Cậu bé đi lạc được Thiếu tá cưu mang, 33 năm sau thành lính hải quân, xuất hiện phép màu

29/04/2022 08:09 AM | Sống

Được vị Thiếu tá tốt bụng nuôi dưỡng, cuộc đời anh Lê Văn Duy bước sang một trang mới. 20 tuổi, anh khoác lên mình chiếc áo lính theo nguyện vọng của cha nuôi.

Dòng sông tuổi thơ của anh lính Hải quân

Ngày 28/3/1975, anh Lê Văn Duy (SN 1966) theo gia đình di tản vào miền Nam. Khi đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), anh Duy bị lạc cha mẹ trong quá trình chuyển tàu, rời bến. Trong ký ức đứa trẻ 9 tuổi chỉ nhớ khung cảnh chen lấn, xô đẩy nhau tán loạn ở cảng.

"Trước năm 1975, tôi nhớ quê tôi ở Thừa Thiên. Đến năm 1975, chiến tranh xảy ra, cha đưa mẹ tôi đi trên một chuyến xe máy cày đi từ Huế vào Đà Nẵng. Khi đến cảng Tiên Sa, chuẩn bị xuống tàu nhỏ ra khơi để chuyển sang tàu lớn, lúc đó ba tôi bảo rằng ngồi ở đó với em Chi để ba đưa mẹ và 2 em sang trước".

Trong lúc đợi cha mẹ đưa các em đi, tàu của anh Duy bất ngờ cập bến ở một sà lan khác gần đó. Duy dắt em theo dòng người hối hả chạy lên sà. Đêm hôm đó, 2 anh em khóc nức nở vì không tìm thấy cha mẹ.

"Tôi mệt quá, ngủ thiếp đi rồi thì em Chi tôi bỏ đi mất. Lúc đó tôi không biết em đi đâu vì người quá đông. Sáng hôm sau chiếc tàu rời bến rồi cứ đi... còn mình tôi ở trên sà lan với mọi người", anh Duy nhớ lại.

 Cậu bé đi lạc được Thiếu tá cưu mang, 33 năm sau thành lính hải quân, xuất hiện phép màu - Ảnh 1.

Anh Lê Văn Duy ngày còn trẻ


Đến khi tàu cập cảng Cam Ranh, anh Duy lang thang đi xin ăn qua ngày và được các chiến sĩ bộ đội giải phóng cưu mang. Được một thời gian anh được mang gửi gắm cho Hội Liên hiệp Phụ nữ cho cô Nguyễn Thị Bình nuôi dưỡng.

Năm 1978, thiếu tá Anh hùng Lực lượng Vũ trang Trần Ngọc Thái - Chính ủy X50 Hải quân - đi công tác tại Cam Ranh đã nhận xin anh Duy từ cô Nguyễn Thị Bình về nuôi. Ông Thái đưa con về lại Đà nẵng, đổi tên anh thành Trần Ngọc Di.

33 năm qua, anh Duy được sống trong sự yêu thương, đùm bọc hết mực của người cha nuôi tốt bụng. Năm 1986, chàng trai khoác lên mình chiếc áo lính Hải quân theo nguyện vọng của cha nuôi. Năm 1994, anh lập gia đình, có một mái ấm mới hạnh phúc. Tuy nhiên nỗi đau về cội nguồn vẫn canh cánh trong lòng. Cứ mỗi dịp lễ tết, nhìn người người nhà nhà về quê thăm ông bà tổ tiên, con trai anh Duy lại hỏi: "Ba ơi, quê mình ở đâu?".

 Cậu bé đi lạc được Thiếu tá cưu mang, 33 năm sau thành lính hải quân, xuất hiện phép màu - Ảnh 2.

Anh Duy nhớ về dòng sông tuổi thơ năm xưa


Vết thương qua năm qua như cứa từng đoạn vào khúc ruột của đứa con lưu lạc. Mong mỏi tìm lại máu mủ, anh viết đơn gửi chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", kèm theo một bản vẽ kỹ thuật.

Trên bản vẽ ấy, anh Duy phác họa lại khung cảnh làng quê cũ theo trí nhớ mơ hồ. Anh bảo, nơi anh ở có một con sông to, được ba đặt máy bơm nước. Tuổi thơ của anh Duy được ngụp lặn trong dòng sông tuổi thơ với nhiều hồi ức đẹp.

