Đếm ngược ngày tàn của Uber tại Trung Quốc và Hong Kong?
Hành động kêu gọi khách hàng ký tên ủng hộ của Uber Hong Kong không những không phải một nước cờ thông minh mà còn khiến Uber Trung Quốc sớm tàn lụi.
7 ngày sau sự việc các tài xế của Uber bị bắt và văn phòng tại Hong Kong bị điều tra, hãng này đã gửi một “lời thỉnh cầu” qua ứng dụng của mình tới khách hàng.
Kết quả là, đã có khoảng 50 nghìn chữ ký ủng hộ Uber, tuy nhiên cho đến lúc này mọi cố gắng đều trở nên vô ích. Bài báo mới đây nhận định rằng Uber sẽ không thể thành công ở thị trường đại lục. Hành động kêu gọi khách hàng ký tên ủng hộ của Uber Hong Kong không những không phải một nước cờ thông minh mà còn khiến Uber Trung Quốc sớm tàn lụi.
Uber lao vào cuộc chạy đua kinh doanh dịch vụ taxi tại các thành phố lớn trên thế giới, nhưng lại tuyển dụng những tài xế mà không cần kiểm tra hay xác nhận. Các lái xe này một mắt nhìn iphone, một mắt tìm kiếm khách hàng, cộng thêm việc hầu như chưa có bằng lái và không có những kiến thức cũng như quy tắc nghiêm ngặt như những tài xế thông thường.
Các luật sư tại San Fransisco và Los Angeles đã khởi kiện Uber vì tội lừa dối công chúng khi cam kết họ đã kiểm tra nhân viên theo đúng tiêu chuẩn. Thực tế những người này đã có tiền án về tội trộm cướp, bắt cóc, tấn công tình dục, sử dụng vũ khí trái phép, thậm chí là giết người. Họ có thể qua mặt được Uber, chứ không qua mặt được chính quyền California.
Sự an toàn của người dân là lý do mà ngành taxi phải chịu những quy định nghiêm ngặt. Liệu ai có thể can đảm cho con gái mình đi xe của một tên có tiền án tấn công tình dục? Việc số lượng giấy phép cấp cho các tài xế bị giới hạn có cùng chung nguyên nhân với sự độc quyền của các công ty điện lực. Họ đều cung cấp dịch vụ công cộng nên được chính phủ bảo vệ như nhau khỏi các hãng nước ngoài muốn cạnh tranh. Phải chăng đó là lý do Uber không còn cách nào khác ngoài việc phải thuê các lái xe không đáng tin cậy, do hãng này vào sau nhưng lại muốn ngay lập tức chiếm được thị phần?
Cho đến nay CEO của Uber Travis Kalanick vẫn cho rằng hãng này thực sự cạnh tranh một cách lành mạnh: “Chúng tôi hoàn toàn làm đúng luật, vậy mà chính phủ lại bắt chúng tôi phải đóng cửa, thật vô lý” – ông ta tuyên bố với Vanity Fair vào năm ngoái. Trước đó, Kalanick đã có bài phát biểu hung hồn trước người dân của San Fransisco rằng mọi người chỉ cần mở ứng dụng và sẽ có được ngay sự trải nghiệm tuyệt vời, đồng thời tự nhận mình là người kết nối cho sự tiện lợi đó.
Tuy nhiên, sự thật là gì? Với 18 nghìn chiếc taxi, Uber đã nhận hơn 10 nghìn phàn nàn từ người sử dụng. Tâm lý chung của khách hàng chính là nhanh chóng quên đi những điều tốt mà chỉ nhớ đến những dịch vụ kém mà họ được cung cấp. Uber không bao giờ có thể thể ngăn tin xấu lan truyền giữa cộng đồng khách hàng.
Sự kêu gọi của Uber có thể cho phép hãng này tồn tại ở Trung Quốc, nhưng lại không giúp được gì ở thị trường Hong Kong hay bất cứ quốc gia nào trong khu vực châu Á. Sự cạnh tranh đến từ các hãng taxi nội địa rất khốc liệt, thậm chí chính phủ các nước cũng tỏ ra ưu ái các thương hiệu có sẵn này hơn. Trong tương lai, thị trường taxi kém cỏi tại Hong Kong có thể sẽ được cải thiện, kể cả thế cũng chưa đến lượt Uber.