Trump vẽ bức tranh ngày càng đáng quan ngại về khủng bố
Nỗ lực bảo vệ lệnh cấm nhập cư nhằm vào người dân 7 nước chủ yếu theo đạo Hồi, Tổng thống Trump đang vẽ một bức tranh ngày càng đáng quan ngại về sự nguy hiểm của các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Trong những tuyên bố của mình, Tổng thống Trump đang ngày càng tô vẽ cho cái gọi là “diệt chủng”, được gây ra bởi lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Thậm chí, ông Trump còn nói như thể nước Mỹ sắp bị tấn công và các cuộc tranh luận về an toàn chẳng khác gì cuộc đụng độ giữa phương Tây và Hồi giáo cực đoan .
Với những người ủng hộ ông Trump, loạt cảnh báo đó giống như cái nhìn trực diện vào những mối đe dọa khủng bố mà nước Mỹ đang phải đối mặt, những điều họ tin cựu Tổng thống Barack Obama đã coi nhẹ. Trong khi đó, Nhà Trắng chỉ ra 78 sự kiện làm bằng chứng cho việc truyền thông cố ý hạ thấp sự nguy hiểm của IS khi chúng “không nhận được sự chú ý phù hợp”.
Tuy nhiên, loạt sự vụ mà Nhà Trắng nêu ra chỉ đề cập tới các vụ tấn công do IS hoặc lấy cảm hứng từ các hoạt động của tổ chức này. Khủng bố vì các lực lượng khác không được đề cập trong bản danh sách này, bao gồm các vụ việc do Boko Haram gây ra. Nhóm cực đoan ở Tây Phi được cho là sát hại nhiều người hơn so với IS, bao gồm nhiều vụ đánh bom liều chết, thảm sát hàng loạt thường dân ở Nigeria và các nước láng giềng.
Và tất nhiên, danh sách của Nhà Trắng cũng không đề cập tới vụ tấn công mới nhất vừa xảy ra ở một nhà thờ Hồi giáo tại Quebec, Canada làm 6 tín đồ thiệt mạng. Kẻ tấn công là một người Canada gốc Pháp nổi tiếng với quan điểm cực hữu dân tộc. Thủ tướng Canada Justin Trudeau gọi nó là hành động khủng bố chống lại người Hồi giáo.
Khi kế hoạch đánh bại IS ở Iraq và Syria vẫn còn mơ hồ, ông Trump đã ngay lập tức hành động để ngăn chặn mối đe dọa với Mỹ, cụ thể là cấm cửa vô thời hạn với người tị nạn tới từ Syria và dừng tạm thời với người nhập cư từ một loạt quốc gia khác, chủ yếu theo đạo Hồi.
Khi lệnh cấm của ông Trump bị Tòa Liên bang đình chỉ, vị tổng thống lên tiếng chỉ trích phán quyết và cả hệ thống tư pháp. Thậm chí, ông Trump còn cho rằng hệ thống tòa án Mỹ phải chịu trách nhiệm nếu khủng bố xảy ra.
“IS cho biết chúng sẽ thâm nhập vào nước Mỹ và các quốc gia khác thông qua các cuộc di cư. Thế nhưng, chúng ta còn không được phép động vào những người (di cư) đang vào nước Mỹ. Hãy giải thích điều đó”, ông Trump nói trong một sự kiện ngày 7/2 tại Nhà Trắng. Trước đó, tổng thống Mỹ cũng cáo buộc việc đình chỉ lệnh cấm khiến người di cư “ồ ạt” vào nước Mỹ dù trên thực tế, họ phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, có thể kéo dài nhiều ngày, để được nhập cảnh.
Người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định Tổng thống Trump không cố dọa người Mỹ. Tuy nhiên, chính ông Spicer cũng mới nói rằng Tổng thống Trump muốn mọi người biết “thế giới là một nơi rất nguy hiểm”.
Cách thể hiện của Tổng thống Trump rất khác so với những người tiền nhiệm. Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, Tổng thống George W. Bush khẳng định Mỹ không có chiến tranh với người Hồi giáo. Tổng thống Obama cũng khẳng định IS không thể gây ra mối đe dọa hiện hữu với nước Mỹ. Ông Obama luôn cảnh báo về sự phóng đại khả năng của IS trong khi ông Trump cho rằng tội ác của IS không được ghi nhận đầy đủ và công bố rộng rãi.
Bên cạnh việc ban hành lệnh cấm, Chính quyền Trump còn xem xét việc cải tổ chương trình chống chủ nghĩa cực đoan bạo lực nhằm vào những kẻ tấn công lấy cảm hứng từ IS. Họ cũng thảo luận về khả năng đưa tổ chức Huynh đệ Hồi giáo, một đảng phái của Ai Cập, vào danh sách khủng bố.
“Tổng thống đang chứng tỏ rằng ưu tiên hàng đầu của chính quyền là săn lùng và tiêu diệt IS tại hang ổ của chúng”, Phó tổng thống Mike Pence lý giải.