Cách kiếm tiền giữa đại dịch: Đầu tư vào KitKat và Big Mac

26/08/2020 15:03 PM | Kinh doanh

Theo Infusive Asset Management, cách kiếm tiền tốt nhất trong đại dịch là đầu tư vào những công ty mang đến sự tiện lợi hoặc đáp ứng sở thích của người tiêu dùng như KitKat hay Big Mac.

Người dân Mỹ đang trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết. Họ gặp rắc rối trong việc cân đối thời gian để vừa làm việc tại nhà, vừa phải trông coi con cái. Họ lo lắng về đại dịch và lo lắng về công việc của mình.

Đó là lý do tại sao quỹ đầu tư Infusive Asset Management nói rằng, cách tốt nhất để kiếm tiền giữa cuộc khủng hoảng y tế hiện nay là đầu tư tiền bạc vào những công ty mà sản phẩm của họ, hoặc đáp ứng sở thích của người tiêu dùng như Big Mac, KitKat và Johnny Walker, hoặc mang đến sự tiện lợi như Amazon và Netflix.

“Mọi người muốn chiều chuộng bản thân và đối xử tốt với bản thân bằng thứ gì đó thú vị", Andrea Ruggeri, Giám đốc điều hành của Infusive Asset Management nhận định.

Infusive đã tạo ra một quỹ hoán đổi danh mục (ETF) với mã JOYY – dựa trên chiến lược “đặt cược” vào những công ty đáp ứng “nhu cầu cảm xúc sâu sắc nhất của người tiêu dùng toàn cầu”. Danh mục chính của JOYY bao gồm tập đoàn thực phẩm và đồ uống Nestle, tập đoàn kinh doanh hệ thống nhà hàng thức ăn nhanh McDonald's, tập đoàn thực phẩm Mondelez, đế chế hàng xa xỉ LVMH và tập đoàn đa quốc gia về rượu và đồ uống có cồn Diageo.

Cho tới thời điểm hiện tại, quỹ này đang hoạt động khá hiệu quả khi tăng tới 20% từ đầu năm đến nay, bất chấp kinh tế suy thoái sâu và tỷ lệ thất nghiệp lên đến tới 2 chữ số. Mức tăng này thậm chí lớn gấp 4 lần nhóm chỉ số S&P 500.

Thành lập trước đại dịch

Quỹ ETF ra mắt hồi tháng 12 năm ngoái – vài tháng trước khi đại dịch Covid-19 định hình lại toàn bộ thế giới. Nó dựa trên chiến lược được biết đến là biến số tiêu dùng, trong đó nhấn mạnh 6 xu hướng chi tiêu bao gồm: sản phẩm phù hợp sở thích, sản phẩm giải trí, làm đẹp, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm có tính hiệu quả và sản phẩm thể hiện địa vị xã hội của người tiêu dùng.

“Chúng tôi đã tạo ra một chiến lược hoàn toàn chưa được biết tới và thậm chí không hề nghĩ đến Covid-19. Nó thậm chí còn chưa từng tồn tại trước đó”, vị giám đốc điều hành của Infusive Asset Management cho hay. “Thật đáng kinh ngạc khi thấy nó hoạt động hiệu quả như thế nào trong thời gian đại dịch và phong tỏa. Chiến lược này thậm chí còn đang nổi lên mạnh mẽ hơn nhiều so với năm 2019".

Mục tiêu của Infusive là tìm ra nhóm công ty quan trọng nhất với người tiêu dùng.

“Khủng hoảng y tế đã xác thực chiến lược của chúng tôi,” Matthew Schopfer, người đứng đầu nhóm nghiên cứu của Infusive chia sẻ. “Các công ty tiêu dùng trong danh mục của chúng tôi đang làm rất tốt, bởi suy cho cùng, họ thỏa mãn những mong muốn bẩm sinh của con người, dù đó chỉ đơn giản là sự tiện lợi hay ham thích cá nhân".

Để đo đạc mức độ thành công của nhóm cổ phiếu tiêu dùng, Infusive tìm kiếm các công ty có dòng doanh thu ổn định, được phản ánh qua tần suất mua hàng lặp lại. Sử dụng Big Data, quỹ đầu tư này cũng phát hiện ra các thương hiệu có quyền định giá lớn hơn so với những đối thủ khác trên thị trường.

