Bánh trung thu: Vỉa hè vẫn hơn quầy kệ

10/09/2015 08:45 AM | Kinh doanh

Trong khi ở Trung Quốc, khoảng 80% hàng hóa phân phối qua siêu thị thì ở Việt Nam, con số này lại đảo ngược, chỉ dừng ở mức khiêm tốn 20%. 80% còn lại phân phối qua các cửa hàng nhỏ lẻ, các quầy bánh trung thu mùa vụ đặt trên vỉa hè…

Nội dung nổi bật:

- Do tính mùa vụ, các siêu thị không phải lúc nào cũng có sẵn vị trí cho sản phẩm bánh trung thu. Nhiều hãng thay vì đi đường “chính” lên kệ siêu thị đã chọn phương án bán quầy trên các vỉa hè

- Một quầy kệ bánh trung thu chuyên nghiệp phải chú trọng từ bề ngoài của quầy (độ rộng + trang trí), góc độ trưng bày của bánh (thường trưng 1 góc 45 độ), ánh sáng, trưng bánh kèm hộp... để kích thích người tiêu dùng


Vì sao vỉa hè hơn quầy kệ?

Trao đổi với phóng viên, ông Tiền Gia Trí, chuyên gia Trade Marketing – nguyên quản lý Trade Marketing của Diageo/Vinamilk, cho hay: Trong khi ở Trung Quốc, bánh trung thu “đi” vào các trung tâm thương mại, thì ở Việt Nam lại khác.

“Ở Trung Quốc, tại thành phố tôi làm việc như Thẩm Quyến, khoảng 80% hàng hóa phân phối qua siêu thị. Ở Việt Nam thì ngược lại, kênh phân phối hàng hóa qua các cửa hàng nhỏ lẻ chiếm tới 80%, 20% thông qua siêu thị”, ông Trí cho hay.

Số lượng các cửa hàng nhỏ lẻ nhiều dẫn đến việc bán bánh trung thu ở khắp nẻo đường. Những vỉa hè rộng, công viên, bãi đất trống là những nơi lý tưởng để dựng quầy hàng bánh trung thu. Các quầy bánh trung thu cứ đến hẹn lại dựng lên đúng con đường ấy, đúng vị trí ấy...

Một lý do nữa, trong khi “cuộc chiến quầy kệ” - cuộc chiến giữa các doanh nghiệp để giành vị trí “đẹp” trong siêu thị - nóng bỏng ở nhiều sản phẩm, cuộc chiến này ở sản phẩm bánh trung thu có vẻ hạ nhiệt hơn.

Do tính mùa vụ, các siêu thị không phải lúc nào cũng có sẵn vị trí cho sản phẩm bánh trung thu. Nhiều hãng thay vì đi đường “chính” lên kệ siêu thị đã chọn phương án bán quầy trên các vỉa hè.

Hút khách bằng vỏ hộp

Trade Marketing – tiếp thị thương mại – dường như chưa được chú trọng nhiều trong sản phẩm bánh trung thu. Chỉ một số ít doanh nghiệp lớn quan tâm đến vấn đề này, còn doanh nghiệp nhỏ chỉ quan tâm nhiều đến việc sản xuất và đem bán.

Khách ra quầy vỉa hè/siêu thị/tiệm tạp hóa, mua sản phẩm phù hợp rồi mang về sử dụng/đi biếu. Chỉ có vậy!

Với doanh nghiệp lớn, sự chuyên nghiệp thể hiện từ việc thiết kế quầy kệ và trưng bày. Theo ông Trí, để trưng bày cho đẹp, quầy kệ bánh trung thu thường được bố trí theo cách thức sau:

- Bề ngoài quầy hàng: Trước khi vào lựa sản phẩm, họ sẽ chú ý đến bề ngoài của quầy hàng, thương hiệu bánh của quầy đó. Quầy to, rộng, trang trí đẹp thường được xem là nơi bán hàng “chính hãng” và người tiêu dùng an tâm hơn.

Những người mua quà biếu cho công ty cũng thấy hấp dẫn hơn bởi họ sẽ được “chiết khấu” cao hơn. Có nơi chiết khấu lên đến 25%-28% tùy vào số lượng của đơn hàng.

- Trưng bánh: Thường bánh được trưng nghiêng một góc 45 độ. Có người để bánh nằm, nhưng 45 độ là góc tốt nhất, để cho người tiêu dùng dễ nhìn từ bên ngoài. Chỉ khi tới gần họ mới nhìn trên kính nhìn xuống.

Bánh để phải vừa tầm mắt, để khi nhìn vào đập vào mắt người tiêu dùng.

Có nơi trưng bày 90 độ để người đi đường nhìn qua thấy luôn.

- Giá: Niêm yết rõ ràng. Bánh thường được trưng bày theo thứ tự về giá, từ trái sang phải, từ thấp lên cao.

Bánh giá trung bình/thấp với bánh giá cao tách riêng 1 khu, giúp khách hàng dễ dàng chọn lựa. Người nào cần mua sản phẩm cao cấp, sang trọng thì đến quầy sản phẩm giá cao.

- Cách trưng bày - Trưng bánh kèm hộp: Trưng bánh kèm hộp là cách trưng bày sản phẩm phổ biến trong các dòng cao cấp – vốn được định hình là sản phẩm đem biếu. Với cách trưng bày này, người tiêu dùng sẽ thấy được cái bánh của mình nằm trong cái hộp như thế nào.

“Họ sẽ bị hấp dẫn bởi 2 thứ: Bánh nằm trong hộp và vỏ hộp. Lúc đó, họ sẽ ra quyết định mua hàng”, ông Trí cho biết.

Hộp là thành phần quan trọng nhất trong bánh trung thu. Cách đây 3 năm, do nhu cầu phát triển một phân khúc bánh cao cấp khác hẳn với phân khúc hiện có, Kinh Đô đã phát triển thương hiệu mới lấy tên Trăng Vàng. Với dòng bánh này, chiếc hộp được làm rất tỉ mỉ, đẹp từng chi tiết, mục đích cuối cùng để cho người nhận được quà của người mua có cảm giác được tôn trọng.

- Ánh sáng: Khi trời tắt nắng, các quầy bánh trung thu thường dùng ánh sáng vàng chiếu xuống chiếc bánh tạo hiệu ứng ánh sáng, giúp cho sản phẩm nổi bật hẳn lên.

- Mùi hương: Chưa làm tới. Phương thức này có thể các quán café ứng dụng được, bằng cách gia tăng mùi café trong không khí của quán sao cho vô tình người tiêu dùng ngửi thấy.

"Ngày còn ở Trung Quốc, tôi rất ngạc nhiên khi họ bán bánh trung thu luôn kèm một chai rượu, chuyên dành biếu xén cho quan chức. Tôi nghĩ tập quán bên mình cũng na ná như vậy.

Xưa Tết Trung thu là dành cho trẻ em. Nhưng giờ mùa trung thu và bánh trung thu biến tướng, trở thành mùa để người ta thể hiện tình cảm với những người quan trọng của mình chứ không chỉ dành cho trẻ em nữa".

Ông Tiền Gia Trí - Chuyên gia Trade Marketing

Nguyên Bảo

Cùng chuyên mục
XEM