Báo cáo VEPR: Quá phụ thuộc vào Samsung, LG... Công nghiệp Việt Nam cần giải được bài toán này trước khi nghĩ đến cách mạng 4.0

11/04/2017 10:50 AM | Kinh tế vĩ mô

Tăng trưởng của công nghiệp quý I/2017 thấp nhất trong 5 năm trở lại đây - báo cáo của VEPR nhìn nhận đây như là một dấu hỏi cho sức cạnh tranh của cả nền công nghiệp

Ngày hôm qua 10/4, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố Báo cáo kinh tế vĩ Quý I năm 2017 cho nền kinh tế Việt Nam. Về cơ bản, giống như các báo cáo được công bố gần đây khác, báo cáo của VEPR có chung quan điểm về vấn đề tăng trưởng quý I/2017 đạt thấp với nguyên do chính từ nhóm ngành công nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế này không chỉ dừng lại ở những quan sát bề ngoài. Báo cáo của VEPR chỉ ra việc ngành công nghiệp tăng trưởng chậm nhất từ năm 2011 chính là bằng chứng mới nhất về một nền công nghiệp vẫn còn kém cạnh tranh, chưa thể bắt kịp với xu thế hội nhập sâu rộng của Việt Nam lúc này.

Cụ thể, theo báo cáo của VEPR thì sau 2 quý phục hồi, kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng ở mức 5,1% so với cùng kỳ trong Quý I/2017, là thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây (QI/2015 tăng 6,12%; QI/2016 tăng 5,48%).

Nguyên nhân suy giảm đến phần lớn từ nhóm ngành công nghiệp: Công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 8,3% so với cùng kỳ, thấp hơn mức 9,7% và mức 8,94% trong hai năm 2015-2016; công nghiệp khai khoáng tiếp tục suy giảm mạnh, làm giảm 0,76 điểm phần trăm tăng trưởng kinh tế Quý I. Tinh chung lại, công nghiệp chỉ tăng trưởng 3,85% so với cùng kỳ trong Quý I, thấp nhất kể từ năm 2011 trở lại đây.

[A Tùng- bài hội thảo] Báo cáo VEPR: Quá phụ thuộc vào Samsung, LG... Công nghiệp Việt Nam cần giải được bài toán này trước khi nghĩ đến cách mạng 4.0 - Ảnh 1.

Để giải thích, VEPR cho rằng thông thường tăng trưởng công nghiệp ở mức thấp trong quý I là điều bình thường do hiệu ứng Tết Nguyên Đán. Tuy là như vậy, VEPR vẫn tỏ ra quan ngại do các mức các chỉ số công nghiệp, chỉ số tiêu thụ là thấp nhất trong vòng 5 năm và nhiều ngành mũi nhọn trong công nghiệp đều suy giảm.

Chúng ta đều biết giá trị GDP của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào sản lượng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt một số đại công ty như Samsung. Nhìn từ khía cạnh này, báo cáo VEPR lập luận rằng câu chuyện tăng trưởng chậm đang gặp phải chính là một bài toán khó về sự cạnh tranh mà nền công nghiệp Việt Nam cần giải.

"Tăng trưởng chỉ số công nghiệp và chỉ số tiêu thụ thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây trong khi lượng hàng tồn kho tăng đáng kể.

Nếu như một nguyên nhân chính của việc suy giảm tăng trưởng được cho là bắt nguồn từ tính thời vụ trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Samsung thì điều ấy cho thấy một khuynh hướng ngày càng rõ nét về sự lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam vào một số ít tập đoàn đa quốc gia và ngành hàng chính. Trong khi đó, nền công nghiệp trong nước ngày càng kém cạnh tranh và có khuynh hướng thu hẹp..." - báo cáo VEPR viết trong phần 'Các lưu ý về chính sách'.

Ngoài ra, một điểm nữa mà báo cáo VEPR cũng nhận định một cách gián tiếp về sức cạnh tranh của Việt Nam chính là thông qua thương mại.

Cụ thể, thương mại đã tăng trưởng cao quý vừa qua nhưng xuất khẩu vẫn chưa phục hồi thực sự về lượng. Đặc biệt, khuynh hướng tỷ trọng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước, tiếp tục giảm xuống chỉ còn 28%. Điều này đặt ra thử thách cho khu vực sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập quốc tế mở rộng.

[A Tùng- bài hội thảo] Báo cáo VEPR: Quá phụ thuộc vào Samsung, LG... Công nghiệp Việt Nam cần giải được bài toán này trước khi nghĩ đến cách mạng 4.0 - Ảnh 2.

Dự đoán tăng trưởng của VEPR

Trong một môi trường đang biến đổi như vậy, nền kinh tế Viêt Nam đứng trước nhiều ràng buộc hơn cho sự tăng trưởng của mình. VEPR dự đoán tăng trưởng được dự báo ở mức 5,7% so với cùng kỳ ở Quý 2 và là 6,1% cho cả năm 2017, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu 6,7% do Chính phủ đã đặt ra.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM