CEO Elsa chia sẻ 6 "lầm tưởng" đằng sau những thương vụ gọi vốn: Đừng chỉ chú tâm vào định giá startup, tìm đúng nhà đầu tư quan trọng hơn nhiều!
Hai nhà đầu tư cùng offer 1 triệu USD, một nhà đầu tư hứa hẹn mang lại nhiều giá trị hơn, một nhà đầu tư mang lại định giá startup (valuation) cao hơn. Bạn chọn nhà đầu tư nào?
"Tất cả tiền đầu tư đều không giống nhau", Văn Đinh Hồng Vũ - Founder kiêm CEO Elsa - chia sẻ quan điểm tại sự kiện "Tăng trưởng và Gọi vốn" trong khuôn khổ chuỗi Grab Ventures Ignite. Sự kiện còn có sự tham gia của bà Aditi Sharma, Giám đốc Chương trình Đầu tư của Grab Ventures và ông Kevin Tùng Nguyễn, nhà sáng lập JobHopin.
Từ kinh nghiệm bản thân, bà Văn Vũ cho rằng một trong những "lầm tưởng" khi gọi vốn là tư duy "định giá doanh nghiệp vô cùng quan trọng", thậm chí nhiều người đánh đồng câu chuyện định giá cao với câu chuyện thành công của doanh nghiệp.
"Nhưng điều đó không phải lúc nào cũng đúng", bà Văn Vũ – người phụ nữ Việt thành lập startup tại Silicon Valley (Mỹ) đã gọi vốn tổng cộng 12,5 triệu USD - nhìn nhận.
"Ít chú ý đến định giá doanh nghiệp của bạn thôi, mà hãy tập trung nhiều hơn vào việc lựa chọn nhà đầu tư tốt, đặc biệt trong giai đoạn sớm của startup. Nhà đầu tư đâu chỉ mang đến cho bạn tiền? Một người mang đến cho bạn 1 triệu USD biết đâu có thể mang lại giá trị gấp đôi người offer bạn 1 triệu USD với định giá cao hơn?"
Bên cạnh bài học về việc đặt nặng lựa chọn nhà đầu tư cao hơn định giá doanh nghiệp, bà Văn Vũ cũng chia sẻ 5 bài học khác bà đúc kết trong nhiều năm gọi vốn.
Gọi vốn không phải cột mốc thành công
Tư duy đúng: Gọi vốn để tăng tốc cho doanh nghiệp
"Tôi nghĩ nhiều founders, trong đó có tôi, khi lần đầu gọi vốn thành công đã nghĩ rằng: "Hey, tôi gọi được triệu USD này! Chúng tôi thật giỏi! Thật tự hào…" Gọi được vốn không có nghĩa là startup của bạn thành công mà thực tế, khi gọi được vốn, chặng đường phát triển startup thậm chí còn khó khăn hơn nhiều", bà Văn Vũ chia sẻ.
"Hãy nhìn vào lý do vì sao bạn gọi vốn? Nên gọi vốn khi nào? Cần gọi vốn bao nhiêu? Và khi gọi được vốn, bạn cần kế hoạch chi tiêu thế nào để đạt được cột mốc phát triển tiếp theo cho startup. Gọi vốn không phải là cột mốc thành công, mà là cột mốc cần thiết để phát triển startup".
Đừng gọi vốn để xây công ty
Tư duy đúng: Gọi vốn để phát triển công ty
"Bạn không thể đến gặp nhà đầu tư và nói ‘Tôi có ý tưởng này, không chắc nó sẽ hiệu quả, cũng không chắc nó sẽ có thị trường, tôi thậm chí chẳng biết gì, tôi chỉ muốn mượn tiền của anh’".
"Chúng ta chỉ nên đến gặp nhà đầu tư khi có ý tưởng rõ ràng, đã thử nghiệm, đã thực hiện nhiều nghiên cứu thị trường, và nói với họ rằng "Đó là cơ hội, và giờ tôi muốn khoản đầu tư của anh để biến startup này trở thành một doanh nghiệp thành công’", bà Văn Vũ nói.
Đừng gọi vốn khi bạn cần
Tư duy đúng: Gọi vốn khi bạn có thể
Nếu gọi vốn khi bạn cần, thì có lẽ bạn đã gọi vốn quá muộn. Hãy gọi vốn khi bạn có thể chứ không nên gọi vốn khi bạn cần. Gọi vốn khi có thể, vị thế của bạn tốt hơn nhiều là gọi vốn khi cần.
Nhiều tiền hơn không có nghĩa là tốt hơn
Tư duy đúng: Gọi đủ vốn để đạt được cột mốc tiếp theo của doanh nghiệp
"Bạn có càng nhiều tiền, thì càng có nhiều vấn đề nảy sinh, đặc biệt ở giai đoạn đầu của startup. Đấy là bài học tôi học được", CEO Elsa bày tỏ.
"Tại sao ư? Khi bạn có rất nhiều tiền, bạn sẽ làm gì? Thuê nhiều người hơn? Chạy Marketing nhiều hơn, dù thậm chí startup của bạn còn chưa làm ra sản phẩm phù hợp với thị trường (product market fit)? Điều đó tức là bạn đang ‘đốt tiền’. Nhiều nhân sự hơn tức là bạn phải có nhiều công việc cho họ. Bạn phải tập trung vào rất nhiều những câu chuyện khác, và chuyện đó làm lu mờ sự tập trung của bạn cho sản phẩm cốt lõi".
Đừng để hết tiền
Tư duy đúng: Hãy giả định doanh số bằng 0 và luôn tính đến kế hoạch B
Nhiều startup hay đưa ra giả định "Tôi có thể gọi vốn/kiếm được chừng này…". Đừng như vậy! Hãy luôn giả định doanh số của bạn bằng 0 bởi bạn chẳng thể nào biết được điều gì sẽ đổ ập xuống việc kinh doanh của mình. Hãy tính toán với lượng tiền mặt hiện có, startup của mình sẽ sinh tồn được trong bao lâu và luôn tính đến kế hoạch B phòng trường hợp kế hoạch hiện có không hữu hiệu.
Bà Aditi Sharma - Giám đốc Chương trình Đầu tư Grab Ventures
Để làm rõ việc gọi vốn, bà Aditi Sharma - Giám đốc Chương trình Đầu tư Grab Ventures - lấy một ví dụ minh họa về một startup fintech gọi vốn triệu USD hứa hẹn sinh lời 1000% trong 42 tháng.
"Bạn có sẵn lòng đầu tư 1 triệu USD vào startup như vậy? Nhà đầu tư hầu như không biết về việc kinh doanh của bạn. Nếu bạn là nhà đầu tư, bạn cũng sẽ không rót tiền vào những thứ mà bạn không hiểu. Vậy nên, gọi vốn là một nghệ thuật", bà Aditi chia sẻ.
Giám đốc Chương trình Đầu tư Grab Ventures cũng chỉ ra những nguyên tắc để có một bài thuyết trình gọi vốn tốt: Luôn chuẩn bị 2 bản (một bản ngắn hơn phòng trường hợp thời gian thuyết trình bị rút ngắn vì lý do nào đó); Nên để font chữ 14 pt trở lên; Hãy trình bày đơn giản; Chỉ nên gồm dưới 15 slides (và mỗi slide phải truyền tải được key message); Có lối kể chuyện mạch lạc.