Cuộc chiến xúc xích: Hãy quên tiệt trùng đi, giờ người ta thích đồ tươi!

19/08/2015 15:09 PM | Kinh doanh

Thay vì xúc xích tiệt trùng “toàn bột là chính” như nhiều người nhận xét, thị trường Việt Nam đang chuyển sở thích sang những chiếc xúc xích tươi, thơm và ngon hơn.

Giờ ăn trưa tại một tòa cao ốc ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), Phương Quế – một nhân viên văn phòng không kịp chuẩn bị cơm hộp mang đi làm. Giữa cái nắng gay gắt của buổi trưa cuối hè, sự lựa chọn của cô chỉ có thể là ăn liền mua tại siêu thị mini của tòa nhà hoặc ăn cơm văn phòng của nhà hàng. Lựa chọn ăn mì gói cho tiện, Quế lại gặp phải vấn đề đắn đo như nhiều lần khác: mua xúc xích hay thịt hộp để ăn kèm?!

“Chỉ ăn mì tôm thì có vẻ thiếu chất, nhưng ăn cùng xúc xích thì toàn vị bột” – Quế băn khoăn. Cuối cùng cô chọn ăn mì tôm cùng thịt hộp cho “có vị thịt”.

Thị trường rộng lớn

Câu chuyện trên là một thực tế của những chiếc xúc xích tiệt trùng tại Việt Nam – tiện lợi nhưng không thật sự được yêu thích.

Hiện tại, người dùng Việt Nam thích ăn những chiếc xúc xích tươi rán lên kẹp bánh mì hoặc ăn với cơm hơn. Nó có vị ngọt, thơm và quan trọng là cảm giác làm từ “thịt thật”. Đây cũng là điều mà doanh nghiệp đang dẫn đầu ngành xúc xích tại Việt Nam – Vissan cũng phải thừa nhận.

Chia sẻ với báo chí, ông Văn Đức Mười – Tổng giám đốc Vissan cho biết, nếu như từ năm 2012 trở về trước, dòng sản phẩm xúc xích tiệt trùng luôn tăng trưởng ở mức 10%/năm thì vài năm trở lại đây, con số này đang có xu hướng giảm dần.

Đáng lưu ý là thị trường xúc xích tiệt trùng của Việt Nam chưa hề lên tới “đỉnh” nhưng đã dịch chuyển sang phân khúc xúc xích tươi. Theo số liệu thống kê từ Vissan, mức tiêu thụ xúc xích tiệt trùng của người Việt chỉ ở mức 0,55kg/người/năm, trong khi quốc gia láng giềng Trung Quốc tiêu thụ trung bình 0,76kg/người/năm.

Điều này được đánh giá là phù hợp với xu hướng phát triển chung khi thu nhập của người tiêu dùng đạt tới mức phát triển nhất định. Thị trường sẽ hướng tới những dòng cao cấp hơn như xúc xích tươi (thịt được xay nhuyễn nhỏ rồi được nhồi vào các loại vỏ là ruột động vật như ruột heo, ruột cừu rồi được xông khói chín), xúc xích thịt nguội…

Sự chuyển dịch nhu cầu này có thể thấy rõ rệt khi các doanh nghiệp có thế mạnh về dòng sản phẩm này đang phát triển với tốc độ rất nhanh như Đức Việt, CP. Vissan dù vẫn đang dẫn đầu thị trường xúc xích nói chung cũng không thể đứng ngoài cuộc – bắt đầu sản xuất xúc xích tươi từ năm 2013.

Hiện chiếm thị phần số 1 tại thị trường Hà Nội, Công ty CP thực phẩm Đức Việt – đơn vị tiên phong trong việc đưa xúc xích tươi tới với người tiêu dùng Việt Nam từng có một thời vô cùng “gian khó”.

Năm 2000, với nhà xưởng nhỏ chỉ có diện tích hơn 200m2, công ty Đức Việt với 12 nhân viên cho ra đời "mẻ xúc xích đầu tiên theo công nghệ Đức từ… hai con lợn" – theo ông Mai Huy Tân – Nguyên Chủ tịch HĐQT và là người sáng lập CTCP thực phẩm Đức Việt chia sẻ.

Những ngày đầu khó khăn khi tìm thị trường, kênh bán hàng không hề đơn giản bởi ít người biết đến xúc xích tươi, xúc xích xông khói. Chỉ những du học sinh hoặc những người đã từng sống ở Đức mới biết đến loại xúc xích này.

Xa lạ với người dùng, chưa có thương hiệu lớn để thuyết phục kênh phân phối, không bảo quản được lâu là những vấn đề mà một doanh nghiệp nhỏ như Đức Việt khi đó vấp phải.

Dù mang danh là “ông chủ” nhưng khi đó, đích thân ông Tân phải vừa điều hành công ty, vừa mặc đồng phục nhân viên tiếp thị đi mời khách ăn thử xúc xích ở các quán bia. Công ty phải đăng quảng cáo trên báo Nhi đồng và mua báo phát ở một số trường học kèm phát xúc xích miễn phí.

