Công nghiệp ôtô Việt Nam: Tiến thoái lưỡng nan

11/06/2015 16:03 PM | Kinh doanh

Ngành công nghiệp ôtô Việt Nam được ví như chiếc xe chạy tại chỗ sau gần 20 năm xây dựng.

Các hãng xe ngừng sản suất?

Ngay sau khi Toyota lên tiếng về sự khó khăn của các doanh nghiệp (DN) khi phải quyết định chiến lược sản xuất trong thời điểm thuế nhập khẩu xe xuống 0% đã gần kề nhưng Chính phủ vẫn chưa ra chính sách cụ thể về phát triển ngành, nhiều thương hiệu khác cũng đã lên tiếng.

Cuối tháng 4, trong cuộc họp tổng kết hoạt động năm 2014, ông Yoshihita Maruta, Tổng giám đốc Công ty Toyota Việt Nam (TMV), cho biết, TMV vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng về việc có nên tiếp tục sản xuất tại Việt Nam dù 2015 là thời điểm công ty phải quyết định công bố.

Theo ông Maruta, trung bình một mẫu xe mất khoảng 3 năm chuẩn bị mới đưa ra thị trường, trong khi theo lộ trình giảm thuế nhập khẩu ôtô từ các nước ASEAN đến năm 2018, mức thuế này sẽ giảm xuống bằng 0%. Nhập xe nguyên chiếc về bán sẽ rẻ hơn là nhập linh kiện, gỡ ra rồi lắp lại. Vì thế, việc thuế nhập khẩu trong ASEAN giảm xuống 0% vào năm 2018 là vấn đề lớn.

"Thời điểm hiện tại là lúc cần phải có chính sách phát triển rõ ràng cho ngành công nghiệp ôtô để TMV và các nhà sản xuất khác có thể đưa ra kế hoạch cụ thể. Thế nhưng, cho đến lúc này, Chính phủ vẫn chưa đưa ra chính sách cụ thể nào, vì vậy mà TMV đang gặp khó khăn trong việc hoạch định tương lai và một số hàng xe khác tại Việt Nam có nhiều khả năng sẽ chuyển hướng từ sản xuất sang nhập khẩu", ông Maruta chia sẻ.

Một trong những thương hiệu đến từ Mỹ là GM cũng đang đau đầu về vấn đề này. Ông Gaurav Gupta, Tổng giám đốc GM Việt Nam, cho biết, cũng như các nhà sản xuất khác, GM đang cân nhắc về thời hạn 2018, khi thuế nhập khẩu xe từ các nước ASEAN về 0%.

Nếu điều đó xảy ra, vấn đề đặt ra sẽ là các nhà sản xuất nên tiếp tục duy trì nhà máy ở Việt Nam hay nhập khẩu từ nước ngoài về. Riêng về GM Việt Nam, Công ty sẽ cân nhắc đến nhiều yếu tố, trong đó có các giải pháp điều hành được cơ quan quản lý đưa ra.

 

"Lúc đó, nếu xe sản xuất trong nước có giá rẻ hơn là đưa xe từ bên ngoài thì chúng tôi sẽ duy trì nhà máy và ngược lại, nếu xe sản xuất trong nước có giá bán cao hơn thì khả năng nhập khẩu sẽ cao hơn. Chúng tôi có nhiều giải pháp khác nhau nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là phục vụ người tiêu dùng", ông Gaurav Gupta nói.

Chia sẻ với Báo Doanh Nhân Sài Gòn về vấn đề này, ông Jesus Metelo Arias, Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam, cho biết, năm 2014, Chính phủ đã thông qua Quy hoạch phát triển công nghiệp ôtô đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Vấn đề còn lại là việc cụ thể hóa các bước tiếp theo như thế nào để DN triển khai kế hoạch.

"Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn chờ đợi những cụ thể hóa từ phía Nhà nước và những nhà điều hành chính sách để có kế hoạch triển khai phù hợp", ông Jesus Metelo Arias cho biết.

Dù chờ đợi những động thái tiếp theo từ Chính phủ nhưng Jesus Metelo Arias cho biết Ford sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Năm 2014, mặc dù thị trường ôtô khó khăn và lộ trình giảm thuế nhập khẩu xuống 0% đã gần kề nhưng Ford Việt Nam vẫn tiếp tục đầu tư 6,1 triệu USD để tăng cường các dây chuyền sản xuất xe và chuẩn bị cho kế hoạch lắp ráp dòng xe đa dụng cỡ nhỏ EcoSport.

