Cảnh báo lừa đảo ở những vụ ICO 'x5, x10 tài sản': startup này huy động 6,5 triệu USD nhưng mới chỉ được 11 USD thì bị vạch mặt, để lại dòng chữ đầy thách thức trước khi biến mất

31/01/2018 11:35 AM | Kinh doanh

Rất may là có vẻ như những kẻ lừa đảo mới chỉ lừa được 11 USD do bị vạch mặt quá sớm. Dòng chữ khiếm nhã trên website có thể là kết quả của sự cay cú vì 'đã chuẩn bị rồi mà không lừa được ai'

Nhiều chuyên gia từng đồng ý rằng trong thế giới của các ICO gọi vốn bằng tiền ảo, có thể có đến 99% số các thương vụ là lừa đảo (scam). Trung bình trong 1 ngày số ICO ra đời lên tới 2 -3 hay trung bình 1 tháng số ICO xuất hiện có thể tới 30 - 40; rõ ràng đây chính là 'mảnh đất' màu mỡ để những kẻ lừa đảo tận dụng và mang về những số tiền khổng lồ.

Mới đây nhất, một vụ ICO lừa đảo trắng trợn cũng đã vừa diễn ra. Rất may mắn, những kẻ scam mới chỉ kịp lấy đi số tiền ít ỏi 11 USD, thay vì con số 6,5 triệu USD mà chúng định cướp đi của tất cả nhà đầu tư. Thất bại, chúng để sập chính website của mình và để lại dòng chứ đầy cay cú: 'pen*s' (bộ phận nhạy cảm của nam giới).

ICO trong mơ: Chung ý tưởng với IBM và Walmart, đội ngũ nhà tư vấn thì 'cực khủng'

Dự án ICO của những kẻ lừa đảo có tên là Prodeum. 'Startup' này viết trong sách trắng rằng chúng muốn phát triển một hệ thống kiểm soát và quản lý sử dụng công nghệ Blockchain cho các mặt hàng nông sản, ví dụ như trái cây, rau củ, ngũ cốc...

Sự thực là sách trắng của Prodeum đã ghi một cách rất ngờ nghệch về mục tiêu của ICO này là 'mang trái cây và rau quả đến với Blockchain'. Tuy nhiên, điểm may mắn cho những kể lừa đảo là dù sao chúng cũng đề cập đến một ứng dụng rất thực tế của Blockchain mà các gã khổng lồ như IBM và Walmart đang theo đuổi. 

Cảnh báo lừa đảo ở những vụ ICO x5, x10 tài sản: startup này huy động 6,5 triệu USD nhưng mới chỉ được 11 USD thì bị vạch mặt, để lại dòng chữ đầy thách thức trước khi biến mất - Ảnh 1.

Đội ngũ các nhà tư vấn của Prodeum rất 'khủng'

Đó chính là dùng Blockchain để lưu lại lịch sử của sản phẩm, kể từ khi nó rời trang trại sản xuất, được lưu trữ đến khi đến tay người mua. Nói chung, với công nghệ này, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa có thể được trải ra rõ ràng như một tờ giấy và nạn hàng giả có thể được phòng trừ.

Ý tưởng của Prodeum ngay lập tức thu hút được sự chú ý của giới đầu tư. Do đó, chúng tự tin đặt mục tiêu gọi vốn là lên tới 5.400 Ethereum, hay tương đương với 6,5 triệu USD.

Chưa dừng lại ở đó, Prodeum còn có thêm chiêu trò để gây dựng niềm tin nơi nhà đầu tư. Chúng chọn ra 3 nhân vật khá nổi tiếng trong giới ICO và, dù không hề xin phép, vẫn đàng hoàng đề tên, bao gồm cả linkedin và thông tin cá nhân của họ, vào trong danh sách 4 nhà tư vấn của Prodeum. 

3 nhân vật đó là ông Darius Rugevicius - đối tác của quỹ đầu tư nổi tiếng Connect Capital tại New York, Mario Pazos - một nhà đầu tư thiên thần, người tư vấn cho nhiều startup tiềm năng trong lĩnh vực Blockchain như Wabi hay Kairos, và Vytautas Kaseta - một chuyên gia phân tích, một kỹ sư Blockchain. 

Người còn lại trong nhóm tư vấn là ông Petar Jandric được giới thiệu là một lập trình viên Ethereum cao cấp. Tuy nhiên, người ta cảm tưởng đây không phải mà một người có thật vì tìm mãi trên Internet mà chẳng có nổi một thông tin nào. 

