"Con cưng" Trung Quốc chễm chệ "tọa sơn quan hổ đấu": Mỹ-Đức nảy lửa vì kẻ thứ 3
Tập đoàn viễn thông công nghệ cao Huawei của Trung Quốc đã trở thành nguyên cớ cho bất hoà mới giữa Mỹ và Đức.
Vụ việc này thêm một lần nữa cho thấy mối quan hệ giữa hai nước này hiện không được êm đẹp và nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đã khác biệt cơ bản như thế nào so với thời trước trên cương vị là đồng minh quân sự chiến lược truyền thống của những nước ở trong cùng phe cánh như nước Đức.
Vụ việc liên quan đến câu chuyện chung ở Mỹ và các nước đồng minh quân sự chiến lược của Mỹ là cho phép hay cấm tập đoàn Huawei tham gia cung ứng thiết bị và dịch vụ cho hệ thống mạng lưới viễn thông tốc độ siêu nhanh thế hệ 5G.
Huawei đã bị Mỹ cấm và một số nước tẩy chay. Nước Đức chưa quyết định. Ngày 19.3 tới này, ở nước Đức mới bắt đầu quá trình đấu thầu tần số cho thế hệ 5G.
Vẫn gần mặt đã cách lòng
Mỹ và Đức đang mâu thuẫn vì Huawei. Ảnh: Nikkei
Đã từ nhiều ngày nay rồi, chính phủ Mỹ gia tăng áp lực mạnh mẽ, cả công khai lẫn bí mật, thúc ép các đồng minh và đối tác không sử dụng thiết bị, công nghệ và dịch vụ của Huawei với lý do không đảm bảo an ninh mà không đảm bảo an ninh vì Huawei là rủi ro lớn về an ninh bởi tập đoàn này rất "gần " chính phủ Trung Quốc, bởi Trung Quốc có luật ràng buộc mọi công ty phục vụ cho lợi ích an ninh và tình báo của Trung Quốc và bởi thiết bị của Huawei giúp phía Trung Quốc hoạt động tình báo.
Ngay sau khi Bộ trưởng kinh tế Đức Peter Altmeier tuyên bố là "hiện tại không loại trừ việc để cho Huawei tham gia đấu thầu tần số 5G", Đại sứ Mỹ tại Đức đã có thư riêng gửi ông Altmeier - mà mọi nội dung cụ thể thì báo chí ở Mỹ và Đức đều biết hết - doạ rằng nếu chính phủ Đức để cho Huawei tham gia xây dựng mạng lưới 5G thì Mỹ sẽ ngừng hợp tác trên lĩnh vực an ninh.
Ngay ngày hôm sau, tướng Mỹ Curtis Scaparrotti, Tư lệnh quân đội NATO ở châu Âu, phát biểu trước quốc hội Mỹ là trong trường hợp chính phủ Đức để cho Huawei tham gia dự án 5G kia thì quân đội Mỹ sẽ ngừng trao đổi thông tin, liên lạc trực tiếp với quân đội Đức.
Thông điệp đe doạ ở đây rất rõ ràng. Hàm ý buộc phía Đức phải lựa chọn giữa nghe theo Mỹ để quan hệ quân sự và an ninh vẫn như trước hoặc chọn lựa Huawei mà sẽ mất hết.
Trước Huawei, Mỹ đã doạ Đức tương tự với yêu cầu ngừng hợp tác với Iran sau khi Mỹ áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran và với yêu cầu Đức huỷ bỏ dự án hợp tác với Nga xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2.
Cho nên ở đây cần phải phân biệt cuộc thập tự chinh của Mỹ nhằm vào Huawei và những tập đoàn công nghệ cao của Trung Quốc với sự thay đổi bản chất mối quan hệ đồng minh quân sự chiến lược lâu nay giữa Mỹ và các nước, trong đó có Đức.
Ông Trump cho tới nay luôn tỏ ra không coi trọng EU, không mặn mà với việc duy trì cam kết của Mỹ cho NATO và các thành viên NATO cũng như không thân thiện với nước Đức và cá nhân Thủ tướng Đức Angela Merkel - với mức độ khác biệt rất rõ ràng so với những người tiền nhiệm.
Từ tình trạng "vẫn gần mặt đã cách lòng" này giữa Mỹ và Đức có thể rút ra được 3 nhận thức rất đáng được lưu ý đến.
Thứ nhất, mối quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống đã thay đổi rất cơ bản. Mỹ bắt đầu coi những cam kết an ninh cho diện đồng minh này là gánh nặng nhiều hơn là trách nhiệm, thiên về định hướng giảm bớt đi được thì giảm bớt chứ không sẵn sàng tăng cường, bắt các đồng minh tự thân vận động nhiều hơn là ỷ lại và dựa cậy vào Mỹ. Liên minh quân sự bị lỏng lẻo hoá và nội bộ liên minh bị phân hoá.
Cách suy tính của Mỹ là các đồng minh này cần Mỹ nhiều hơn là ngược lại về quân sự và an ninh. Tương quan lực lượng và cục diện quan hệ nào thì sẽ có định hướng chiến lược và chính sách tương ứng.
Thứ hai, Mỹ đang biến sự hợp tác và đảm bảo của Mỹ về quân sự và an ninh thành hàng hoá mà các đồng minh chiến lược kia giờ muốn tiếp tục có được thì phải chấp nhận trả giá đúng cho Mỹ.
Cái giá cụ thể ở đây là tăng ngân sách quân sự và quốc phòng hàng năm, là chi ra nhiều tiền hơn cho việc Mỹ tiếp tục duy trì quân đội trên lãnh thổ các đồng minh, cũng như mới đây nhất ở vụ việc với nước Đức là Mỹ muốn gì cũng phải đáp ứng, nói gì cũng phải theo.
Thứ ba, Mỹ dùng sự hợp tác và đảm bảo nói trên để ép buộc các đồng minh hùa theo Mỹ trong quan hệ của Mỹ với các đối tác khác, trong vụ việc với nước Đức là cùng đối phó Trung Quốc, vừa giúp Mỹ tăng thêm thế và lực trong quan hệ của Mỹ với Trung Quốc lại vừa phân hoá chính các đồng minh này với Trung Quốc.
Cho nên mới nói một khi đã "cách lòng" rồi thì "xa mặt" hay "gần mặt" đâu có khác biệt gì nhau.
Tiêu đề do toàn soạn đặt lại.