Cái chết của lạm phát

17/10/2019 14:18 PM | Kinh tế vĩ mô

Lạm phát đã từng là nỗi sợ hãi của nền kinh tế số 1 thế giới cũng như nhiều thị trường, nhưng giờ đây nó lại đang héo mòn ở nhiều quốc gia. Thậm chí, nhiều nước như Mỹ cũng đang mong chờ lạm phát tăng trở lại.

Trong lịch sử, lạm phát từng là nỗi sợ hãi của nền kinh tế toàn cầu và là cơn ác mộng với các đời tổng thống Mỹ. Năm 1971, trong khi nền kinh tế đang gặp khủng hoảng thì Tổng thống Mỹ thời đó là ông Richard Nixon bất ngờ lên truyền hình tuyên bố đóng băng giá cả của mọi mặt hàng cũng như mức tiền lương trên toàn đất nước để kiềm chế lạm phát.

Ngay sau đó, hàng loạt những quy định của chính phủ nhằm hạn chế đà tăng giá của thị trường. Người kế nhiệm ông Nixon là Cựu tổng thống Gerald Ford cũng ưa thích chính sách kiểm soát tận gốc lạm phát.

Trong khi đó, Cựu tổng thống Ronald Reagan cũng gặp phải tình trạng giá cả tăng cao khi tranh cử tổng thống và nhà lãnh đạo này đã tuyên bố lạm phát chẳng khác gì những tên cướp của giết người trên đường phố.

Vậy đó, lạm phát đã từng là nỗi sợ hãi của nền kinh tế số 1 thế giới cũng như nhiều thị trường, nhưng giờ đây nó lại đang héo mòn ở nhiều quốc gia. Thậm chí, nhiều nước như Mỹ cũng đang mong chờ lạm phát tăng trở lại.

Cái chết của lạm phát - Ảnh 1.

Tại Venezuela, bạn phải đổi ngừng này tiền mới mua được cuộn giấy vệ sinh, và đây là lý do mà các nước sợ lạm phát

Bạn nghe không nhầm đâu, sau một thập niên hạ lãi suất xuống quanh mức 0% cũng như chính sách nới lỏng tiền tệ, kích thích kinh tế và đổ tiền ra thị trường của hàng loạt ngân hàng trung ương, lạm phát vẫn không chịu đi lên. Theo tính toán, kinh tế Mỹ, khu vực đồng Euro (Eurozone), Anh và Nhật Bản đã đổ 15 nghìn tỷ USD (tương đương 35% tổng GDP của họ) ra thị trường mà vẫn không kéo được lạm phát tăng trở lại.

Thậm chí, ngay cả khi mức thất nghiệp tại nhiều nước đã xuống thấp kỷ lục trong nhiều thập niên thì lạm phát vẫn không tăng. Theo lý thuyết, người dân có đầy đủ việc làm, thu nhập thì sẽ chi tiêu nhiều hơn, qua đó tăng lạm phát, nhưng điều này lại không diễn ra.

Theo thống kê của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) với 43 nền kinh tế có đặt mục tiêu lạm phát trong chiến lược tăng trưởng, có tới 28 thị trường không đạt được mức lạm phát theo kế hoạch và con số này sẽ còn tăng lên nữa khi IMF có bản cập nhật dự đoán vào 15/10.

Như vậy, khoảng 91% GDP toàn cầu hiện đang là những nền kinh tế có lạm phát dưới mức mục tiêu, bao gồm phần lớn những nước phát triển và hơn 50% các thị trường mới nổi.

Số liệu trên cho thấy được cả thành công lẫn sự thất bại của các nhà hoạch định chính sách. Nỗi sợ hãi lạm phát đã khiến các ngân hàng trung ương tung ra hàng loạt biện pháp kiềm chế, kiểm soát kể từ thập niên 1990. Tuy nhiên, chính phủ lại gặp khó khi muốn thúc đẩy lạm phát tăng trở lại và đẩy nền kinh tế vào nguy cơ tăng trưởng chậm hoặc thậm chí giảm phát.

Khi đó người dân sẽ hạn chế chi tiêu do mong đợi giá hàng hóa sẽ rẻ hơn trong tương lai, còn doanh nghiệp thất thu do không bán được hàng, qua đó phải sa thải bớt lao động để rồi người tiêu dùng càng ít chi tiêu hơn, tạo ra vòng luẩn quẩn gây khủng hoảng kinh tế.