Bị vạch mặt, chỉ kịp lừa 11 USD và dòng chữ đầy cay cú trên website

Vụ lừa đảo của Prodeum đã diễn ra vào hôm chủ nhật vừa qua, đúng vào thời điểm ICO này bắt đầu mở bán. Sau khoảng thời ngắn ngủi nhận tiền của nhà đầu tư, website của ICO này bất ngờ bị sập và để lại cho những nhà đầu tư sự thắc mắc. Trên nền website trắng phau giờ đây chỉ còn lại một dòng chứ đầy cay cú: 'pen*s'.

Số là, có vẻ như ngay trước thời điểm sắp bỏ túi hàng triệu USD, ICO này đã bị vạch mặt thông qua chính phương thức gọi vốn thể hiện sự yếu kém về mặt kỹ thuật cũng như qua những lời xác nhận của những nhà tư vấn. 

Ở thời điểm vụ lừa đảo diễn ra, ông Rugevicius đang có mặt tại sân bay để chuyển bị bay tới Hàn Quốc. Khi được hỏi về Prodeum, vị này nói: "Tôi đã làm việc với nhiều dự án trong lĩnh vực Blockchain và chắc chắn trong số đó không có dự án này"

Còn ông Pazos cũng nói rằng mình không biết gì về Prodeum cho đến khi có người liên lạc với ông hỏi về vụ việc này. Nói chung, cả 3 chuyên gia giờ đây tin tưởng rằng họ là nạn nhân của một vụ ăn cắp danh tính trắng trợn nhằm lừa đảo nhà đầu tư số tiền lên đến 6,5 triệu USD.

Cũng may cho các nhà đầu tư là những kẻ lừa đảo Prodeum đã bị vạch mặt sớm. Kiểm tra số tiền chúng đã huy động được kể từ lúc bắt đầu mở bán cho đến khi website sập thì con số chỉ vỏn vẹn là 11 USD. Có lẽ chính vì việc bị lỗ vốn từ thương vụ lừa đảo này mà Prodeum đã để lại dòng chữ đầy cay cú như trên.

Giờ đây, tất cả các dấu vết của Prodeum trên Internet đều đã bị xóa sạch. Cho đến những ngày gần đây, trang chủ với dòng chữ 'penis' cũng đã được chuyển hướng đến một tài khoản Twitter ẩn danh.

"Có thể kẻ lừa đảo đến từ Nga. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thể xác nhận điều này!"

Mặc dù vụ lừa đảo chưa gây thiệt hại gì nhiều nhưmg 3 chuyên gia bị đánh cắp thông tin cá nhân nói trên đều đã bày tỏ mối quan ngại những vụ Prodeum hay những vụ việc tương tự khác có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng của họ.

Mới đây nhất, ông Darius Rugevicius đã bắt đầu thực hiện các hành động pháp lý chống lại những kẻ lừa đảo. Ông nói rằng mình đang làm việc với cộng đồng mật mã trên toàn thế giới để tìm ra những kẻ đứng đằng sau Prodeum.

Cảnh báo lừa đảo ở những vụ ICO x5, x10 tài sản: startup này huy động 6,5 triệu USD nhưng mới chỉ được 11 USD thì bị vạch mặt, để lại dòng chữ đầy thách thức trước khi biến mất - Ảnh 2.

Thảo luận của người dùng trên Reddit: "ICO Prodeum đã lừa đảo với số tiêng hàng triệu USD, giờ website của chúng chỉ còn vỏn vẹn 1 chữ 'penis'"

"Từ thông tin đầu tiên, có vẻ như là đó là một số kẻ lừa đảo trực tuyến của Nga. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa thể xác nhận điều này" - Ông Kaseta, người hỗ trợ ông Rugevicius trong việc đưa Prodeum ra ánh sáng công lý trả lời với truyền thông.

Những vụ lừa đảo trong thế giới ICO không phải là hiếm. Ví dụ trước đây, chúng tôi từng nhắc đến việc startup mang tên Confido sau khi huy động thành công 400.000 USD đã bỗng chốc biến mất chỉ với một lời xin lỗi. Tuy nhiên, hiếm có một vụ việc lại táo tợn và kết thúc với sự cay cú đầy thách thức của những kẻ lừa đảo như Prodeum.



Nhất Hạnh

Cùng chuyên mục
XEM