"Chúng tôi có chiến lược cụ thể với từng dòng sản phẩm. Việc quan trọng hiện nay của Ford là nâng công suất sản xuất và trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tối ưu hóa các dòng sản phẩm được sản xuất ở Việt Nam", ông Jesus Metelo Arias, chia sẻ.

Cũng như Ford Việt Nam, TMV đang nỗ lực bằng mọi cách để có thể tiếp tục gắn bó và phát triển tại Việt Nam. Bằng chứng là cho đến nay, TMV đã đầu tư 154 triệu USD cho sản xuất. Riêng năm 2014, TMV đã bỏ ra gần 19 triệu USD cho các dự án xe mới và dây chuyền sản xuất.

Ông Maruta cho biết, năm 2018, khi thuế xuất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN còn 0% thì TMV vẫn tiếp tục cố gắng để tăng sức cạnh tranh về chi phí sản xuất so với các nước trong khu vực.

Để giải quyết bài toán chính sách, mới đây, Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) đã đề nghị tiếp tục được hỗ trợ từ Chính phủ. Theo đó, để duy trì và phát triển sản xuất, lắp ráp trong nước, cần giảm thuế nhập khẩu linh kiện đồng thời thay đồi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe lắp ráp trong nước.

Ngoài ra, Nhà nước phải hỗ trợ vay vốn ưu đãi với lãi suất thấp trong thời gian dài, hỗ trợ mặt bằng sản xuất, chuyển giao công nghệ... Những chính sách này phải duy trì và ổn định ít nhất trong 10 năm để các DN yên tâm sản xuất.

Trong khi đó, tại cuộc họp giữa Bộ Công Thương với Bộ Kinh tế Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản trong đầu tháng 5, TMV đã đưa ra 5 đề xuất giúp duy trì ôtô sau năm 2018.

Cụ thể là giảm thuế nhập khẩu cho linh kiện lắp ráp Nhật Bản từ mức 15-25% theo cam kết WTO xuống còn 0%, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ cho xe lắp ráp trong nước 50% mức chênh lệch chi phí sản xuất so với xe nhập khẩu nguyên chiếc...

Tăng cường nhập khẩu

Cùng với việc cân nhắc về kế hoạch sản xuất, các hãng xe cũng đã tính đến phương án tăng cường xe nhập khẩu trong thời gian tới.

Từ đầu năm đến nay, thị trường đã chứng kiến sự xuất hiện của hàng loạt dòng xe đủ các phân khúc nhập khẩu từ các nước, đặc biệt là Thái Lan, Trung Quốc. Có những dòng xe được nâng cấp, cải tiến mới nhưng cũng có những sản phẩm hoàn toàn mới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 5, cả nước nhập về khoảng 10.000 ôtô nguyên chiếc, với kim ngạch 337 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập về 45.000 xe với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ USD, tăng 125% về lượng và 185% về kim ngạch. Trong đó, lượng xe tải nhập từ Trung Quốc chiếm đến hơn 30% số lượng xe nhập.

Không chỉ có những DN chuyên phân phối xe nhập, hiện tại, các hãng lắp ráp cũng đẩy mạnh kế hoạch đưa xe từ Thái Lan về tiêu thụ. Tính đến nay, TMV đã sản xuất và phân phối 305.779 xe và cung cấp ra thị trường 17 mẫu xe thuộc 2 thương hiệu Lexus và Totoya.

 

 

 

Số liệu từ VAMA, cho thấy, năm 2014, toàn thị trường ôtô Việt Nam tiêu thụ 133.588 xe, tăng 38% so với năm 2013. Trong đó, TMV bán ra 41.205 xe, tăng 24% so với năm trước và chiếm 31% thị phần trong VAMA. Điều đáng nói là trong số xe tiêu thụ của TMV năm 2014, có đến 6.427 xe được nhập khẩu.

Từ năm 2013, người tiêu dùng đã hy vọng giá ôtô nguyên chiếc nhập khẩu từ ASEAN về Việt Nam sẽ bắt đầu giảm kể từ năm 2014 và tiếp tục giảm mạnh đến năm 2018 khi thuế nhập khẩu trong khu vực giảm xuống 0%.

