CEO Uber bị buộc tội ở Hàn Quốc vì dịch vụ gọi taxi trái phép
Văn phòng công tố viên quận Trung tâm Seoul tuyên bố: “Tại Seoul, Uber hợp tác cùng MK Korea vận hành trái phép dịch vụ cho thuê xe với hình thức tương tự như taxi”.
Văn phòng công tố viên Seoul đã buộc tội CEO hãng công nghệ Uber là Travis Kalanick và người đứng đầu doanh nghiệp nội địa hợp tác với hãng này tại Hàn Quốc là MK Korea Co. vì những cáo buộc liên quan đến vấn đề vi phạm luật giao thông.
Thời điểm hiện tại, Uber đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức liên quan đến vấn đề pháp lý khi đang nỗ lực mở rộng kinh doanh tại châu Á trước bối cảnh cuộc biểu tình của các hãng taxi địa phương ngày càng lan rộng.
Chính quyền thành phố Seoul đã tuyên bố họ sẽ cấm dịch vụ của Uber và những ứng dụng tương tự do quan ngại không an toàn và cạnh tranh với các dịch vụ taxi được cấp phép trong nước. Theo đó, từ tuần tới, chính quyền nước này sẽ treo thưởng 1 triệu won (tương đương 905 USD) cho những ai cung cấp thông tin về dịch vụ taxi Uber.
Cụ thể, văn phòng công tố viên quận Trung tâm Seoul tuyên bố: “Tại Seoul, Uber hợp tác cùng MK Korea vận hành trái phép dịch vụ cho thuê xe với hình thức tương tự như taxi”. Tuy nhiên, cơ quan này từ chối đưa ra bình luận về việc liệu có thẩm vấn CEO Kalanick hay không.
Trong khi đó, Uber thì nói rằng họ sẽ hợp tác chặt chẽ với các nhà điều tra và tự tin tòa án sẽ “duy trì sự phán xét công bằng và thỏa đáng” trong trường hợp này.
“Chúng tôi tin chắc rằng dịch vụ của mình nhằm kết nối người lái xe và khách hàng thông qua ứng dụng không chỉ hợp pháp tại Hàn Quốc mà còn được chào đón và nhận sự ủng hộ của khách hàng”, văn phòng công ty đại diện của Uber tại Hàn Quốc nói trong thông báo bằng email.
Trong khi đó, Uber mới tăng được 1,2 tỷ USD vào đầu tháng, đạt mức giá trị 40 tỷ USD. Công ty này vẫn kiên quyết quan điểm pháp lý và dịch vụ tại Seoul của hãng là hoàn toàn tuân thủ pháp luật. Theo Allen Penn, Giám đốc khu vực châu Á của Uber thì công ty này đang gặp phải khó khăn bởi “sự lạc hậu của luật pháp”.
“Rõ ràng trái phép”
Phía Hàn Quốc, cụ thể là Bộ trưởng đất đai, cơ sở hạ tầng và giao thông vận tải thì khẳng định: “Dịch vụ vận chuyển trả phí bằng những chiếc xe không được đăng ký rõ ràng là hoạt động trái phép”. Tờ Yonhap News còn tiết lộ, mức phạt tối đa cho những lái xe của Uber có thể là 2 năm tù giam hoặc 20 triệu won.
Uber hiện đang vận hành tại 53 quốc gia, trong đó hãng chính thức ra mắt dịch vụ tại Seoul vào năm 2013. Tại đây, hãng phải cạnh tranh với những ứng dụng gọi taxi địa phương như NaviCall – đơn vị được điều hành bởi một nhà cung cấp điện thoại di động lớn nhất nước này là SK Telecom Co. Điểm khác biệt duy nhất là những chiếc xe của NaviCall được đăng ký với cơ quan chức năng.
Trong thông báo gửi đi, Uber nhấn mạnh: “Uber cho rằng việc cơ quan chức năng phạt những lái xe đang cố kiếm sống thông qua dịch vụ này là không thỏa đáng”.
Chính quyền Seoul thì tuyên bố sẽ giới thiệu dịch vụ gọi taxi thông qua điện thoại thông minh của riêng họ trong thời gian tới.
Tuần trước, dịch vụ của Uber cũng bị tuyên bố hoạt động trái phép tại Đài Loan. Theo đó, Bộ trưởng bộ giao thông vận tải Yeh Kuang-shi bày tỏ lo ngại về vấn đề an toàn và việc Uber có thể thu thập dữ liệu cá nhân bao gồm tên, thẻ tin dụng, địa điểm, hành trình của khách hàng.
>> Uber: Mô hình kinh doanh khó có thể sụp đổ
Phương Linh