Một thế giới không lạm phát

Lạm phát thấp đang tác động tiêu cực cả trong và dài hạn đến nền kinh tế. Về dài hạn, lạm phát thấp đang tạo nên một tiền lệ khá xấu với cả nền kinh tế phát triển lẫn mới nổi.

Cuối thập niên 1990, những nền kinh tế phát triển đã buộc các ngân hàng trung ương phải có mức lạm phát mục tiêu để kiềm chế giá cả. Đến thập niên 2000 và đầu 2010, giá các hàng hóa nguyên vật liệu tăng cao nhờ sự bùng nổ của công nghệ cũng như tăng trưởng của Trung Quốc đã đẩy lạm phát tăng phi mã ở nhiều nơi. Điều này cũng tương tự với các thị trường mới nổi.

Dẫu vậy vào năm 2014, giá dầu đổ vỡ đã làm thay đổi tất cả khi lạm phát vượt 2% là điều cực kỳ hiếm thấy trên thế giới. Giá dầu thấp khiến hàng loạt mặt hàng, dịch vụ và chi phí suy giảm, đẩy lạm phát xuống mức thấp chưa từng có. Đi kèm với đó là hàng loạt nhưng quy định kiểm soát khiến giá cả các mặt hàng khó tăng cao được ở nhiều nước.

Cái chết của lạm phát - Ảnh 2.

Đóng góp của các nền kinh tế cho thế giới xếp theo tỷ lệ lạm phát ở các thị trường phát triển và mới nổi

Trong gần 20 năm, nỗi sợ hãi lạm phát dẫn đến khủng hoảng đã khiến các chuyên gia kinh tế phải gọi đây là thời kỳ "không lạm phát" (Disinflation) trên toàn cầu khi chính phủ các nơi đua nhau kiềm chế giá cả các mặt hàng. Việc giữ giá quá thấp như hiện nay sẽ gây khó khăn cho các chính sách tăng trưởng kinh tế dài hạn mà chính phủ nhiều nước đặt ra.

Về ngắn hạn, lạm phát thấp đang làm đảo lộn mọi học thuyết kinh tế. Khoảng 2/3 số thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) có tỷ lệ thất nghiệp ở mức kỷ lục hiện nay và theo lý thuyết, lạm phát sẽ phải tăng trở lại khi thu nhập đầy đủ và đẩy giá các mặt hàng đi lên, nhưng điều đó đã không diễn ra.

Việc lạm phát không tuân theo những mô hình kinh tế khiến các nhà hoạch định chính sách ngày càng bối rối. Chính phủ nhiều nước đang phân vẫn không rõ liệu nền kinh tế đã tăng trưởng thực sự trở lại hay chưa và liệu họ có nên tiếp tục chính sách thúc đẩy kinh tế hay chuyển sang thắt chặt chính sách tiền tệ.

Nếu nền kinh tế vẫn chưa thực sự hồi phục thì chính phủ nên làm gì bởi lãi suất hiện nay đã xuống mức quá thấp còn các chính sách kích thích đã thực hiện từ lâu mà chưa thể đẩy lạm phát đi lên như ý muốn. Những ví dụ rõ ràng như Nhật Bản, Châu Âu cho thấy điều đó khi lãi suất âm mà lạm phát chưa vượt qua nổi mức mục tiêu 2%.

Vào năm 2016, cựu Chủ tịch ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) Mario Draghi đã tuyên bố mức lạm phát mục tiêu là thách thức lớn nhất của mọi ngân hàng trung ương trên thế giới. Gần đây, Chủ tịch ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney đã phải thừa nhận việc lạm phát không tăng đang gây bất ổn ngày càng nhiều cho nền kinh tế.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell đã coi lạm phát là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay. Việc FED không đạt được mức lạm phát mục tiêu đã khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích rất nhiều, nhất là với việc FED liên tục có những động thái tăng lãi suất.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc mất kết nối giữa lạm phát và các chỉ tiêu kinh tế khác có thể là do thị trường đang thay đổi theo một xu hướng mà chưa có nhà hoạch định chính sách nào hiểu được. Có lẽ đã đến lúc các chuyên gia nên xây dựng một mô hình mới để đánh giá lại nền kinh tế cũng như cách thức mà nó vận hành thay vì bám theo những lý thuyết cũ để cố tăng lạm phát, qua đó dẫn đến những chính sách sai lầm.

Cái chết của lạm phát - Ảnh 3.

Lạm phát khiến tiền mất giá nhanh chóng

AB

Cùng chuyên mục
XEM