Đêm tàn của nghề kinh doanh hộp đêm trên toàn châu Âu
Quá trình cải tạo các khu dân cư đang giết chết dần ngành giải trí này.
Vào lúc 2 rưỡi sáng, vẫn có một dòng người xếp hàng trong lạnh giá để được vào Tresor, hộp đêm nằm trên nền một nhà máy điện cũ ở Berlin.
Trong không gian ngột ngạt với ánh đèn mờ, khoảng 100 người đang nhảy điên cuồng theo tiếng nhạc lặp đi lặp lại. Một số người uể oải trên quầy bar, tay nắm chặt đồ uống hoặc quấn quýt lấy nhau.
Hộp đêm này, một trong những nơi đầu tiên ở Đức chơi nhạc điện tử, có vẻ vẫn được ưa chuộng như khi mới mở cửa vào năm 1991. Nhưng việc người ta đến các hộp đêm như vậy đang thoái trào.
Theo Dimitri Hegemann, một trong những người lập ra Tresor, thì sau khi bức tường Berlin sụp đổ, các hộp đêm mọc lên như nấm sau mưa theo tình trạng “vô chính phủ về văn hóa”. Chúng chiếm chỗ của các ngân hàng, nhà kho và nhà máy điện bỏ không.
Ở phần còn lại của châu Âu, một số “super club” đã ra đời vào thập niên 1980, và ngày càng có nhiều hộp đêm xuất hiện. Ở London, hộp đêm Fabric xuất hiện vào năm 1999 trong một kho lạnh cũ, ở Amsterdam, một hộp đêm được mở ra trên trên một xưởng in cũ. Những tụ điểm tương tự nhưng nhỏ hơn cũng nhanh chóng xuất hiện.
Tuy nhiên từ đó trở đi, chuyện tiệc tùng trở nên chùng xuống. Trong 10 năm từ 2001 đến 2011, số lượng sàn nhảy ở Hà Lan giảm 38%. Ở Anh, có 3.144 hộp đêm vào năm 2005 nhưng 10 năm sau chỉ còn lại 1.733, theo số liệu của Association of Licensed Multiple Retailers (Hiệp hội các doanh nghiệp đa ngành được cấp phép).
Vào năm 2015, doanh thu của ngành này chỉ còn 1,2 tỷ Bảng (1,7 tỷ USD), trước đó là 1,5 tỷ bảng vào năm 2010. Ở Berlin, mặc dù số lượng các tụ điểm âm nhạc vẫn ổn định ở con số 350 (120 trong số đó là các hộp đêm), nhưng một số hộp đêm lâu đời đã đóng cửa.
Một phần lý do của việc này là hầu hết các thành phố ở châu Âu đang trở nên đáng sống hơn. Sven von Thülen, một DJ thở dài chia sẻ: “Thậm chí ở Berlin cũng khó tìm được một không gian chưa sử dụng ở nội thành”.
Các câu lạc bộ đang bị đẩy ra xa hơn. Tiền thuê nhà tăng lên cũng là một vấn đề, đặc biệt là ở những thành phố như London nơi giá bất động sản tăng chóng mặt, theo lời của Lutz Leichsenring, thuộc Hội đồng các câu lạc bộ (Club Commission) – một cơ quan chuyên ngành ở Đức.
Quá trình cải tạo các khu dân cư đang giết chết dần ngành giải trí này. Eelko Anceaux, chủ sở hữu của De Marktkantine, một trong số nhiều hộp đêm đang cố gắng bám trụ và mở cửa ở Amsterdam vào năm 2014, cho biết: “Chỉ cần có một lời phàn nàn là mọi chuyện bắt đầu trở nên rắc rối”.
Hộp đêm của ông, cũng như nhiều hộp đêm khác, mở thêm một nhà hàng và bán các đồ vintage, giúp cho nó dễ được chấp nhận hơn với cộng đồng những người trẻ thành công gần đó.
Nhưng ngay cả như vậy thì những lời phàn nàn về tiếng ồn và những kẻ say rượu hoặc phê thuốc cũng khiến cuộc sống của các chủ hộp đêm trở nên nan giải hơn.
Khi cải tạo các thành phố, chính quyền địa phương tỏ ra nghiêm khắc hơn với các hộp đêm. Madame JoJo’s, một quán bar nhạc sống ở khu vực Soho của London, đã bị tước giấy phép vào năm 2014 sau khi 2 vệ sĩ gác cửa vung gậy bóng chày vào một đám đông hỗn loạn.
Vào tháng 12, các chủ sở hữu của Fabric cuối cùng cũng giành chiến thắng trong cuộc chiến pháp lý kéo dài một năm với Hội đồng quận Islington, nơi muốn sử dụng chó phát hiện ma túy. Năm ngoái ở Berlin, 2 hộp đêm cũng bị đóng cửa do vi phạm các nguyên tắc về phòng chống cháy nổ.
Theo Mr von Thülen, dần dần những ai muốn mở một hộp đêm thì phải có kế hoạch kinh doanh cẩn thận chứ không chỉ một đám bạn hăng hái sẵn sàng tiệc tùng say sưa như trước. Sự kiên nhẫn đôi khi cũng có tác dụng: Eelko Anceaux mất 4 năm để mở hộp đêm của mình và một năm nữa để có giấy phép chính thức.
Có hai thay đổi lớn về mặt xã hội vẫn đang khiến các chủ hộp đêm phải đau đầu. Thứ nhất là giới trẻ ngày nay sống tiết chế một cách đáng ngạc nhiên.
Ở Đức, Anh, Đan Mạch và Tây Ban nha (TBN), lượng tiêu thụ MDMA, hay ma túy gây ảo giác – những chất kích thích khiến việc gặp gỡ người lạ và nhảy nhót theo tiếng nhạc ầm ĩ trở nên thích thú hơn nhiều – đã giảm đáng kể trong độ tuổi từ 15 đến 34.
Xu hướng sử dụng ma túy ít liên quan đến việc lui tới các hộp đêm, chẳng hạn như cần sa và cocain, tùy thuộc vào từng quốc gia.
Lượng tiêu thụ rượu mạnh cũng giảm nhẹ ở những người trẻ. Tình trạng chè chén quá độ ở Anh cũng có sự suy giảm đáng kể: từ 2005 đến 2013 những người thường xuyên uống rượu trong độ tuổi từ 16 đến 24 (tức uống rượu 5 ngày/tuần) giảm từ 7% xuống còn 2%.
Việc mua đồ uống trong một hộp đêm là “cực kỳ đắt đỏ”, đó là nhận định của Amanda, một sinh viên đại học người Mỹ sống ở Anh. (Cô còn cho biết, ở một số hộp đêm các gã trai toàn là bọn khốn).
Xu hướng thứ hai là các nhạc hội ngoài trời đang dần thay thế cho các hộp đêm. Trong năm 2014 có khoảng 130 chương trình ca nhạc diễn ra ở riêng Amsterdam. Ở Anh hàng năm có khoảng 250 chương trình, so với chỉ 80 chương trình vào năm 2004.
Nhiều người đang tiết kiệm tiền để chỉ cần đi xem 2 đại nhạc hội mỗi năm, thay vì đi hộp đêm mỗi tháng. Quy mô kinh tế lớn hơn hẳn của các nhạc hội giúp các nhà tổ chức dễ dàng mời được các DJ nổi tiếng, và điều này thì rất ít các hộp đêm có khả năng chi trả.
Rất khó để đảo ngược tình hình
Một số thành phố đang cố gắng vật lộn với xu thế đang sụt giảm này. Vào năm 2002, sau khi một đạo luật khắt khe về múa cột được ban hành ở Amsterdam, vị trí “night mayor” (thị trưởng bóng đêm) tự nguyện được tạo ra để vận động hành lang đại diện cho các hộp đêm và ngành giải trí.
Mirik Milan, người giữ vị trí này từ năm 2014 cho biết: “Các sự kiện nhỏ cũng như các trường kinh doanh nhỏ”.
Ở London vào năm ngoái, một “biệt đội về các địa điểm nhạc hội” do Boris Johnson thành lập, nêu đề xuất các chính quyền địa phương nên có biện pháp cân bằng hơn khi giải quyết vấn đề về tiếng ồn. Ở Đức, Leichsenring của Hội đồng các hộp đêm cũng tham gia vào nhóm công tác với Phòng Thương mại Berlin.
Họ hy vọng có được quan hệ tốt hơn với chính quyền địa phương, với dân cư trong khu vực và giữa các hộp đêm với nhau. Nhưng họ vẫn không thể làm gì nhiều để làm tăng lượng người muốn tiệc tùng trong cả 24h/ngày như trước đây.