Cuộc đua khốc liệt lên ‘chiếu trên’ của các hãng bia ngoại tại Việt Nam

24/12/2015 13:46 PM | Kinh doanh

Sức hấp dẫn từ thị trường 3 tỷ đô khiến cuộc chạy đua cạnh tranh giữa các hãng bia từ nội đến ngoại khốc liệt hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong phân khúc bia cao cấp.

Sau một ngày làm việc mệt mỏi, dân công sở gặp nhau ở đâu để xả hơi, buôn chuyện? Câu trả lời dễ dàng nhận được chính là các quán bia, quán nhậu và gần đây trào lưu lên ngôi là beer club.

Tạp chí Nikkei Asia Review thậm chí còn nhận xét beer club là ví dụ tiêu biểu của các thương hiệu “xa xỉ đại chúng” chuyên phục vụ sản phẩm “xa xỉ giá mềm” dành cho tầng lớp lao động đại chúng.

Số liệu mới nhất từ Bộ công thương cho biết tới 11 tháng đầu năm nay sản lượng bia ước đạt 3 tỷ lít, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với mức tiêu thụ 3 tỷ lít hàng năm, tương đương 3 tỷ USD (xấp xỉ 63 nghìn tỷ đồng), tăng trưởng 15%/năm, Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.

Sức hấp dẫn từ thị trường 3 tỷ đô khiến cuộc chạy đua cạnh tranh giữa các hãng bia từ nội đến ngoại khốc liệt hơn bao giờ hết, đặc biệt là trong phân khúc bia cao cấp.

Cuộc đua của các đại gia ngoại

Thâm nhập thị trường Việt Nam khá sớm từ năm 1993, Carlsberg được xem là hãng bia ngoại có những bước đi lớn nhất và dài hơi nhất để chiếm lĩnh vị thế phân khúc cao cấp.

Để có được vị trí này, Carlsberg liên doanh với một loạt công ty bia trong nước có tên tuổi như Bia Việt Hà, sở hữu 60% cổ phần liên doanh nhà máy bia Đông Nam Á, năm 2007 mua lại 30% cổ phần bia Hạ Long, cuối năm 2007 cùng Habeo tành lập liên doanh mới tại Bà Rịa- Vũng Tàu và mới đây nhất là mua lại bia Huda.

Một tên tuổi đại gia ngoại khác khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam là Tiger. Tiger và Heineken hiện được cung cấp bởi công ty TNHH nhà máy bia Việt Nam (VBL), liên doanh giữa tổng công ty thương mại Sài Gòn (SATRA).

Về bia Heineken, theo báo cáo của Euromonitor, hãng này nắm trong tay 18% thị phần, cùng với Sabeco (46%) và Habeco (16%). Heineken và hệ thống công ty liên kết có thể khả năng sản xuất 916 triệu lít/năm trong khi Carlsberg là 575 triệu lít/năm.


Heineken đầu tư mạnh cho quảng cáo dịp ra mắt phim Điệp viên 007 mới đây.

Heineken đầu tư mạnh cho quảng cáo dịp ra mắt phim Điệp viên 007 mới đây.

Không chịu thua kém, tập đoàn bia Nhật Bản Sapporo đặt chân vào Việt Nam từ năm 2010 trên cở sở hợp tác giữa tập đoàn Sapporo Nhật Bản và tổng công ty thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và nhanh chóng đầu tư giai đoạn 1 nhà máy có công suất 40 triệu lít/năm khoảng 42 triệu USD và chuẩn bị nâng công suất lên 100 triệu lít, giai đoạn 3 là 150 triệu lít.

Với việc nhận chuyển nhượng 29% cổ phần từ Vinataba hồi tháng 9 vừa qua, hiện tập đoàn Sapporo Nhật Bản sở hữu 100% Sapporo Việt Nam.

Được xác định là thị trường quan trọng bậc nhất tại khu vực Đông Nam Á, công ty TNHH Sapporo Việt Nam không ngừng mở rộng đầu tư nhà máy cũng như mạnh tay chi cho quảng cáo thương hiệu tại Việt Nam. Mới đây, công ty này còn hợp tác với tập đoàn Tobacco & Liquor của Đài Loan để mở nhà máy và sản xuất bia Gold Medal tại Việt Nam.

Gia nhập thị trường khá muộn là Anheuser-Busch InBev với việc xây nhà máy tại Bình Dương để sản xuất bia cao cấp Budweiser. Công ty này còn sở hữu các thương hiệu khác như Corona, Stella, Artois, Beck’s Và Brahma.

