Chuỗi Alfamart - Hình mẫu cho Bách hóa Xanh của Thế Giới Di Động
CEO Nguyễn Đức Tài của Thế Giới Di Động cho biết chuỗi siêu thị thực phẩm Bách hóa Xanh mà Thế Giới Di Động sắp ra mắt là xuất phát từ quá trình tham quan học hỏi và tiếp xúc với những người sáng lập chuỗi Alfamart của Indonesia.
Alfamart là chuỗi siêu thị mini lớn nhất Indonesia với 5.500 cửa hàng, phục vụ thị trường 300 triệu dân với 2 triệu lượt khách mỗi ngày và tạo việc làm cho 57.000 nhân viên trên khắp cả nước. Với phương châm bán những thứ “sẵn sàng để nấu”, Alfamart nhắm tới đối thủ là chợ truyền thống hơn là siêu thị hay cửa hàng tiện lợi.
Kinh doanh từ năm 17 tuổi
Ông chủ của Alfamart, Djoko Susanto (tên thật là Kwok Kwie Fo) sinh năm 1950, là người giàu thứ 20 của Indonesia năm 2012 trên bảng xếp hạng của Forbes, xuất thân trong một gia đình người Indonesia gốc Hoa buôn bán nhỏ và chỉ học hết lớp 10.
Susanto kinh doanh từ năm 17 tuổi với việc tiếp quản tiệm tạp hóa nhỏ của gia đình trong một khu chợ truyền thống của Jakarta. Sau đó ông nhanh chóng nhận thấy thời cơ và chuyển sang phân phối thuốc lá.
Công việc phân phối thuận lợi, Susanto bắt đầu có tiếng tăm trong ngành thuốc lá và thu hút sự chú ý của ông trùm thuốc lá Indonesia lúc bấy giờ là Putera Sampoerna. Sau đó, năm 1985 họ cùng nhau mở 1 chuỗi 15 cửa hàng phân phối khắp Jakarta và cuối cùng thâm nhập vào ngành bán lẻ năm 1989 với siêu thị đầu tiên mang tên Alfa Warehouse Rabat.
Năm 1999, để mở rộng khách hàng mục tiêu đến những người có thu nhập thấp hơn, Alfa Minimart ra đời, sau đổi tên thành Alfamart như hiện nay. Djoko kể lại rằng Alfamart lẽ ra đã mang tên Sampoerna Mart, nhưng cuối cùng cái tên Alfamart được lựa chọn vì Alfa đã là một thương hiệu được biết đến rộng rãi.
Mối quan hệ giữa Sampoerna và Susanto kết thúc năm 2005 khi Philip Morris mua lại công ty thuốc lá của Sampoerna, vốn sở hữu 70% cổ phần của Alfamart. Tuy nhiên do Philip Morris không mặn mà với ngành bán lẻ nên đã bán lại số cổ phần trong Alfamart cho Djoko và một công ty khác tên Northstar. Cuối năm 2010, Djoko hoàn tất mua lại số cổ phần từ Northstar và nâng sở hữu lên 65%, đưa ông vào hàng ngũ những tỷ phú giàu nhất của Indonesia.
"Chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn"
Công việc kinh doanh của Susanto có 3 mảng chính, bao gồm: Siêu thị Alfa Supermarket, Minimart Alfa Mart và cửa hàng tiện lợi Alfa Midi. Susanto đã bán đi mảng siêu thị Alfa Supermarket cách đây vài năm, chỉ còn tập trung vào hai mô hình Minimart và cửa hàng tiện lợi. Trong đó vũ khí chính của ông chính là mô hình Minimart, vốn được xem là câu trả lời của Susanto cho sự thống trị của chợ truyền thống. Mục đích mà Alfamart hướng tới là trở thành “chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn”.
Mô hình một cửa hàng Alfamart
Dân cư phân bố rải rác và thu nhập trung bình thấp của Indonesia chính là nguyên nhân cho sự thắng thế của mô hình này. Susanto nói rằng đối thủ của Alfammart hoàn toàn không phải là cửa hàng tiện lợi, vì Alfamart của ông bán những thứ “sẵn sàng để nấu” còn cửa hàng tiện lợi bán những thứ “sẵn sàng để ăn”.
Một chút phân tích đặc điểm thị trường bán lẻ Indonesia sẽ cho ta thấy sự đúng đắn về tầm nhìn của Susanto. Indonesia có dân số đông thứ 4 trên thế giới và một nền kinh tế bùng nổ. Họ đạt mức GDP 3.000 USD vào năm 2011, sớm hơn 10 năm so với dự báo và hiện tại đang sở hữu tầng lớp trung lưu đông thứ ba trên thế giới.
Trong một cuộc khảo sát của Nielsen, thực phẩm tươi sống chiếm 37% tiêu dùng trong tháng của các hộ gia đình. 53% trong số họ có thói quen mua sắm tại các siêu thị nhỏ gần nhà 2 lần một tháng, và 90% thích những chương trình khuyến mãi. Minimart chiếm thị phần lớn nhất, theo sau là chợ truyền thống với vai trò cung cấp thực phẩm tươi sống và sự thuận tiện về địa điểm.
Triển vọng Minimart ở Việt Nam
Các thị trường Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Myanmar, Thái Lan có đặc điểm rất tương đồng với thị trường Indonesia, và Susanto tất nhiên đã nhìn thấy điều này, Alfamart đã có ý định vào Việt Nam từ năm 2010 nhưng do vấn đề pháp lý nên đã bắt tay với tập đoàn SM để thâm nhập thị trường Philipines hiện tại.
Bách Hóa Xanh của Thế Giới Di Động hiện đang theo đuổi mô hình của Susanto với mục tiêu thí điểm 30-50 cửa hàng trong năm nay. Nếu có hiệu quả, với năng lực tài chính của mình, Thế Giới Di Động có thể mở ồ ạt cả ngàn cửa hàng để thống trị thị trường bán lẻ như Susanto đã làm tại Indonesia.
Đây dường như là bước đi khôn ngoan vì vừa có phần xuất phát từ nhu cầu thị trường, vừa có thể tránh được phân khúc siêu thị lớn và cửa hàng tiện lợi chật chội khốc liệt đầy những ông lớn từ Thái, Hàn, Nhật, lại phù hợp với năng lực tìm mặt bằng nhỏ của Thế Giới Di Động.
Thị trường Việt Nam có đặc điểm rất tương đồng với Indonesia, dù nhỏ hơn nhưng chợ truyền thống vẫn thống trị do các lợi thế về địa điểm, giá rẻ, thực phẩm tươi sống. Nhưng như Djoko Susanto đã nói, Minimart của ông thắng thế vì nó thực chất chỉ là “chợ truyền thống với dịch vụ tốt hơn”, hay nói cách khác, lợi thế cạnh tranh của ông là cố gắng cung cấp thực phẩm tươi ngon, giá rẻ ngang bằng hoặc thậm chí còn rẻ hơn, ở khắp mọi nơi mà người tiêu dùng dễ ghé đến.
Điều này đồng thời cũng đặt ra một triển vọng cho các gian hàng truyền thống cải tiến dịch vụ để chống lại làn sóng Minimart hoặc những công ty khởi nghiệp nhỏ bé chiếm lấy thị phần một cách vững chắc ở từng khu dân cư cục bộ.