Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi 'gọng kìm'

17/05/2022 15:54 PM | Kinh doanh

Từ sau cuộc đàn áp siết chặt gọng kìm của giới chức Trung Quốc, rất nhiều những tập đoàn công nghệ khổng lồ đã phải chịu tổn thương.

Alibaba
Alibaba

Trong nhiều năm, Tencent và Alibaba luôn được coi là hai trong số những tập đoàn công nghệ phát triển nhanh bậc nhất toàn cầu - đứa con cưng của thị trường chứng khoán với tổng giá trị vốn hóa có thời điểm chạm mốc 1,7 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, từ sau cuộc đàn áp siết chặt gọng kìm của giới chức đại lục, những gã khổng lồ này đã phải chịu nhiều tổn thất hơn bao giờ hết.

Theo Bloomberg, doanh thu dự báo của Tencent chỉ tăng 4,3% trong quý I/2022, trong khi tăng trưởng Alibaba dự báo đạt 7,1%. Đây đều là những con số thấp kỷ lục và khá “tụt hậu” so với mức tăng trưởng trung bình 8,6% hồi năm ngoái. 

Sau khi cuộc đàn áp sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ buộc ngành công nghiệp Internet phải cắt giảm nhân sự, đóng băng đầu tư và cống hiến hàng tỷ USD cho các hoạt động xã hội, Tencent và Alibaba đã có một bước ngoặt lớn. 

Trong đó Tencent, “cha đẻ” của ứng dụng thanh toán WeChat “bốc hơi’’ 520 tỷ USD từ mức đỉnh hồi năm 2021. ByteDance, công ty mẹ TikTok và ứng dụng thời trang trực tuyến Shein khả năng cao cũng sẽ hoãn kế hoạch ra mắt thị trường. Điều này khiến hầu hết các nhà đầu tư vỡ mộng và không còn đặt niềm tin vào các công ty công nghệ khổng lồ Trung Quốc.

“Đã có sự thay đổi cơ bản trong câu chuyện tăng trưởng của ngành công nghệ Trung Quốc. Lĩnh vực này sẽ tập trung vào chất lượng và tăng trưởng bền vững thay vì bành trướng như nhiều năm trước đây. Doanh thu chắc chắn sẽ giảm, trong khi tăng trưởng người dùng cũng giảm tốc khi các tập đoàn chấn chỉnh lại hoạt động mua bán sáp nhập và mở rộng nền tảng để cạnh tranh’’, ông Marvin Chen, chuyên gia phân tích của Bloomberg Intelligence nói.

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi gọng kìm - Ảnh 1.

Tăng trưởng Tencent sụt giảm

Tuy nhiên, do giới chức Trung Quốc mới đây cam kết thúc đẩy kinh tế hậu COVID-19, các Big Tech dường như được “nới lỏng” gọng kìm. Bằng chứng là trong cuộc họp Bộ Chính trị tháng 4, chính phủ Trung Quốc cam kết sẽ hỗ trợ sự tăng trưởng lành mạnh của các công ty nền tảng và đánh giá lại các cổ phiếu công nghệ.

Trong khi cả nước đang chạy đua khống chế đà lây lan cùng các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, chính phủ Trung Quốc đã nhận ra sự hữu dụng của các Big Tech. Trong đó, Alibaba, JD.com hay Meituan đã xây dựng các hệ thống phân phối hiệu quả, giúp các các nhà cung cấp thu mua nhanh gọn sản phẩm tươi từ nông dân và giao đến tay người tiêu dùng. 

Dẫu vậy, mối quan hệ giữa Big Tech và chính phủ Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn trở nên dễ chịu. Chính phủ Bắc Kinh có lẽ vẫn lo ngại rằng các công ty công nghệ đã được hưởng lợi quá lâu nhờ chính sách thuế hào phóng.

Chính vì vậy, Tencent, dù đã thoát khỏi sự giám sát trực tiếp từ Bắc Kinh, song vẫn không hoàn toàn tự do. Doanh số quảng cáo trực tuyến được dự báo sẽ giảm khoảng 15% trong năm nay, trong bối cảnh phần lớn các công ty bảo hiểm, gia sư trực tuyến và các nhà phát triển trò chơi trở thành nạn nhân của chính sách quản lý riêng biệt.

Trong khi đó, Tencent vẫn đang vật lộn để cạnh tranh với ByteDance, do ứng dụng đình đám Douyin ngày càng thu hút các nhà quảng cáo. Hồi tháng 4, tập đoàn Internet này đã buộc phải đóng cửa nền tảng phát trực tuyến trò chơi, đồng thời tăng phí dịch vụ lần thứ 2 trong năm để bù đắp cho khoản doanh thu thiếu hụt.

Doanh thu từ trò chơi trực tuyến dự kiến ​​chỉ tăng 4,9%, mức thấp nhất trong 3 năm. Hồi tháng trước, Trung Quốc bắt đầu phê duyệt nhiều trò chơi mới như một cách chấm dứt quãng thời gian dài kìm kẹp khiến thị trường 44 tỷ USD sụp đổ. Đáng buồn, Tencent và đối thủ của nó là NetEase lại không có tên trong danh sách.

Các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi gọng kìm - Ảnh 2.

Gã khổng lồ Tencent

Các chuyên gia kỳ vọng một sự đột phá mới sẽ đến vào quý II, sau khi Tencent, dựa vào các tựa game cũ như Honor of Kings và Peacekeeper Elite tăng tốc đặt cược vào thị trường nước ngoài vốn đóng góp khoảng 1/4 doanh thu trò chơi. Chuyên gia phân tích của Bocom International ước tính doanh thu trò chơi trong nước sẽ đạt 2,3%, trong đó thị trường nước ngoài đạt 24%.

“Yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu chủ yếu đến từ các chính sách của đại lục thay vì nguyên tắc cơ bản của công ty. Khi thị trường ngày càng tập trung vào khả năng sinh lời, chúng tôi tin rằng các công ty đang ưu tiên đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hiệu quả thay vì mở rộng quy mô. Do vậy, các nhà đầu tư cần lường trước được rằng tốc độ tăng trưởng toàn ngành sẽ chậm lại trong năm 2022 và 2023’’, ông John Choi, chuyên gia phân tích của Daiwa nói.

Theo: Bloomberg

Vũ Anh

Từ khóa:  trung quốc
Cùng chuyên mục
XEM