Ngoài ra còn có quán ăn mụ Tình, nhà thờ Thiên chúa giáo... Nhà anh có 6 anh em, anh Duy là con trai cả, dưới là 5 em gái tên lần lượt: Chi, Nga, Nguyệt, Liên, Bé. 2 cô bé tên Nga và Nguyệt là 2 chị em sinh đôi, đã di cư vào ở cùng ông bà từ trước đó.

 Cậu bé đi lạc được Thiếu tá cưu mang, 33 năm sau thành lính hải quân, xuất hiện phép màu - Ảnh 3.

Sơ đồ địa chỉ anh Duy phác họa lại từ ký ức mơ hồ


Trùng phùng nguồn cội sau 33 năm

8 năm sau khi chương trình lên sóng, gia đình ông Lê Văn Cả (SN 1942) cùng bà Đoàn Thị Ái (SN 1948), hiện đang sống ở Ninh Thuận cũng gửi một lá thư có nhiều điểm trùng hợp với mong muốn tìm con trai thất lạc.

"Kính gửi chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, tên tôi là Lê Văn Cả, vợ tôi là Đoàn Thị Ái. Chúng tôi muốn tìm con trai đầu lòng của chúng tôi, trong lúc chạy loạn ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), tên con là Lê Văn Duy, sinh năm 1966. Cho đến hôm nay, gia đình chúng tôi tìm con đã đuối sức rồi, vì nhiều năm tìm kiếm không có tia hy vọng nào cả, thật là đau xót...".

Sau ngày bị lạc con, gia đình ông Cả xuôi vào Nam, bị dạt đến tận đảo Phú Quốc rồi về Sài Gòn. Khi đặt chân đến nơi ở mới, ông Cả, bà Ái mỏi mòn trông ngóng, cứ hễ nghe đâu có tin về trẻ em thất lạc, ông bà lại lên đường đi tìm.

 Cậu bé đi lạc được Thiếu tá cưu mang, 33 năm sau thành lính hải quân, xuất hiện phép màu - Ảnh 4.

Bức thư của ông Cả và bà Ái tìm đứa con thất lạc


Có lần, nghe tin ở Bình Tuy (Bình Thuận) có một đứa bé đi lạc khoảng 10 tuổi, khai tên ba mẹ trùng khớp, ông Cả lại tất tả lên đường, nhưng đến nơi lại nhận chỉ nhận về sự thất vọng. Ròng rã mấy chục năm trời tìm con, có lúc kinh tế gia đình kiệt quệ nhưng ông bà quyết không bỏ cuộc.

Thi thoảng, cả gia đình ông Cả lại về quê cũ ở làng Ngô Xa Đông, xã Triệu Chung, huyện Triệu Phong, tìm Quảng Trị tìm manh mối của con. Căn nhà cũ, vẫn khoảng sân, dòng sông cạnh nhà hay chiếc xe chở kem ngày xưa anh Duy vẫn thường đi bán phụ mẹ, mọi thứ trong hồi ức vẫn còn nguyên vẹn.

Đối chiếu với bản vẽ kỹ thuật anh Duy gửi về chương trình, mọi thông tin thất lạc của hai bên đều hoàn toàn trùng khớp.

 Cậu bé đi lạc được Thiếu tá cưu mang, 33 năm sau thành lính hải quân, xuất hiện phép màu - Ảnh 5.
 Cậu bé đi lạc được Thiếu tá cưu mang, 33 năm sau thành lính hải quân, xuất hiện phép màu - Ảnh 6.

Anh Trần Ngọc Di trùng phùng gia đình sau 33 năm xa cách

Anh Trần Ngọc Di (hay chính là Lê Văn Duy), ngụ tại P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng, công tác tại Hải quân vùng 3 (Đà Nẵng), đã tìm được gia đình như một phép màu diệu kỳ. Cuộc hội ngộ xúc động ở ngay giữa phim trường Như chưa hề có cuộc chia ly đã chứng minh sức sống mãnh liệt của tình cảm máu mủ, cội nguồn sau 33 năm xa cách.

Nguồn tham khảo: Như chưa hề có cuộc chia ly.

Theo Thuỷ Tiên

Cùng chuyên mục
XEM