Thuế chuyển nhượng Big C là ví dụ tồi cho việc ưu đãi doanh nghiệp FDI?

22/06/2016 19:39 PM | Kinh tế vĩ mô

Đây là bình luận của chuyên gia kinh tế Bùi Trinh về việc Việt Nam đang tìm cách truy thu thuế từ thương vụ chuyển nhượng Big C.

Một trong những vấn đề đang được cơ quan Thuế tích cực giải quyết đó là vấn đề truy thu khoản tiền lên đến 3.600 tỷ được xem là thuế cho việc chuyển nhượng thương hiệu Big C từ tập đoàn Casino (Pháp) cho tập đoàn Central Group (Thái Lan).

Theo quan điểm của chuyên gia kinh tế, TS. Bùi Trinh, ông cho rằng việc truy thu khoản tiền thuế này là rất khó vì doanh nghiệp FDI này nằm trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhưng “trớ trêu” thay hành động chuyển nhượng này lại diễn ra trên lãnh thổ nước khác. Như vậy, về mặt pháp lý, đây là một khoản khó đòi.

Thậm chí, nếu hành động ký kết này diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam thì Big C cũng có thể lách khoản thuế này nếu trong hợp đồng chuyển nhượng giá trị chuyển nhượng thấp hơn giá trị tài sản trong bảng cân đối kế toán. Ở đây, ông Trinh không nói đến trường hợp Big C mà nói đến những trường hợp chung khác.

Do đó, khoản thuế này có đòi được hay không vẫn còn cần rất nhiều thời gian cũng như những lập luận mang tính pháp lý. Nhưng nếu để lọt khoản tiền thuế chuyển nhượng này, ông Trinh cho rằng đây là hậu quả của việc cơ quan nhà nước không rút ra được bài học về việc nuông chiều các doanh nghiệp FDI.

Theo ông với cách ưu đãi quá mức và gần như vô điều kiện đối với các doanh nghiệp FDI sẽ khiến cho họ lợi dụng sự dễ dãi này hoặc bỏ đi khi kiếm đủ, hoặc trốn thuế, hoặc chuyển giá, hoặc chuyển nhượng công ty đang hoạt động tại Việt nam nhưng việc chuyển nhượng lại diễn ra ở một nơi khác ngoài lãnh thổ nước ta là điều đương nhiên. Ngay cả khi họ không thực hiện những điều trên thì phía Việt Nam cũng được hưởng lợi rất ít từ những doanh nghiệp này.

Do đó, ông khẳng định lại, những lỗ hổng để các doanh nghiệp như lách thuế, chuyển giá không phải là vấn đề của cơ quan thuế nữa, mà chính là cách tiếp cận và ứng xử với cấu trúc sở hữu của nền kinh tế. “Thu hút FDI là tốt nhưng làm sao để thu hút được luồng tiền, lao đông và chuyển giao công nghệ mà không ảnh hưởng đến môi trường và lợi ích quốc gia”.

Theo thông tin từ trước đó, Tập đoàn Casino (Pháp) đơn vị sở hữu thương hiệu Big C đã bán thương hiệu này cho Central Group (Thái Lan) với giá trị thương vụ là 920 triệu euro, xấp xỉ 1,04 tỷ USD, quy đổi ra tiền Việt là 23.300 tỉ đồng.

Việc có thu được thuế từ việc chuyển nhượng này hay không vẫn đang được đánh giá là rất khó. Vì Big C Việt Nam được Casino Group thành lập tại Hồng Kong còn đối tác nhận chuyển nhượng lại là tập đoàn Central Group (Thái Lan), hành động chuyển nhượng cũng không diễn ra trên lãnh thổ Việt Nam.

Mặc dù vậy, về phía Tổng cục Thuế lại khá tự tin khi khẳng định sẵn sàng thu thuế của Big C. Cơ sở được Tổng cục Thuế đưa ra là vì hệ thống Big C có phát sinh thu nhập từ Việt Nam. Do đó "Các thương vụ này đều phải kê khai nộp thuế theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp. Cụ thể Thông tư 78 năm 2014 nêu rõ: Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản, các dự án đều phải kê khai nộp thuế với thuế suất 22%; từ ngày 1/1/2016 là 20%" - ông Nguyễn Đầu, Phó Chánh thanh tra Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết.

Ngoài ra, Thông tư 203 của Bộ Tài chính về tránh đánh thuế 2 lần quy định doanh nghiệp có trụ sở tại nước ngoài không phải đóng thuế hoặc thấp hơn 10% thì doanh nghiệp đó phải chịu thuế tại nơi phát sinh thu nhập.

Vì vậy, đại diện của Tổng cục Thuế khẳng định Big C Việt Nam phải chịu thuế chuyển nhượng tại Việt Nam do Hồng Kông nơi đóng trụ sở chính của doanh nghiệp này không thu thuế. Nghĩa là trong thương vụ này, số tiền Big C phải nộp cho Việt Nam ước tính khoảng 3.600 tỷ đồng.

Việc truy thu thuế của Big C bắt buộc phải làm như nhiều chuyên gia về thuế và kinh tế đã nêu ý kiến trước đó. Thậm chí như quan điểm quyết liệt của bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội tư vấn thuế là có thể nhờ tới sự can thiệp của Interpol để đòi khoản nợ xuyên quốc gia.

Theo Đình Phương

Cùng chuyên mục
XEM