Các startup thực phẩm lành mạnh đổ xô tiếp cận Trung Quốc

23/03/2019 09:50 AM | Kinh doanh

Thị trường protein thay thế - như trứng thực vật, bánh kẹp thịt làm từ đậu, cá nuôi từ tế bào gốc - đang phát triển mạnh ở Trung Quốc...

Các công ty khởi nghiệp (startup) chuyên về protein thay thế - với các sản phẩm từ trứng thực vật, bánh kẹp thịt làm từ đậu, cho tới cá "nuôi" từ tế bào gốc - đang đổ xô tới Hồng Kông nhằm mục đích tiếp cận thị trường thực phẩm trị giá nhiều tỷ USD đang phát triển bùng nổ ở Trung Quốc đại lục.

Theo hãng tin Reuters, trong lúc các nhà sản xuất thịt động vật truyền thống chứng kiến lợi nhuận suy giảm vì chiến tranh thương mại và dịch tả lợn, những công ty như Impossible Foods, JUST và Beyond Meat lại đang thu hút sự chú ý của tầng lớp người tiêu dùng khá giả ở khu vực châu Á. Các công ty này nói rằng sản phẩm của họ bền vững và thân thiện với môi trường hơn so với thịt thông thường.

Thị trường toàn cầu các sản phẩm thịt thay thế ước tính đạt quy mô 4,6 tỷ USD trong năm 2018 và được dự báo đạt 6,4 tỷ USD vào năm 2023, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu Markets and Markets. Trong đó, châu Á là khu vực có mức tăng trưởng nhanh nhất.

Được hậu thuẫn bởi một số tỷ phú hàng đầu thế giới như Lý Gia Thành và Bill Gates, và minh tinh Hollywood Leonardo DiCaprio, các công ty thịt thực vật đã lần đầu tiên tiến vào thị trường Trung Quốc trong năm nay.

Startup JUST có trụ sở ở San Francisco, Mỹ, đã được định giá ở mức 1 tỷ USD thông qua các vụ rót vốn của những quỹ như Founders Fund của nhà đầu tư mạo hiểm Peter Thiel. Công ty này đang có kế hoạch đưa sản phẩm trứng làm từ đậu xanh tới 6 thành phố Trung Quốc trong năm nay.

JUST đã ký thỏa thuận với trang thương mại điện tử Tmall của Alibaba và cả JD.com để phân phối sản phẩm trứng thực vật của mình, bắt đầu tại các thành phố Thượng Hải, Bắc Kinh, Thiên Tân, Quảng Châu, Thành Đô và Thẩm Quyến, trước khi mở rộng sang các thành phố khác.

Những năm qua, Trung Quốc từng xảy ra nhiều vụ bê bối an toàn thực phẩm gây chấn động, từ trứng nhiễm melamine, thịt đông lạnh quá hạn nhiều năm, cho tới dầu ăn bẩn. Trong khi đó, với mức thu nhập đi lên, người Trung Quốc càng chú trọng vấn đề thực phẩm lành mạnh. Bởi vậy mà các sản phẩm protein thực vật có chất lượng đảm bảo rất được quan tâm tại nước này.

Beyond Meat, công ty sản xuất bánh kẹp thịt và xúc xích làm từ đậu, đã chứng kiến doanh thu tại thị trường Hồng Kông tăng 300% trong năm ngoái. Được hậu thuẫn bởi Tyson, công ty chế biến thịt lớn nhất thế giới, Beyond Meat đã nộp hồ so phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) lên sàn Nasdaq ở Mỹ và dự kiến sẽ bắt đầu đưa sản phẩm đến thị trường Trung Quốc đại lục trong nửa sau của năm nay.

Một đối thủ của Beyond Meat là Impossible Foods - công ty sản xuất bánh kẹp với thịt làm từ đậu nành - nói rằng thịt làm từ thực vật sẽ giúp giảm nhu cầu động vật trong chuỗi thức ăn và làm cho hệ thống thực phẩm toàn cầu trở nên bền vững hơn.

Từ năm 2011 đến nay, Impossible Foods đã nhận được số vốn 450 triệu USD từ những nhà đầu tư như quỹ Horizons Ventures của tỷ phú Lý Gia Thành và Google Ventures. Kể từ khi mở 5 cửa hiệu ở Hồng Kông vào tháng 4 năm ngoái, Impossible Foods đến nay đã có hơn 100 cửa hiệu ở Hồng Kông và Macau. Công ty dự kiến sẽ mở cửa hiệu ở Trung Quốc đại lục trong vòng 2 năm tới.

Công ty Avant Meats có trụ sở ở Hồng Kông chuyên dùng công nghệ tế bào để nuôi cấy các sản phẩm cá và hải sản. Đến quý 3 năm nay, công ty dự kiến sẽ tung ra sản phẩm bong bóng cá nuôi cấy từ tế bào gốc. Bong bóng cá là nguyên liệu được dùng nhiều để nấu các món ăn như súp ở một số nước châu Á.

Right Treat, công ty cũng có trụ sở ở Hồng Kông, thì chuyên về sản phẩm thịt lợn làm từ nấm, đậu và gạo. Thịt thực vật hiệu Omnipork của công ty có thể được dùng để làm nhân bánh bao hoặc thịt viên.

Kể từ khi ra mắt sản phẩm tại Hồng Kông vào tháng 4/2018, Right Treat đến nay đã đạt doanh thu tăng gấp 3 lần. Công ty đã đưa được sản phẩm đến Singapore, Macau và Đài Loan, và dự kiến bán tại thị trường Trung Quốc đại lục trong năm nay.

Những người ủng hộ thịt thực vật nói rằng các sản phẩm này lành mạnh hơn, sử dụng ít nước hơn, tạo ra ít khí thải gây hiệu ứng nhà kính hơn, và sử dụng ít đất hơn so với việc sản xuất cùng một khối lượng thịt truyền thống.

Tuy nhiên, người tiêu dùng sẽ phải trả mức giá cao hơn cho thịt thực vật. Sản phẩm thịt thực vật Omnipork bán lẻ ở Hồng Kông có giá 43 Đôla Hồng Kông (5,48 USD) cho một suất 230 gram, so với chỉ 37 Đôla Hồng Kông thịt lợn xay thông thường.

Một chiếc bánh kẹp thịt thực vật của Impossible có giá 88 Đôla Hồng Kông, đắt gấp hơn 2 lần so với một chiếc bánh kẹp hiệu Shake Shack.

Theo Bình Minh

Cùng chuyên mục
XEM