Theo lộ trình AFTA của Việt Nam, thuế nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ các nước ASEAN từ đầu năm 2014 đã giảm ở mức 60% xuống còn 50%. Theo tính toán, một chiếc xe nhập khẩu có giá khai báo 10.000 USD sẽ giảm giá bán khoảng 1.650 USD. Và xe có giá khai báo càng cao thì sẽ càng được giảm nhiều.

Theo ông Jesus Metelo Arias, Tổng giám đốc Công ty Ford Việt Nam, nếu nhìn vào số lượng xe nhập thì thấy tăng sự trưởng cao nhưng điều này chỉ phản ánh sự tăng trưởng chung của toàn thị trường. Thời điểm năm 2009, thị trường ôtô tăng lên 160.000 xe thì tỷ lệ xe nhập khẩu chiếm 29%.

Hiện nay, tỷ lệ xe nhập khẩu cũng chỉ mới đạt 25-26%, chưa bằng tỷ lệ ở thời điểm năm 2009. "Cần lưu ý là số xe nhập khẩu không phản ánh được số xe bán lẻ mà chỉ là số lượng xe nhập.

Vì hiện tại, nhiều nhà bán lẻ nhập xe vào những tháng đầu năm để bán dần và lượng xe nhập khẩu tăng nhưng không bằng mức tăng của xe lắp ráp trong nước (79% cho xe lắp ráp và 56% cho xe nhập khẩu)", ông Jesus Metelo Arias nói.

Dù thực tế, lượng xe nhập thực sự tăng hay tăng ảo thì các DN trong nước cũng rất lo lắng. Ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ôtô Xuân Kiên (Vinaxuki), cho biết, sỡ dĩ xe tải nhập khẩu tăng đột biến là do các nhà máy lắp ráp trong nước không đáp ứng được nhu cầu thị trường. Nhưng không phải DN không sản xuất được mà do thiếu sự hỗ trợ từ Nhà nước thông qua tín dụng và thuế.

"Nhà nước chỉ cho vay vốn ngắn hạn nên chúng tôi không có vốn lưu động để làm ôtô. Đã vậy, không có sự ưu đãi công bằng giữa DN lắp ráp và DN nhập khẩu". Theo tính toán của ông Huyên, với thuế nhập khẩu linh kiện như hiện nay, giá xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ thấp hơn xe lắp ráp trong nước khoảng 20%.

Trước áp lực của xe nhập, ông Minoru Kato, Tổng giám đốc Công ty Honda Việt Nam (HVN), cho rằng, nếu chính sách ôtô vẫn giữ nguyên như hiện nay thì đến năm 2018, bắt buộc các DN phải chuyển hướng sang xe nhập khẩu về phân phối. "Khi thuế xuất nhập khẩu ôtô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN về Việt Nam giảm xuống 0% thì sản xuất, lắp ráp xe trong nước không còn ý nghĩa gì nữa, bởi không cạnh tranh được với xe nguyên chiếc nhập từ Thái Lan, Indonesia về”, ông Minoru Kato phân tích.

Thế nhưng, theo lãnh đạo của Ford Việt Nam, thuế nhập khẩu giảm chỉ là một phần trong giá bán vì giá một chiếc xe nhập khẩu phụ thuộc vào yếu tố khác như đời xe, chi phí vận chuyển, tỷ giá tiền đồng với USD...

Nhưng với đà tăng trưởng như hiện nay, ông Metelo Arias dự đoán, thị trường ôtô Việt Nam có thể đạt doanh số 200.000 xe trong năm nay, trong đó, xe nhập khẩu nguyên chiếc sẽ chiếm khoảng 50%.

Dự báo của các chuyên gia là sau năm 2018, nhiều khả năng giá xe nhập khẩu từ Thái Lan sẽ rẻ hơn xe sản xuất trong nước. Nguyên nhân chính là do công nghiệp hỗ trợ của Thái Lan phát triển, còn Việt Nam phải nhập khẩu linh kiện. Dự báo, đến năm 2020, thị trường ôtô Việt Nam sẽ bùng nổ với sản lượng 300.000 xe và liên tục tăng trưởng; và khi đó, ôtô sẽ là ngành nhập siêu lớn nhất.

The Hồng Nga

Cùng chuyên mục
XEM