Không những đầu tư xây dựng nhà máy, AB InBev còn đẩy mạnh quảng cáo bằng việc giới thiệu, dùng thử sản phẩm Buiweiser tại những công ty lớn thời gian gần đây.

Cuộc chạy đua của các hãng bia ngoại cũng gây sức ép lên hãng bia nội vốn thống lĩnh phân khúc bia bình dân là Sabeco. Công ty này cũng nhanh chóng tung ra những sản phẩm cao cấp như Saigon Lager, Saigon Special, Saigon Gold nhằm giữ thị phần và gia tăng lợi nhuận.

Vị ngọt từ bia cao cấp

Với tiềm năng tăng trưởng chung của toàn ngành, bia cao cấp còn được hưởng lợi khi xu hướng hồi phục tăng trưởng kinh tế ngày càng rõ nét, thu nhập người tiêu dùng được cải thiện. Đại diện từ hãng Bia Sài Gòn từng cho biết phân khúc này còn rất nhiều tiềm năng.

Không chỉ có tiềm năng tăng trưởng tốt, bia cao cấp cũng là phân khúc sinh lời tốt. Theo báo cáo của Euromonitor năm 2014, Sabeco đứng đầu thị trường bia Việt Nam với 46% thị phần, cũng dần đầu về doanh thu với mức xấp xỉ 30.000 tỷ đồng, VBL xếp thứ 2 bằng khoảng 2/3 Sabeco, tiếp theo là Habeco, Carlsberg xếp cuối trong 4 ông lớn ngành bia.

Tuy nhiên nếu xét về lợi nhuận thì lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Năm ngoái, lợi nhuận thu về của Sabeco khoảng 3,9 nghìn tỉ đồng, thua xa VBL. Thậm chí cộng gộp lợi nhuận Sabeco, Habeco vẫn chưa bằng lợi nhuận của đại gia ngoại này.

Biên lợi nhuận cao, thị trường tiềm năng cũng chính là lý do mà tập đoàn Sapporo lạc quan khi đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam mặc dù kể từ khi thành lập công ty Sapporo Việt Nam chưa thoát lỗ.

Doanh nghiệp này cho biết thị trường bia cao cấp tại Việt Nam còn đầy tiềm năng khi dự báo GDP trong 5 năm tới sẽ tăng khoảng 6,5-7% đồng thời khảo sát thị trường cho thấy tầng lớp trung lưu sẽ tăng từ 8 triệu (năm 2012) lên khoảng 40 triệu năm 2020.

Theo ông Osamu Beppu, giám đốc kinh doanh và tiếp thị công ty TNHH Sapporo Việt Nam phân khúc bia cao cấp và cận cao cấp sẽ tăng lên tương ứng 70% và 55% vào năm 2020 so với hiện nay. Sapporo thậm chí còn đặt mục tiêu đưa doanh thu Sapporo Việt Nam chiếm 50% doanh thu nước ngoài của toàn tập đoàn.

Ngon nhưng không dễ nuốt

Mặc dù tiềm năng tăng trưởng và sinh lời tốt nhưng để vững chân ngồi ‘chiếu trên’ trong thị trường bia không phải là chuyện dễ. Điển hình câu chuyện hãng bia Foster đến từ Úc. Sau gần 10 năm cố gắng xây dựng hình ảnh “bia phong cách Úc” nhưng không thành công, Foster rút lui khỏi thị trường và bán toàn bộ cơ sở sản xuất cho đối tác trong đó có VBL.

Theo chuyên gia trong ngành, định vị là bia cao cấp nên các hãng bia cũng phải mạnh tay chi cho bao bì, quảng bá hình ảnh, xâm nhập thị trường ở kênh Horeka (hotel, restaurant, karaoke) với chi phí không nhỏ.

Nguyên tắc chung của cuộc đua này là cần tiềm lực tài chính đủ mạnh để bù lỗ cho thời gian đầu. Đây cũng là lý do mà hãng bia Sapporo đưa ra trước câu hỏi gần 6 năm hoạt động tại Việt Nam mà chưa thoát lỗ.

Cuộc đua tốn kém này còn diễn ra khốc liệt như thế nào? Những lính mới như AB InBev, Sapporo liệu có giành được chỗ ngồi ở chiếu trên hay ngậm ngùi ra đi, thời gian sẽ trả lời tất cả.

Kim Thủy

Cùng chuyên mục
XEM