Cách làm việc của Trump gây sốc cấp dưới
"Tôi thực sự không cho rằng đây là một vị Tổng thống có sức khỏe tâm thần tốt”...
Một ngày nọ, Tổng thống Donald Trump cảm thấy băn khoăn về tỷ giá đồng USD. Liệu đồng bạc xanh mạnh hay yếu sẽ tốt cho kinh tế Mỹ?
Để giải quyết nỗi băn khoăn này, Trump nhấc điện thoại, vào lúc 3h sáng, để tìm kiếm câu trả lời.
Nhưng người mà ông gọi điện không phải là các quan chức Chính phủ từng là sếp doanh nghiệp, hay những người bạn cũ từ thời ông còn kinh doanh bất động sản, mà là tướng Mike Flynn - cố vấn an ninh quốc gia. Ông Flynn có kinh nghiệm lâu năm về phản gián, nhưng không biết nhiều về kinh tế vĩ mô.
Hai nguồn tin thân cận với tướng Flynn tiết lộ với tờ Huffington Post rằng ông đã nói với Tổng thống Mỹ là ông không biết câu trả lời cho câu hỏi của Tổng thống, và đó không phải là lĩnh vực chuyên môn của ông. Vị tướng này cũng khuyên Trump nên hỏi một nhà kinh tế.
Tờ báo trên nhìn nhận, đối với những người Mỹ từng ấn tượng với hình ảnh một nhà tài phiệt quyền lực và quyết đoán của Trump trong chương trình truyền hình thực tế mang tên “The Apprentice” (tạm dịch: “Người tập sự”), bức chân dung của Tổng thống Trump thể hiện qua những thông tin rò rỉ khác từ Nhà Trắng có thể gây sốc.
“Tôi đã ở đây suốt 26 năm. Tôi chưa thấy bất kỳ điều gì giống như thế này”, ông Eliot Cohen, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ thời Tổng thống George W. Bush, nhận xét.
Một trợ lý Nhà Trắng đề nghị giấu tên tiết lộ, Tổng thống không thích đọc những báo cáo dài. Tốt nhất, các báo cáo gửi lên Trump không nên dài quá một trang. Các tài liệu cũng nên được gạch đầu dòng, nhưng không nên quá 9 gạch đầu dòng mỗi trang.
Ngoài ra, Trump đặc biệt thích thú hoặc bị kích động mạnh bởi những thứ nhỏ nhặt. Ông từng nói với tờ New York Times rằng ông mê mẩn hệ thống điện thoại ở Nhà Trắng.
Một trợ lý Nhà Trắng cũng cho biết ông Trump từng phàn nàn về việc khăn tay trên chuyên cơ Tổng thống không đủ mềm.
Một điểm đáng chú ý nữa của Trump là ông rất quan tâm đến cách thể hiện trên truyền hình của các phụ tá. Các đời Tổng thống Mỹ trước đây thường không dành thời gian xem thư ký báo chí họp báo hàng này, nhưng đây lại là một thói quen hàng ngày của Trump.
Những nguồn tin tiết lộ về cách làm việc của Trump ở Nhà Trắng đều giấu tên vì sợ bị mất việc. Một số người lên tiếng vì không đồng tình với chính sách của Trump như sắc lệnh cấm nhập cảnh. Một số lên tiếng vì cho rằng lời nói, hành động, hay thậm chí những dòng trạng thái (tweet) của ông trên mạng xã hội là một nguy cơ thực sự.
Ba tuần trước khi nhậm chức, Trump từng lên Twitter bàn về công nghệ tên lửa của Triều Tiên, khiến cho bộ máy an ninh của Tổng thống sắp mãn nhiệm khi đó Barack Obama “toát mồ hôi”. Họ lo ngại dòng tweet của Trump có thể kích động nhà lãnh đạo trẻ tuổi đang nắm trong tay vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.
Ông Richard Nephew, một quan chức ngoại giao Mỹ thời Obama, cho rằng một số nguồn tin rò rỉ từ chính quyền Trump có thể đang tìm cách nói với công chúng rằng những lời khuyên của họ đã không được coi trọng, phòng trường hợp có chuyện tồi tệ xảy ra.
“Có lẽ họ đang cố gắng cho mọi người thấy rõ rằng họ đã làm đúng, nhưng chẳng thể làm gì hơn”, Nephew nói.
“Tôi nghĩ rằng đó là tiếng kêu cứu”, bà Elizabeth Rosenberg, chuyên gia chống khủng bố thuộc Bộ Tài chính thời Obama, nhận định về sự rò rỉ thông tin từ chính quyền Trump về hành vi của ông. Bà cho rằng nhiều cấp dưới của Trump nhìn rõ những gì đang xảy ra và họ bị thôi thúc tiết lộ thông tin bởi một động cơ đơn giản: “Nỗi hoài nghi và nhu cầu chia sẻ nó”.
Nhà Trắng đã phủ nhận nhiều thông tin rò rỉ. Trong đó, họ tuyên bố Trump không sở hữu áo choàng tắm nên không có chuyện ông mặc áo choàng tắm đi lang thang trong Nhà Trắng hàng đêm như New York Times viết.
Tuy nhiên, theo ông Cohen, vấn đề không nằm ở các nguồn tin rò rỉ, mà là chính bản thân Trump.
Nếu tân Tổng thống Mỹ không có tình cảm và sự tôn trọng thực sự đối với bất cứ ai ngoài các thành viên trong gia đình ông, thì ông cũng không thể kì vọng điều đó ở nhân viên của mình - Cohen nhận xét.