Bộ công thương chỉ ra cách giúp doanh nghiệp Việt tăng xuất khẩu nhưng không tốn sức 'mang chuông đi đánh xứ người'
Để thúc đẩy xuất khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp, một giải pháp được Bộ công thương đang tích cực tăng cường là xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài có mặt tại Việt Nam.
Thêm hướng đi mới cho xuất khẩu
Trong một buổi hội thảo do Bộ công thương tổ chức, bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, thời gian gần đây nhiều doanh nghiệp Việt gặp trục trặc khi xuất hàng vào thị trường Mỹ. Điều này do nước này áp dụng Luật hiện đại hóa an toàn thực phẩm trong khi phía Việt Nam chưa nắm rõ thông tin, quy định.
Với các thị trường khác như EU, Ấn Độ hay Thái Lan để chen chân vào hệ thống chuỗi phân phối nội địa cũng không phải đơn giản và cần tiềm lực lớn. Theo giám đốc của một doanh nghiệp xuất khẩu hoa quả, nhu cầu nhập khẩu của Thái Lan là từ 1-2 container hàng và thường trả chậm từ 30-45 ngày chưa kể thời gian vận chuyển.
Vị này ước tính 1 container muốn xuất khẩu cần vốn từ 1-2 triệu USD và vòng quay vốn liên tục trong khi điều này khá khó với doanh nghiệp nhỏ. Ngoài ra để các sản phẩm Việt Nam có mặt ở hệ thống phân phối nước ngoài thường cần qua nhiều khâu trung gian khiến chi phí sản phẩm tăng cao đến người tiêu dùng.
Để thúc đẩy xuất khẩu và giảm chi phí cho doanh nghiệp, một giải pháp được Bộ công thương đang tích cực tăng cường là xuất khẩu trực tiếp vào hệ thống phân phối nước ngoài có mặt tại Việt Nam. Thậm chí Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tham gia các mạng phân phối nước ngoài đến 2020".
Đề án này hướng tới 3 mục tiêu lớn nhằm hỗ trợ tiếp cận mạng phân phối, tăng quy mô xuất khẩu, đa dạng chủng loại hàng xuất khẩu của Việt Nam bao gồm:
Thứ 1, đến năm 2020, hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu trực tiếp vào tất cả các hệ thống phân phối lớn tại khu vực châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam.
Thứ 2, tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp của các ngành hàng trong đề án như dệt may, giày dép, nông sản, cà phê, chè, thủy sản… tăng thêm 10-15%.
Thứ 3, mở rộng khả năng tiếp cận phân phối thêm 2-3 hệ thống và tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài tăng thêm 10-15% đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình.
Những kết quả bước đầu
Với mục tiêu đặt ra như trên, Bộ công thương tích cực phối hợp cùng các nhà phân phối lớn châu Á lẫn châu Âu như Casino (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức), Aeon (Nhật Bản), Central Group (Thái Lan),… và bước đầu đạt được những thành quả nhất định.
Theo chia sẻ của ông Nishitoghe Yasuo, tổng giám đốc Aeon Việt Nam chất lượng hàng hóa của các nhà cung cấp Việt Nam đang ngày càng được cải thiện so với trước đây. Hệ thống siêu thị này hiện chấp nhận hơn 1.600 nhà cung cấp nội địa.
Đơn vị này cũng tích cực xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam qua 14.000 cửa hàng tại châu Á và Nhật Bản. Năm 2016, Aeon đã nhập 200 triệu USD hàng hóa của Việt Nam để xuất đi các thị trường, trong đó riêng cá tra đạt tới 1.500 tấn, trị giá 9 triệu USD. Đây là mặt hàng được ưa chuộng bên cạnh hàng may mặc, giày dép.
Hay như tập đoàn Central Group sau khi mua lại chuỗi siêu thị Big C cũng đã thành lập công ty trực tiếp thu nua, xuất khẩu hàng Việt với giá trị 25 triệu USD qua thị trường châu Âu năm 2015.
Là những tín hiệu mừng nhưng để kênh xuất khẩu này ổn định, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước phải nâng cao năng lực từ sản xuất đến phân phối lẫn chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên với năng lực hạn chế điều này không dễ dàng với số đông doanh nghiệp nhỏ, mới gia nhập thị trường.
Một câu hỏi khác cũng được đặt ra là khi chính những doanh nghiệp nội địa của các chuỗi cung phân phối này cũng nhìn ra tiềm năng từ thị trường tiêu thụ lớn tới hơn 90 triệu dân như Việt Nam. Đơn cử như với đa phần người tiêu dùng Việt Nam đều đánh giá cao hàng Thái Lan.
Nhiều người khi nhắc đến hàng có xuất xứ từ đất nước này đều tán thành chất lượng tốt đi kèm với giá cả phải chăng. Điều này cũng lý giải vì sao hàng loạt cửa hàng tiêu dùng "Made in Thái Lan" nhanh chóng phát triển trong thời gian gần đây, thay thế cho trào lưu cửa hàng 10.000 đồng giá rẻ với nguồn gốc "Made in China". Tương tự với hiện tượng những cửa hàng "Made in Japan" liên tục khai trương tại Hà Nội trong 2 năm gần đây.
Xuất khẩu tại chỗ thông qua hệ thống siêu thị ngoại là một lựa chọn khôn ngoan nhưng các doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nhà hoạch định chính sách cũng cân nhắc cẩn trọng để không đánh mất ngay miếng bánh nội địa ngon vào chính tay kênh phân phối này.