“Mưa dầm thấm lâu”, hơn 10 năm kể từ những ngày đầu khó khăn ấy, những chiếc xúc xích hun khói cỡ lớn dần trở thành một trong những thói quen ăn uống của người Việt. Các mặt hàng xúc xích tươi cần chế biến đã có mặt trong tủ lạnh của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và trung tâm thương mại.

Những quầy hàng nướng xúc xích hun khói cũng xuất hiện dày đặc trên đường phố, khu vui chơi, thậm chí là cả hàng bán bánh mỳ. Theo số liệu từ công ty Đức Việt, tính tới cuối năm 2013, công ty Đức Việt sản xuất 20 tấn xúc xích mỗi ngày, bằng sản lượng của cả năm đầu tiên (2000).

Một “ông lớn” khác cũng đã gia nhập thị trường xúc xích tươi là công ty Chăn nuôi CP Việt Nam. Với lợi thế là doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam trong ngành chăn nuôi, chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi gia cầm và chế biến thực phẩm theo một quy trình khép kín, công ty này làm chủ hoàn toàn về nguyên liệu đầu vào. Các thành phần xúc xích đều do CP Việt Nam tự cung tự cấp ngay trong nước và sản xuất trên dây chuyền nhập khẩu từ tập đoàn mẹ ở Thái Lan. Đây là thế mạnh cạnh tranh đáng kể của CP, bên cạnh Đức Việt và Vissan.

Dè chừng đối thủ ngoại

Được đánh giá rất tiềm năng với quy mô thị trường lớn nhưng các doanh nghiệp trong nước sẽ phải chuẩn bị để đối mặt với áp lực từ “làn sóng” ngoại sau khi Việt Nam hoàn tất các hiệp định thương mại tự do.

Không chỉ có chiến lược kinh doanh bài bản, cách chiếm lĩnh thị trường chuyên nghiệp, tài chính vững mạnh, các doanh nghiệp sản xuất xúc xích ngoại có lợi thế cạnh tranh rất lớn về giá.

Thời gian vừa rồi, người tiêu dùng Việt Nam bất ngờ khi có tin giá nhập khẩu đùi gà đông lạnh từ Mỹ chỉ từ 20.000đ/kg (quá rẻ so với giá gà Việt). Rõ ràng, khi đặt lên bàn cân lợi ích, chẳng người tiêu dùng nào ủng hộ doanh nghiệp trong nước để chọn sản phẩm nội tương tự với mức giá đắt hơn. Đáng ngại ở chỗ, câu chuyện này không chỉ là chuyện của riêng con gà. Các mặt hàng thịt khác cũng tương tự.

Các doanh nghiệp nước ngoài với lợi thế trang trại lớn, quy trình chăn nuôi khoa học kết hợp công nghệ cao cho sản lượng lớn với chi phí sản xuất thấp sẽ cho ra thịt thành phẩm có chất lượng đồng đều, mà giá rẻ hơn nhiều so với mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún của nông dân Việt Nam.

Theo thống kê của Bộ Công thương, giá các loại thịt – vốn là nguyên liệu chính của xúc xích như thịt heo, thịt bò của Việt Nam - có giá cao hơn so mức giá trung bình trong khu vực từ 5.000đ đến 10.000đ/kg. Theo ông Văn Đức Mười – TGĐ Vissan cho rằng, sản lượng thịt heo hiện có thể đủ cung cấp cho nội địa nhưng giá của Việt Nam cao hơn khu vực châu Á khoảng 25%; hơn châu Âu, bắc Mỹ là 30%.

Khi mặt bằng giá khó cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt muốn giữ được và tăng trưởng thị phần trong nước không có cách nào khác là phải chủ động “đón sóng”. Và Vissan với bề dày kinh nghiệm đang có vẻ khá sẵn sàng gia nhập cuộc chơi.

Năm 2014, Vissan cùng công ty CP Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) và công ty Nutifood hợp tác đầu tư "Dự án chăn nuôi bò sữa, bò thịt và xây dựng nhà máy chế biến" với số vốn khoảng 11.000 - 12.000 tỷ đồng.

Trong đó, riêng dự án chăn nuôi bò sữa và bò thịt do HAGL làm chủ đầu tư có số vốn khoảng 6.300 tỷ đồng, khi hoàn thành sẽ có tổng đàn bò thịt và bò sữa là 236.000 con. Bò thịt được nhập về từ Thái Lan, Úc. Lượng thịt bò tạo ra từ dự án hợp tác này sẽ do Công ty Vissan tiêu thụ.

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Công ty Vissan kỳ vọng, việc hợp tác này sẽ tạo điều kiện cho người tiêu dùng được sử dụng thịt bò chất lượng, giá cạnh tranh. Và điều quan trọng, đó là Vissan sẽ chủ động được nguồn nguyên liệu chất lượng cao và giá thành hợp lí, đủ sức cạnh tranh được với thịt ngoại.

Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM