Bộ Y tế đề xuất tăng mức đóng BHYT từ năm 2019

11/07/2017 17:10 PM | Xã hội

Bộ Y tế đã đưa ra 2 phương án: Điều chỉnh đòng BHYT đến 6% vào năm 2021 hoặc đến năm 2024...

Ngày 7/7, hội nghị triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã diễn ra. Tại hội nghị này, Bộ Y tế đã kiến nghị Quốc hội và Chính phủ nghiên cứu điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT).

Cụ thể, theo Bộ Y tế, hiện nay Quỹ BHYT vẫn có khả năng cân đối được đến hết 2018. Tuy nhiên, theo lộ trình điều chỉnh giá khám chữa bệnh BHYT, chúng ta cần nghiên cứu và có những đề xuất thay đổi mức đóng ngay từ bây giờ.

Từ đó, Bộ Y tế đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét điều chỉnh mức đóng BHYT từ năm 2019. Theo Luật quy định thì mức đóng tối đa 6%, tuy nhiên, chúng ta vẫn đang đóng 4,5%.

Từ đó, Bộ Y tế đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là điều chỉnh với mức 0,3% năm, cụ thể: năm 2019 là 4,8%; năm 2020 là 5,1%...và tới năm 2024 là 6%. Phương án 2 là điều chỉnh mức 0,5%/năm, bắt đầu năm 2019 là 5%; năm 2020 là 5,5% và 2021 là 6%.

Theo Bộ Y tế, để thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực y tế, những nguồn lực bổ sung cho toàn ngành là rất cần thiết. Số tiền tăng thêm sẽ được dùng để đầu tư hoàn thiện các trạm y tế xã, cơ sở y tế khó khăn, bệnh viện chuyên khoa các bệnh đặc biệt như phong, tâm thần.

Cùng với đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước cũng sẽ được ưu tiên phân bổ cho cho y tế dự phòng, chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại các cơ sở y tế. Cuối cùng, một chính sách tiền lương, phụ cấp và đãi ngộ phù hợp để thu hút cán bộ y tế có chuyên môn cao về vùng núi, vùng khó khăn cũng sẽ trông chờ vào nguồn ngân sách

Trả lời đề nghị này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết rằng kế hoạch hành động quốc gia thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững vừa được Thủ tướng ban hành vào tháng 5/2017. Đây là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững.

Theo đó, kế hoạch hành động của Việt Nam gồm 17 mục tiêu chung và 115 mục tiêu cụ thể, các nhiệm vụ chủ yếu được phân kỳ thực hiện theo 2 giai đoạn 2017-2020 và 2021-2030.

Đặc biệt kế hoạch này nhấn mạnh vai trò của tất cả bên liên quan, từ các bộ ngành, địa phương đến tổ chức chính trị xã hội, nghề nghiệp, tổ chức trong nước và quốc tế trong việc tham gia, đóng góp tiếng nói và hành động vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến 2030, trong đó có mục tiêu trong ngành y tế.

Vũ Hán

Cùng chuyên mục
XEM