Boeing sẽ mất ít nhất 1 tỷ USD vì cuộc khủng hoảng 737
Dòng 737 của Boeing hiện chiếm 30% tổng doanh thu và 35% lợi nhuận. Chúng lần đầu được bay vào năm 1967 và bán được 10.000 chiếc vào năm đầu tiên. Loại Max 8 là dòng hiện đại nhất của Boeing 737 với hệ thống động cơ tiên tiến, được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2017.
Ngày 13/3 là một ngày tươi sáng với hãng Boeing khi công ty này có ý định tiết lộ thiết kế một dòng máy bay mang tên 777x mới, bất chấp 3 ngày trước đó vụ tai nạn tại Ethioipia xảy ra khiến 157 người thiệt mạng. Tuy nhiên mọi thứ bất ngờ sụp đổ tan tành khi hàng loạt quốc gia và hãng hàng không cấm bay với dòng Boeing 737 Max 8.
Chỉ trong 1 ngày, giá cổ phiếu của Boeing bị thổi bay hơn 10%, nghĩa là gần 30 tỷ USD biến mất khỏi thị trường.
Đối với những nhà sản xuất máy bay như Boeing, những vụ tai nạn không có gì lạ lẫm và chúng chẳng ảnh hưởng mấy đến những cổ đông. Đơn cử như tháng 2 vừa qua, 1 chiếc Boeing 767 chở hàng rơi tại Texas khiến 3 người thiệt mạng nhưng chẳng ai quan tâm bởi chúng được xác định là do lỗi của con người và hãng hàng không thuê những phi công đó mới phải chịu trách nhiệm.
Đây là điều dễ hiểu tại sao Boeing lại có vẻ thờ ơ đến vậy khi vụ tai nạn ở Ethiopia diễn ra. Tuy nhiên điều họ không ngờ đến là vụ tai nạn thứ 2 chỉ trong vòng 8 tháng của cùng 1 dòng máy bay lại khiến người ta nghi ngờ về chất lượng của Boeing.
Điều đáng lưu ý ở đây là 2 vụ tai nạn gần như khá giống nhau, đều rơi khi vừa mới cất cánh và đều bị mất động lực, rơi cắm đầu xuống đất với tốc độ cao. Ở vụ Indonesia vào tháng 10/2018 khiến 189 người thiệt mạng, điều tra cho thấy phi hành đoàn đã mất khả năng kiểm soát máy bay do lỗi hệ thống máy móc.
Lượng đơn hàng Boeing 737 Max 8 và số lượng bàn giao theo khu vực của Boeing
Trong khi đó CEO Tewolde Gebre Mariam của Ethiopia Airlines cũng cho biết vụ tai nạn mới đây gặp vấn đề tương tự khi phi công không kiểm soát được máy bay trước khi rơi xuống. Nếu điều này là chính xác thì đây không phải lỗi của con người mà là do máy bay, bất kể chúng đã được sử dụng 2 năm tại nhiều nước trên thế giới.
Hiện vẫn chưa có kết luận cuối cùng về cuộc điều tra vụ tai nạn tại Indonesia, trong khi điều tra ở Ethiopia mới chỉ bắt đầu. Tuy nhiên sự giống nhau giữa 2 vụ tai nạn khiến các cơ quan chức năng không thể ngồi yên, mở đầu bằng Trung Quốc với việc cấm bay toàn bộ dòng 737 Max chứ không riêng gì Max 8. Những thị trường khác như Australia, Anh, Pháp, Đức cũng theo sát.
Đến ngày 13/3, thị trường sân nhà của Boeing là Mỹ cũng phải tạm cấm bay với dòng máy bay này.
Đây thực sự là tin bom tấn với Boeing khi từ trước đến nay, Cơ quan quản lý hàng không Mỹ (FAA) luôn phản đối việc cấm bay với Boeing 737 khi chưa kết luận được chính xác nguyên nhân gây ra tai nạn.
