Cách phòng tránh và khắc phục khi bị "Tào tháo đuổi" dịp Tết
Một trong những vấn đề mọi người sợ nhất, chắc sợ hơn cả đầy bụng khó tiêu, uống quá nhiều rượu… là bị “Tào tháo đuổi”. Chỉ một ngày ngộ độc thức ăn là mặt mũi bơ phờ, kế hoạch đi chơi bị hủy bỏ, những ngày Tết thế là đi tong.
Bí quyết dưới đây sẽ giúp bạn phòng tránh và khắc phục khi bị ngộ độc thực phẩm ngày Tết:
1. Không tự động dùng thuốc chống tiêu chảy
Việc dùng thuốc chống tiêu chảy có thể gây nguy hại vì nó đồng thời ngăn chặn việc cơ thể đào thải các độc tố.
Vì vậy, hãy để cơ thể cân bằng lại theo cách tự nhiên và tránh dùng thuốc nếu không có ý kiến của bác sĩ.
2. Uống nước đúng cách: uống ít, uống chậm nhưng thường xuyên
Việc ngộ độc thực phẩm, đi ngoài sẽ làm mất nước nên cần uống nhiều nước để bù lại. Tuy nhiên phải biết uống đúng cách. Nếu uống nước một cách nhanh chóng và với số lượng lớn sẽ kích thích nôn. Cần uống một lượng nhỏ nhưng thường xuyên để cơ thể hấp thụ từ từ.
3. Thay đổi cách ăn uống trong vài ngày
Khi bị ngộ độc thực phẩm, cần ngay lập tức điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn.
Ngày đầu tiên, chỉ ăn thức ăn lỏng như súp hoặc canh để rửa ruột. Ngày hôm sau, ăn các loại thịt, cá nạc và các thực phẩm giàu tinh bột (gạo trắng, mì ống, khoai tây). Khi bạn cảm thấy đỡ hơn, mới bắt đầu ăn lại các loại trái cây và rau củ, nhưng chỉ dưới dạng nấu chín trong 2 ngày.
Sau đó, bạn có thể bắt đầu ăn trái cây, rau củ sống và dần dần ăn lại các loại thực phẩm khác trong bữa ăn của mình.
4. Cocktail đặc biệt giúp xử lý ngộ độc thực phẩm
Khi bị nôn và tiêu chảy do ngộ độc thực phẩm, cơ thể sẽ mất đi nhiều Kali, Natri và đường Glucose. Bạn có thể áp dụng công thức “cocktail” đơn giản dưới đây để khắc phục tình trạng mất khoáng chất và năng lượng:
Nước trái cây như bơ, chuối, nước dừa để cung cấp kali. Một chút mật ong cung cấp đường glucose. Một nhúm muối.
Nếu tình trạng ngộ độc kéo dài hơn 2 ngày hoặc bạn đi ngoài ra máu thì hãy đi khám bác sĩ ngay !
5. Phòng tránh ngộ độc thực phẩm
– Ăn thực phẩm sạch, không ăn món ăn ôi thiu
– Không ăn thịt sống, hạn chế ăn cá sống, nhất là nếu không biết chắc chắn về chất lượng và an toàn của cá
– Nấu kĩ thịt, cá và trứng
– Rửa tay kỹ sau khi sử dụng nhà vệ sinh, trước khi chuẩn bị thức ăn và trước khi ăn
– Làm sạch đồ dùng nhà bếp có tiếp xúc với các thức ăn sống như thịt, cá và trứng sống
– Để những đồ ăn thừa trong tủ lạnh ngay sau khi ăn xong
– Luôn rửa các loại trái cây và rau củ trước khi ăn
– Lựa chọn các sản phẩm sữa thanh trùng