“Chúng tôi chỉ đang cố gắng tìm ra các công ty mang tới niềm vui cho người tiêu dùng mà thôi”, ông Schopfer khẳng định.

Đặt cược vào thương mại điện tử

Một trong những lý do khiến quỹ ETF của Infusive hoạt động tốt là bởi nó sở hữu nhóm cổ phiếu của những gã khổng lồ công nghệ đang phất lên nhờ đại dịch. Và vì quỹ này biến động theo giá trị vốn hóa thị trường nên những cổ phiếu của các ông lớn này đóng vai trò quan trọng trong danh mục tổng thể. Bốn trong năm danh mục cổ phiếu công nghệ mà quỹ này đang nắm giữ thuộc nhóm cổ phiếu FAANG là Facebook, Apple, Amazon và Alphabet, công ty mẹ của Google.

Giá cổ phiếu của tập đoàn Amazon đã tăng vọt hơn 80% trong năm nay khi người dân Mỹ chi tiêu cho thương mại điện tử nhiều hơn bao giờ hết. Cùng với việc ngày càng nhiều người phải làm việc tại nhà, các sản phẩm iPhone và Mac của Apple cũng chứng kiến lượng bán ra kỷ lục.

Một phần của chiến lược nhấn mạnh mong muốn của người tiêu dùng là tìm ra cách thức thuận tiện nhất để mua sắm và thanh toán. Bên cạnh cổ phiếu Amazon thì quỹ ETF của Infusive còn nắm giữ cả cổ phiếu của Visa, MasterCard và Etsy.

Cũng theo ông Schopfer xu hướng mua sắm trực tuyến sẽ không thoái trào kể cả khi đại dịch đã qua đi. “Đây là những thay đổi vĩnh viễn”, ông nói, “và nó sẽ không nhanh chóng quay về như trước khi đại dịch xảy ra kể cả khi có một loại vaccine bất ngờ xuất hiện.”

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu kinh tế không phục hồi trở lại?

Tất nhiên, một trong những rủi ro khi đặt cược vào người tiêu dùng là việc nền kinh tế phục hồi chậm, thậm chí còn tồi tệ hơn thế.

Theo kết quả một cuộc khảo sát của Ngân hàng Mỹ được công bố vào tuần trước, chỉ 17% các nhà quản lý quỹ mong đợi sự phục hồi kinh tế hình chữ V. Trong khi đó, có tới 37% những người được hỏi đang chuẩn bị cho một cuộc suy thoái kép.

Hiện, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ là 10,2%, cao hơn cả mức tồi tệ nhất của cuộc Đại khủng hoảng.

Mặc dù chi tiêu tiêu dùng đã tăng mạnh, với doanh số bán lẻ của Mỹ đã trở lại ngưỡng trước đại dịch, nhiều nhà phân tích vẫn lo ngại rằng tình hình có thể thay đổi khi các khoản cứu trợ khẩn cấp, ví dụ như trợ cấp thất nghiệp, bị cắt giảm. Các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs cho biết người tiêu dùng đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu sau khi khoản trợ cấp thất nghiệp liên bang 600 USD hết hạn vào cuối tháng 7.

Tuy nhiên, Infusive vẫn tin tưởng rằng những biện pháp can thiệp mạnh mẽ của Cục Dự trữ Liên bang và Quốc hội Mỹ sẽ giúp giảm tỷ lệ thất nghiệp một cách hiệu quả. Quỹ đầu tư này cũng tin rằng người Mỹ sẽ vẫn gắn bó với các sản phẩm và dịch vụ mà họ yêu thích, ngay cả trong thời kỳ khó khăn.

“Người tiêu dùng nhận được rất nhiều niềm vui từ Netflix và Amazon Prime,” ông Schopfer cho biết. “Đây là những thứ cuối cùng họ sẽ loại bỏ khỏi thói quen chi tiêu hàng ngày.”

Đỗ Hiền

Cùng chuyên mục
XEM