Việc cấm bay sẽ khiến hàng loạt hãng hàng không từ chối nhận bàn giao dòng máy bay này dù đã đặt hàng từ trước. Hãng Boeing thì chỉ có thể nhận được tiền đầy đủ khi bàn giao máy bay xong xuôi. Hệ quả là công ty sản xuất máy bay này chắc chắn sẽ gặp thiệt hại lớn.
Dòng 737 của Boeing hiện chiếm 30% tổng doanh thu và 35% lợi nhuận. Chúng lần đầu được bay vào năm 1967 và bán được 10.000 chiếc vào năm đầu tiên. Loại Max 8 là dòng hiện đại nhất của Boeing 737 với hệ thống động cơ tiên tiến, được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2017.
Đến nay, các hãng hàng không đã đặt hơn 5.000 chiếc Boeing 737 Max 8, chiếm 80% tổng số đơn đặt hàng của công ty.
Airbus sẽ không tận dụng được nhiều lợi thế
Hiện vẫn chưa thể kết luận được Boeing sẽ thiệt hại bao nhiêu do chưa có báo cáo cuối cùng về nguyên nhân gây tai nạn nhưng hãng nghiên cứu Melius Research ước tính Boeing sẽ mất ít nhất 1 tỷ USD cho việc đền bù cũng như vá lỗi trên máy bay.
Nếu sai lầm nằm ở phần mềm điều khiển thì Boeing có thể nâng cấp khá dễ dàng, nhưng nếu nằm ở phần cứng thì chi phí thu hồi, sửa chữa là vô cùng lớn.
Dù bị cấm bay với dòng 737 Max 8 nhưng hãng Boeing vẫn rất tự tin về tương lai dài hạn. Nói cho cùng Boeing vẫn là một trong những nhà sản xuất, cung cấp máy bay lớn nhất thế giới hiện nay. Hãng Melius cho biết dòng Boeing 787 đã từng bị tạm cấm bay 3 tháng vào năm 2013 do lỗi ắc quy bắt lửa, tuy nhiên chúng không làm suy giảm nhu cầu với dòng máy bay này.
Dẫu vậy, vụ việc đó khác rất nhiều so với 2 vụ tai nạn gần đây của 737 Max 8 khi người ta chưa tìm ra được nguyên nhân cụ thể còn số người thiệt mạng thì đã quá lớn. Nếu Boeing bị cấm bay quá lâu, đối thủ truyền kiếp của nó là Airbus sẽ tận dụng cơ hội để chiếm lĩnh thị trường.
Kể từ vụ tai nạn tại Ethiopia đến nay, cổ phiếu của Airbus đã tăng bằng 1 nửa so với những gì cổ phiếu Boeing đã mất.
Theo chuyên gia Marc Szepan, cựu CEO của hãng hàng không Lufthansa, vụ tai nạn trên sẽ không ảnh hưởng mấy đến Boeing lẫn Airbus trong ngắn hạn bởi số đơn đặt hàng của Airbus cho dòng A320, đối trọng của dòng Boeing 737, đã lấp kín từ nay đến tận năm 2025.
Có chăng, vụ tai nạn trên chỉ khiến các hãng hàng không giá rẻ mất cảm tình với Max 8 về độ an toàn để chuyển qua những dòng được cho là an toàn hơn, bất kể là của Boeing hay Airbus.
Thêm nữa, chúng cũng khiến hành khách chú ý hơn đến loại máy bay họ sử dụng khi đặt vé hàng không và khiến nhiều công ty muốn từ bỏ dòng 737 Max để chuyển sang loại khác do lo sợ mất khách.
Năm 2019 có thể là 1 năm tệ hại với Boeing khi gặp khó khăn do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung ảnh hướng đến công việc kinh doanh và nay lại đến cuộc khủng hoảng 737 Max 8. Khoảng 85% số lượng đơn hàng của hãng đến nước ngoài dù Mỹ là sân nhà của họ và nếu lệnh cấm bay còn tồn tại lâu, Boeing chắc chắn sẽ lại cần chính quyền Washington trợ cấp 1 lần nữa như trước đây để có thể sống sót.