức 600. Doanh số ô tô tại Indonesia đã lên mức kỷ lục vào năm 2014 sau gần 1 thập kỷ tăng trưởng kỷ lục năm sau cao hơn năm trước.

Tại một đất nước không có ngành ô tô phát triển mang tính chủ lực và là “xương sống” của nền kinh tế như Indonesia, Ford cũng gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh. Ngành ô tô Indonesia phần lớn rơi vào tay người Nhật với 96,5% thị phần. Từ tháng 1 đến tháng 11/2015, các hãng ô tô Nhật bán được gần 1 triệu chiếc trong khi các hãng Nhật bán được gần 1 triệu xe.

Bởi sự thống trị của các hãng xe Nhật, hay nói cách khác là Toyota đã khiến nhiều người nhắc đến Indonesia với cái tên: “Nước cộng hòa Toyota”. Tại thị trường Indonesia, ngay cả hãng xe Mỹ General Motors cũng đang lùi bước bởi không thể cạnh tranh được với các hãng xe Nhật.

Indonesia và những nước láng giềng ASEAN được coi như động lực tăng trưởng chính cho nhiều hãng xe Nhật, chính vì vậy ý nghĩ rời khỏi Indonesia, với các hãng xe Nhật, cũng được coi như không thể tưởng tượng được.

Gần đây, đã có lần có người hỏi phát ngôn viên của Toyota về dự báo của hãng đối với tình hình kinh doanh những năm tới, đại diện của hãng đã trả lời rằng chắc chắn thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn nhưng họ tin rằng họ sẽ vẫn giữ thế thượng phong tại nhiều thị trường Đông Nam Á với thị phần ít nhất 30%.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM