Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư: Có DN FDI chuyển giá, trốn thuế, chiếm đất, gây ô nhiễm môi trường,... nhưng chỉ là thiểu số

28/06/2016 11:45 AM | Kinh tế vĩ mô

“Các nhà đầu tư nước ngoài tôi để ý như con ong, ngoài việc đi tìm hoa hút mật, còn làm nhiệm vụ thụ phấn cho hoa, giúp kết trái kết quả…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ví von.

“Nhà đầu tư nước ngoài đến đây không chỉ vì tiền, vì lợi ích, mà còn để chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam và kinh tế Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Bộ trưởng Dũng nhìn nhận: Đâu đó vẫn có một số doanh nghiệp chưa tốt, như vấn đề ô nhiễm môi trường, chuyển giá, chiếm diện tích đất quá nhiều, triển khai dự án chậm, nhiều dự án lớn chưa có sự chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam

“Chúng tôi muốn nói rằng: Đây chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Chỉ một số doanh nghiệp hoạt động chưa được nghiêm túc. Chúng tôi nghĩ rằng, không có nhà đầu tư nước ngoài nào làm ăn có uy tín, quy mô đầu tư lớn lại có ý nghĩ làm ăn vi phạm ở quốc gia sở tại”, Bộ trưởng Dũng nói.

Ông cho rằng, có hiện tượng trên do một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tuân thủ chưa nghiêm, hoặc do hệ thống pháp luật của Việt Nam thực hiện chưa đồng bộ, chặt chẽ, hoặc khâu kiểm tra giám sát chưa đảm bảo…

Bộ trưởng Dũng khẳng định: Các doanh nghiệp FDI vẫn là thành phần quan trọng của kinh tế Việt Nam. Chúng ta vẫn khuyến khích, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài có những chuyển dịch, xoay trục và coi Việt Nam như điểm đến, là ngôi nhà của mình và đóng góp cho Việt Nam.

Các nhà đầu tư nước ngoài, tôi để ý, như con ong, ngoài việc đi tìm hoa hút mật, còn làm nhiệm vụ thụ phấn cho hoa, giúp kết trái kết quả", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ví von.

Theo thông tin của GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), doanh nghiệp FDI đang sử dụng 3,5 triệu lao động. Trong đó, có những lao động có trình độ cao về quản lý và công nghệ và họ bắt đầu có sự lan tỏa.

“Cách đây vài ngày, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam công bố đơn vị này đã có 190 doanh nghiệp hỗ trợ từ Việt Nam, trong đó có 12 nhà cung ứng cấp 1. Đấy là tín hiệu đáng mừng”, GS.TSKH Nguyễn Mại nhận định.

Hiện khối FDI đóng góp khoảng 20% tổng thu ngân sách và khoảng 20% vào GDP Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều nhà kinh tế, sự đống góp của FDI không chỉ quan trọng với vấn đề kinh tế mà còn tạo thế mạnh cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế.

Về kim ngạch thương mại, doanh nghiệp FDI hiện chiếm 72% kim ngạch xuất khẩu. Theo số liệu hải quan 5 tháng đầu năm, dù doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu lên tới 6,7 tỷ USD, nhưng nhờ xuất siêu của khối FDI, Việt Nam đã xuất siêu 1,64 tỷ USD.

Bảo Bảo

Cùng chuyên mục
XEM