Cái chết của những hãng xe nội Vinaxuki và lời kêu cứu từ doanh nghiệp
Bộ Giao thông Vận tải đang soạn thảo một văn bản mới để thay thế cho Thông tư 20 về quản lý xe ô tô nhập khẩu.
Trong văn bản gửi Nhóm công tác công nghiệp ô tô – xe máy của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) về việc ban hành các biện pháp thay thế cho Thông tư 20 , Bộ Giao thông Vận tải đã đề nghị VBF có kiến nghị cụ thể để xây dựng hành lang kỹ thuật nhằm đảm bảo an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.
Cũng bởi, theo Bộ Giao thông Vận tải thì trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh nhập khẩu ô tô đối với người tiêu dùng được quy định rõ trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Do đó, việc thúc đẩy để nâng cao hơn nữa vai trò của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô trong quá trình hoạt động kinh doanh nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; định hướng cho các doanh nghiệp nhập khẩu xe ô tô kinh doanh bền vững, có hiệu quả thông qua việc nâng cao trách nhiệm, chất lượng, sản phẩm, dịch vụ là cần thiết.
Sắp có văn bản mới thay thế Thông tư 20?
Thông tin chúng tôi có được, một đại diện của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết hiện Bộ Giao thông Vận tải đang soạn thảo văn bản nhằm quản lý xe ô tô nhập khẩu. Theo đó, văn bản này có thể sẽ sớm được thông qua và điều này có nghĩa, Thông tư 20 sẽ được bãi bỏ.
Trước đó, Bộ Công Thương trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ đã nêu quan điểm về Thông tư 20 với kiến nghị, cần có biện pháp quản lý liên quan đến khâu đăng ký lưu hành. Mục tiêu là nhằm đảm bảo cho các phương tiện được bảo hành, bảo dưỡng hoặc sửa chữa theo đúng thông lệ quốc tế và đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn của Việt Nam.
Tuy nhiên, đề xuất này lại gây ra nhiều lo ngại với các doanh nghiệp khi Bộ Công Thương cho rằng “tất cả các loại phương tiện, nếu không được chính hãng sản xuất, hoặc người được chính hãng sản xuất ủy quyền, đứng ra chịu trách nhiệm bảo hành bảo dưỡng đều không được phép đăng ký lưu hành tại Việt Nam”.
Điều này đồng nghĩa, Bộ Công Thương chấp nhận bãi bỏ Thông tư 20 nhưng lại muốn đưa ra một điều kiện mới và “đẩy” vấn đề này sang Bộ Giao thông Vận tải. Nếu như yêu cầu này được đưa ra trong văn bản quản lý mà Bộ Giao thông Vận tải đang soạn thảo, thì rất có thể hàng ngàn cửa hàng sửa chữa ô tô, gara ô tô tư nhân hiện nay sẽ có nguy cơ đóng cửa.
Theo đánh giá của đại diện VCCI, bản chất của vấn đề là bỏ điều kiện kinh doanh cũ, nhưng lại đặt ra những điều kiện kinh mới làm hạn chế quyền kinh doanh của doanh nghiệp, thì bản chất vấn đề cũng không được giải quyết. Những doanh nghiệp nhỏ sẽ khó có cơ hội tham gia thị trường bởi chính những điều kiện mà cơ quan chức năng đặt ra.
Bỏ rào cản này, dựng rào cản kia: Doanh nghiệp hết cửa?
Trong khi đó, một bức thư kêu cứu của một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô ở Nghệ An vừa gửi lên Chủ tịch VCCI cũng bày tỏ nỗi quan ngại khi những công ty nhỏ đang cố gắng vươn lên để có công việc - tạo công ăn việc làm cho những thành phần khó khăn nhất của xã hội, thực hiện tốt nghĩa vụ với đất nước, nhưng lại bị đặt ra những rào cản.
Kể lại câu chuyện Thông tư 20, vị này cho biết kể từ khi văn bản này ra đời thì những doanh nghiệp nhỏ không thể cạnh tranh khi Thông tư này như một vỏ bọc để bảo vệ cho những công ty lớn. Nguy hại hơn, những công ty lớn họ còn độc quyền nhập khẩu thì không bao giờ họ lại bỏ tiền để đầu tư lắp ráp và ngành công nghiệp ô tô, sẽ không bao giờ phát triển được.
“Thông tư 20 đã bóp chết thành phần doanh nghiệp như chúng tôi – nghành ô tô đã được ưu đãi 20 năm được bảo hộ độc quyền nhập khẩu 5 năm thế mà bây giờ ta có gì trong tay? Khi ô tô nội địa như VINAXUKI thì chết yểu còn tất cả các công ty nước ngoài đầu tư như TOYOTA , HYUN DAI, MAZDA …. tranh nhau nhập khẩu, chuyển thuế ra nước ngoài” – vị đại diện doanh nghiệp kia đặt câu hỏi.
Tạo ra một môi trường cạnh tranh công bằng, thị trường và khách hàng quyết định lựa chọn mua ô tô nhập khẩu hay trong nước, lựa chọn bảo hàng, bảo dưỡng chính hãng hay tư nhân là cần thiết. Không những vậy, Chính phủ cần có kế sách ưu đãi riêng cho các doanh nghiệp lắp ráp và nội địa hoá cao, bởi chỉ có cạnh tranh thì mới phát triển nội địa hoá – phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.
“Không thể vì những lí do xã hội để lập lên những rào cản điều kiện bảo vệ “Lợi ích nhóm” . Sai luật – sai cơ chế thị trường. Tất cả mọi người dân đều bình đẳng trước luật, tại sao sai luật mà hết bộ này đến bộ kia đứng ra bảo vệ?” – vị doanh nghiệp này bức xúc.