Cách đơn giản để cứu thế giới mà không phải ai cũng biết: Bớt lướt Facebook, mua quần áo online ít hơn
Con người ngày càng mua nhiều và cũng thải ra ngày càng nhiều quần áo, mà không hề hay biết rằng xu hướng này đang phá hoại môi trường.
Ăn diện có thể làm đẹp cho người mặc nhưng lại có hại cho môi trường. Một lượng lớn năng lượng, nước và nguồn tài nguyên khác đã được sử dụng để làm ra trang phục. Từ thuốc trừ sâu sử dụng ở các cánh đồng trồng bông cho đến thuốc nhuộm quần jeans. McKinsey, một chuyên gia tư vấn cho biết để tạo ra 1kg vải, thì trung bình 23kg khí nhà kính đã được thải vào bầu khí quyển.
Vì người tiêu dùng sử dụng hầu hết mọi loại quần áo chỉ bằng một nửa thời gian so với 15 năm trước, những nguyên liệu đầu vào nhanh chóng bị thải loại nhanh hơn bao giờ hết. Hơn một nửa các mặt hàng thời trang “ăn liền” bị vứt đi trong vòng một năm sản xuất. Xu hướng mua sắm tràn lan như vậy đang có ảnh hưởng đến môi trường nơi chúng ta đang sinh sống.
Sản xuất quần áo toàn cầu tăng gấp đôi từ năm 2000 đến năm 2014 khi hoạt động của các công ty may mặc trở nên hiệu quả hơn, chu kỳ sản xuất tăng tốc và những người mua hàng nhận được mức giá hấp dẫn hơn. Theo Greenpeace, doanh số bán quần áo toàn cầu vào năm 2015 là 1800 tỷ USD tăng gần gấp đôi so với mức 1000 tỷ USD năm 2002.
Các hàng thời trang “ăn liền” như Zara, sở hữu bởi Inditex của Tây Ban Nha, hiện cung cấp hơn 20 mặt hàng mỗi năm; con số này của H&M (Thụy Điển) là 16. Mặc vừa đủ và sửa chữa quần áo đã không còn hợp thời nữa.
Không chỉ có số lượng quần áo thay đổi mà cả quá trình tạo ra chúng cũng vậy. Các vật liệu giá rẻ như polyester, rẻ hơn những vật liệu tự nhiên. Vì vậy, hầu hết tất cả các đồ may mặc hiện nay được làm từ hỗn hợp các vật liệu – hầu hết bao gồm polyester. Việc tái chế quần áo yêu cầu phải tách nó ra và đó là điều vô cùng khó khăn.
Tái chế bằng máy móc làm giảm chất lượng của sợi vải. Các phương pháp hóa học thì lại quá đắt để có thể có lợi về mặt thương mại; rất ít công ty sản xuất quần áo bận tâm nghiên cứu chúng. Vận chuyển quần áo cũ sáng các nước châu Phi và châu Á cũng là một thất bại. Ngay cả khi thị trường địa phương đủ lớn để nhận số lượng quần áo khổng lồ này thì, chất lượng đi xuống của các sản phẩm làm từ hỗn hợp có chứa polyester có nghĩa là chúng không bền và dễ hỏng.
Hầu hết các công ty thời trang lớn đều không quan tâm đến những tác hại môi trường từ hoạt động kinh doanh của mình. Nhưng một số ít, bị căm ghét bởi những vụ bê bối trước đó, đang có những hành động giảm thiểu tác động tới môi trường.
H&M đã loại bỏ những chất hóa học độc hại từng được sử dụng để sản xuất chất vải không thấm nước. Đó cũng là công ty nhập vào loại “bông tốt hơn” – bông được trồng theo kế hoạch với mục đích loại bỏ những thuốc trừ sâu độc hại nhất và khuyến khích quản lý nước nghiêm ngặt.
Nike, một ông lớn trang phục thể thao của Mỹ, đan một số dòng sản phẩm giày thay vì dán chúng lại. Việc làm này làm giảm 60% lượng chất thải.
Patagonia, tạo ra các trang phục leo núi và đi bộ ngoài trời, có lẽ có ý tưởng hữu ích nhất, ít nhất là cho khách hàng, nếu không thì là vì lợi nhuận. Công ty này khuyến khích khách chỉ mua những gì họ cần, và giúp họ sửa chữa các đồ cũ để chúng có thể được dùng lâu hơn.
Khuyến khích mọi người cảm thấy thỏa mãn với số lượng quần áo vừa phải sẽ là cách giúp hành tinh nhanh nhất. Hoạt động kinh doanh tốt (thân thiện với môi trường) sẽ không bao giờ là lỗi thời cả.