Bà Phạm Chi Lan cảnh báo cuộc cách mạng Việt Nam 4.0 sẽ chỉ là 'ảo tưởng' nếu chúng ta vẫn thiếu những yếu tố này

11/04/2017 10:52 AM | Kinh tế vĩ mô

Bên lề buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I năm 2017 của VEPR, chuyên gia Phạm Chi Lan đưa ra quan điểm trái chiều với những quan điểm mà nhiều diễn giả đã đưa ra về cách mạng công nghiệp 4.0 trong một hội thảo diễn ra cách đây vài ngày.

Hôm qua 10/4, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đã công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Quý I năm 2017 cho nền kinh tế Việt Nam. Bên lề buổi hội thảo, các vị chuyên gia đã chia sẻ nhiều ý kiến về các vấn đề đang được bàn thảo trên báo chí nhiều thời gian qua.

Chia sẻ với chúng tôi về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang trước mắt nền kinh tế Việt Nam, chuyên gia Phạm Chi Lan đã đưa quan điểm có phần trái chiều với những quan điểm mà các vị diễn giả tại Diễn đàn CEO diễn ra cách đây vài ngày đưa ra về cuộc cách mạng này.

"Điều này Việt Nam phải rất thận trọng. Xin đừng biến nó thành một thứ phong trào rồi nghĩ người ta làm được rồi mình cũng làm được" - Bà Phạm Chi Lan nói.

Theo vị chuyên gia kinh tế lập luận, cuộc cách mạng này cần các yếu tố là một trình độ công nghiệp tiên tiến, nền tảng của công nghệ hiện đại, sự sáng tạo của năng lực con người, năng lực của trình độ quản lý, thể chế...ở mức độ cao hơn rất nhiều so với trình độ hiện nay của nước ta.

''Mình vẫn đang thiếu tất cả những nền tảng đó mà đã vội nhắc đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tôi nghĩ điều đó sẽ là một sự ảo tưởng" - vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.

Lấy một ví dụ về một đất nước trong khu vực là Thái Lan - đất nước có trình độ phát triển tương đồng ở mức nhỉnh hơn so với Việt Nam, bà Phạm Chi Lan cho rằng nên phân chia các ngành trong nền kinh tế thành các mức phát triển khác nhau và có cách ứng xử hợp lý với mỗi ngành trong làn sóng công nghiệp 4.0.

"Có những ngành sẽ chỉ giữ làm 1.0, có những ngành tiếp tục làm 2.0, có một vài ngành chỉ làm 3.0 và chỉ chọn lọc một số ngành cố gắng tập trung nâng đưa lên 4.0. Đối với Thái Lan, đó phải là những ngành giúp bản thân nước này tăng tính cạnh tranh thì mới làm, chứ không phải tất cả nền kinh tế ào ào kéo theo 4.0".

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay 4.0, là cụm từ đang được nhắc đến không chỉ ở Việt Nam mà còn là trên thế giới nhiều ngày gần đây. Đây là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS).

Nói nôm na trong công nghiệp thì đây là viễn cảnh mà các nhà máy thông minh sẽ tồn tại - nơi mà trong đó, các máy móc được kết nối Internet và liên kết với nhau qua một hệ thống có thể tự thực hiện toàn bộ quy trình sản xuất.

Việt Nam đã bỏ lỡ những cuộc cách mạng công nghiệp trước, vì thế giờ đây các chuyên gia, các doanh nhân và cả Chính phủ đang coi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội để chúng ta đón đầu thế giới và có thể hóa rổng như những Hàn Quốc, Singapore...của thế kỷ XX trước đó.

Trong một buổi hội thảo gần đây về nội dung này, vị chủ tịch Hội đồng quản trị FPT từng phát biểu: "đây là một cuộc cách mạng, nếu chúng ta không làm gì thì người Việt sẽ già mà vẫn nghèo". Đồng thời, Giám đốc Uber tại Việt Nam là ông Dũng Đặng thì trả lời phỏng vấn: "đây là cơ hội cuối cùng cho Việt Nam nếu muốn tạo một bước nhảy vọt dân tộc".

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM