Kết quả dịch tễ học thường không rõ ràng và tiền có thể phủ mờ khoa học nên các trường hợp rõ ràng rất hiếm. Tuy nhiên, một trong các trường hợp như thế xuất hiện một ngày năm 1984 ở Văn phòng của Harris Pastides, một phụ tá giáo sư của trường Đại học Massachusetts ở Amherst.
Sinh viên Cao học James Stewart, trợ lý của Pastides, phát hiện một số trường hợp sẩy thai trong nhà máy bán dẫn của Tập đoàn Digital Equipment ở Hudson, Massachusetts. Trong lĩnh vực công nghệ ở Mỹ, người lao động trong độ tuổi sinh đẻ chiếm 68%. Stewart biết rằng việc chế tạo chip liên quan tới hàng trăm hóa chất độc hại.
Phụ nữ phải làm việc trong cái gọi là phòng sạch và mặc những bộ quần áo bảo hộ. Tuy nhiên, đó là cách người ta bảo vệ những con chip chứ không phải bảo vệ con người. Các nữ công nhân bị phơi nhiễm và một trong số các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với hóa chất, bao gồm nhiều chất độc với quá trình sinh sản, đột biến và gây ung thư.
Các nguy cơ với khả năng sinh sản là một trong những mối quan ngại nghiêm trọng nhất khi con của một số công nhân bị dị tật bẩm sinh hoặc các loại bệnh khác trong khi bản thân người mẹ bị rối loạn khả năng sinh sản, đặc biệt là có nguy cơ ung thư cao sau khi phơi nhiễm một thời gian dài.
Digital Equipment đồng ý chi trả cho các hoạt động nghiên cứu và nhóm của Pastides đảm trách nhiệm vụ đó. Việc thu thập dữ liệu được hoàn tất cuối năm 1986 với kết quả vô cùng sốc: phụ nữ làm việc tại nhà máy này có tỷ lệ sẩy thai cao gấp đôi so với dự kiến. Tháng 11 cùng năm, công ty buộc phải thông báo kết quả nghiên cứu cho các công nhân và Hiệp hội ngành công nghiệp bán dẫn (SIA) trước khi công bố công khai. Pastides và các cộng sự được mô tả như những người hùng nhờ kết quả nghiên cứu này.
Ngay sau khi kết quả được công bố, SIA, đại diện cho những tên tuổi hàng đầu trong lĩnh vực bán dẫn ở Mỹ, bao gồm cả Intel, đã tới gặp Pastides trong một khách sạn gần sân bay quốc tế Bradley ở Windsor Locks, Connecticut. Đó là một ngày Chủ Nhật với trận đấu Super Bowl vào tháng 1/1987.
"Đó là ngày tôi không thể quên khi thấy mình như đang đứng giữa tòa án với bầu không khí thù địch bao trùm. Sau cuộc họp, hội đồng đã kết luận nghiên cứu của tôi có nhiều thiếu sót đáng kể. Tuy nhiên, áp lực từ công chúng buộc SIA phải tiếp tục tài trợ cho các công trình nghiên cứu chuyên sâu", Pastides nhớ lại.
Sau đó, các nhà khoa học thuộc Đại học California đã tiến hành một trong những nghiên cứu lớn nhất trong lịch sử về sức khỏe công nhân, bao gồm các hoạt động ở tất cả 14 công ty thành viên SIA với 42 nhà máy và 50.000 lao động. IBM từ chối tham gia cuộc nghiên cứu này nhưng thuê các chuyên gia Đại học Johns Hopkins tiến hành các kiểm tra độc lập.
Trong lĩnh vực dịch tễ học, các nghiên cứu sau thường gặp nhiều khó khăn hơn so với nghiên cứu trước nên kết quả thường mâu thuẫn. Tuy nhiên, tháng 12/1992, một sự việc hiếm có đã xảy ra. Cả ba nghiên cứu, vốn được tài trợ bởi các công ty trong ngành công nghiệp bán dẫn Mỹ, đều cho ra một kết quả giống nhau về tỷ lệ sẩy thai của phụ nữ trong môi trường bị phơi nhiễm.
Lần này, SIA buộc phải hành động nhanh chóng. Họ chỉ ra một loạt các hóa chất độc hại được gọi tắt là EGEs mà người ta sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp sản xuất chip và đổ lỗi chúng là nguyên nhân. Cùng với đó là nỗ lực loại bỏ những chất này khỏi quá trình sản xuất. Tuy nhiên, chỉ IBM có bước đi quyết liệt hơn khi tuyên bố sẽ loại bỏ hoàn toàn các hoạt động sản xuất chip vào năm 1995.
Pastides không chỉ bảo vệ thành công nghiên cứu của mình mà còn trở thành một trong những nhà nghiên cứu thành công nhất lịch sử y tế công cộng của Mỹ. Dù một số người vẫn tỏ ra hoài nghi nhưng kết quả của 3 nghiên cứu độc lập đã tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ với phụ nữ Mỹ. Tuy nhiên, Pastides không giúp được phụ nữ trên toàn thế giới.
Hơn 2 thập kỷ sau cuộc tranh cãi làm rúng động nước Mỹ, những câu chuyện tương tự lại xuất hiện ở bên kia thế giới, châu Á. Khi ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn được đưa tới các nước kém phát triển hơn, người ta chẳng còn nhớ tới những cam kết đã được thực hiện ở Mỹ hay chí ít là thực hiện cam kết một cách không đầy đủ.
Theo số liệu của Bloomberg, hàng nghìn phụ nữ và những đứa trẻ chưa sinh ở châu Á phải tiếp xúc với những chất độc từng làm rúng động nước Mỹ cho tới ít nhất là năm 2015. Một số có thể vẫn đang bị phơi nhiễm. Những bằng chứng riêng biệt cho thấy tác động tới sức khỏe sinh sản tiếp tục tồn tại trong nhiều thập kỷ.
Nguy cơ trở nên trầm trọng hơn bởi ngành công nghiệp bán dẫn ở châu Á có thể vẫn đang sử dụng EGEs. Đây là cái giá mà nhiều thế hệ phụ nữ phải trả trong quá trình tạo ra sản phẩm được coi là trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu.
Năm 2010, Kim Myoung-hee, một bác sĩ người Hàn Quốc, quyết định thôi chức trợ lý giáo sư tại một trường y khoa để điều hành một viện nghiên cứu nhỏ tại Seoul. Với Kim, một chuyên gia dịch tễ, đây là cơ hội tốt để dành nhiều thời gian hơn cho những nghiên cứu y tế công cộng mà bà từ theo đuổi khi còn là nghiên cứu sinh tại Harvard 5 năm trước.
Hóa chất EGEs đã bị ngừng sử dụng từ những năm 1990 khi bê bối làm rúng động cả phương Tây. Dẫu vậy, Kim vẫn cảm thấy điều gì đó không ổn, nhất là khi nghiên cứu phụ nữ trẻ Hàn Quốc làm việc trong các nhà máy sản xuất chip cho thấy họ thường gặp hiện tượng mất kinh, thậm chí là cả năm không có kinh nguyệt.
Giống như ở Mỹ, phụ nữ chiếm đa số trong ngành công nghiệp điện tử Hàn Quốc. Theo ước tính, có 120.000 người làm việc trong lĩnh vực này và chủ yếu đang trong độ tuổi sinh đẻ. Thậm chí, họ được tuyển dụng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính vì thế, Kim và một đồng nghiệp đã quyết định tiến hành nghiên cứu về sức khỏe sinh sản. Tuy nhiên, họ cũng gặp phải thách thức giống như các đồng nghiệp Mỹ từng phải đương đầu: sự thiếu hợp tác của các công ty.
Năm 2013, Kim và cộng sự thuyết phục thành công một thành viên của Nghị viện Hàn Quốc trong việc đưa ra số liệu thống kê y tế quốc gia. Họ có trong tay các hồ sơ hoàn trả chi phí y tế trong 5 năm tới năm 2012 với các phụ nữ đang trong độ tuổi sinh đẻ làm việc trong 3 công ty điện tử lớn nhất Hàn Quốc là Samsung, SK Hynix và LG. Lao động của Samsung và SK Hynix chiếm đa số trong chương trình nghiên cứu vì từ lâu, đây đã là những tên tuổi sản xuất chip hàng đầu thế giới.
Kết quả thống kê cho thấy một sự thật không thể chối cãi và gây sốc. Giống như những gì Pastides phát hiện gần 3 thập kỷ trước, tỷ lệ sẩy thai trong các nhà máy ở Hàn Quốc cao tương tự như ở Mỹ gần 3 thập niên trước. Thậm chí, những số liệu này còn chưa phản ánh hết những gì đang diễn ra bởi nhiều phụ nữ sẩy thai nhưng không tìm đến bác sĩ và công nhân trực tiếp sản xuất không được tách biệt với những phụ nữ làm việc văn phòng.
"Đây không phải kết quả tôi mong đợi", Kim nói trong đau sót. "Kết luật của chúng tôi được rút ra từ 3 công ty lớn nhất Hàn Quốc trong lĩnh vực này. Với những công ty nhỏ hơn hay những công nhân ở những nước đang phát triển, nguy cơ có thể cao hơn".
Năm 2009, các nhà khoa học Hàn Quốc thử nghiệm tổng cộng 10 mẫu thử ngẫu nhiên lấy từ máy quang phổ của Samsung và SK Hynix. Kết quả cho thấy 6/10 mẫu chứa EGEs, trong đó hai mẫu có nồng độ cực cao hóa chất có tên 2-ME, được lấy từ cả nhà máy của Samsung và SK Hynix. Dù các nhà khoa học Hàn Quốc không ghi lại tên của công ty cung cấp những sản phẩm này nhưng những so sánh sau đó cho thấy chúng đều có nguồn gốc từ Tập đoàn Hóa chất Shin-Etsu tại Tokyo.
Samsung và SK Hynix không phải những khách hàng duy nhất của Shin-Etsu. Công ty này sản xuất khoảng 1/3 lượng hóa chất được dùng cho ngành công nghiệp sản xuất chip trên toàn thế giới. Điều đó có thể cho thấy loại hóa chất độc hại có thể được dùng cho các nhà máy bán dẫn nằm khắp châu Á, bao gồm các công ty ở Trung Quốc trong suốt nhiều năm qua.
Tetsuya Koishikawa, người phát ngôn của Shin-Etsu, ban đầu từ chối thảo luận về việc các chất hóa học trong sản phẩm của mình hoặc các vấn đề liên quan tới sức khỏe của công nhân trong các nhà máy khách hàng. Trong bản báo cáo tiếp theo, Koishikawa tuyên bố công ty chưa bao giờ sử dụng 2-ME trong hóa chất quang phổ.
Vào năm 2015, các nhà khoa học Hàn Quốc tiếp tục theo dõi và mở rộng thử nghiệm với các chất quang phổ. Tuy nhiên, kết quả lần này cho thấy không còn 2-ME trong chất quang phổ được sử dụng bởi Samsung và SK Hynix. Tuy nhiên, kết quả kiểm nghiệm ở các công ty nhỏ hơn cho thấy vẫn tồn tại loại hóa chất này.
SK Hynix từ chối bình luận về thông tin 2-ME xuất hiện trong đợt kiểm nghiệm năm 2009 trong khi Samsung thì chắc chắn chất cấm đã bị loại bỏ hoàn toàn khỏi các hoạt động sản xuất từ năm 2011. Đây là mốc thời gian được lưu trữ trong hồ sơ còn Ben Suh, người phát ngôn Samsung, nhấn mạnh quá trình này được triển khai từ trước đó. Phía Samsung cũng biết thông tin 2-ME được phát hiện trong các nhà máy của hãng trong đợt thử nghiệm năm 2009 nhưng từ chối cung cấp thêm thông tin.
Tuy nhiên, 2-ME vẫn xuất hiện trong những nhà máy sản xuất chip nhỏ hơn vào năm 2015. Trong những năm gần đây, những ông lớn trong lĩnh vực sản xuất chất bán dẫn đã tự động hóa nhiều bước quan trọng trong quá trình chế tạo vi mạch nhằm tăng cường sản xuất và doanh thu. Điều này làm giảm, dù không loại bỏ, việc sử dụng hóa chất trong các nhà máy, dẫn tới giảm nguy cơ tiếp xúc và phơi nhiễm.
Trong khi đó, sản xuất tại các nhà máy quy mô nhỏ, lạc hậu không có gì thay đổi. Là loại chất giá rẻ, hiệu quả cao và sẵn có, chúng được những công ty nhỏ tận dụng triệt để. Điều đó đồng nghĩa với hàng nghìn phụ nữ trên khắp châu Á vẫn có nguy cơ tiếp xúc với những loại hóa chất độc hại này.
Dường như, những gì mà Samsung và SK Hynix đang thực hiện giống những công ty Mỹ đã làm trong giai đoạn khủng hoảng giữa những năm 1990. Sau khi tuyên bố đoạn tuyệt với hóa chất độc hại năm 1995, IBM đã ký hợp đồng sản xuất hàng loạt với hai công ty khác là Samsung và SK Hynix. Dù phía IBM im lặng về thỏa thuận này nhưng phía Samsung và SK Hynix đã tiết lộ cho báo giới Hàn Quốc về hợp đồng trị giá khoảng 165 tỷ USD này.
Sau các hợp đồng mua chip từ Hàn Quốc, IBM đã cắt giảm các hoạt động sản xuất tại ít nhất một trong các nhà máy của mình, nơi Correa và các đồng nghiệp của ông phát hiện tỷ lệ sẩy thai cao. Các thành viên khác của Hiệp hội Bán dẫn Mỹ như Motorola, Texas Instruments và HP cũng tìm đường tới Hàn Quốc không lâu sau đó.
Năm 1996, Intel chính thức tham gia đội quân này bằng việc mua chip Pentium từ Hàn Quốc, sản phẩm nhanh chóng thống trị cả thế giới máy tính trong giai đoạn đó. Ở thời điểm này, các công ty Hàn Quốc vẫn sử dụng các hóa chất độc hại để tạo ra những con chip vì chúng mới chỉ bị cấm cửa tại Mỹ. Người phát ngôn Samsung từ chối bình luận về việc IBM hay các khách hàng Mỹ chủ động yêu cầu nhà sản xuất phải đảm bảo sức khỏe cho người lao động.
Trong hai thập kỷ qua, Samsung và SK Hynix thống trị thị trường sản xuất chip toàn cầu. Năm 2015, họ chiếm tới 74% thị phần. Chip của họ hiện đang được dùng cho điện thoại iPhone, Android, máy tính xách tay, ô tô và ti vi cũng như các trò chơi công nghệ khác. Không ngoa khi nói rằng hầu hết mọi người trên thế giới đều sử dụng ít nhất một sản phẩm được tạo ra nhờ các công nhân của Samsung hoặc SK Hynix.
Dù xuất khẩu được những cái chết tiềm năng ra nước ngoài nhưng những công ty Mỹ vẫn không tránh khỏi các vụ kiện tại quê nhà, với một số vụ kiện vẫn còn dai dẳng đến ngày nay. Từ thời điểm IBM bị kiện năm 1997 tới nay, hơn 20 công ty công nghệ và hóa chất đã phải hầu tòa trong ít nhất 66 vụ kiện dân sự riêng lẻ trên toàn nước Mỹ, với một số nguyên đơn bị ung thư và ít nhất 136 trẻ em bị dị tật do mẹ tiếp xúc với hóa chất.
Những trường hợp khởi kiện quá ít được cho là không phản ánh đúng thực trạng đã xảy ra ở Mỹ. Theo các nhà quan sát, nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc bưng bít thông tin, trong đó không tạp chí chuyên ngành nào đăng kết quả nghiên cứu về hóa chất trong các nhà máy sản xuất chip tác động tới sức khỏe con người, đặc biệt là phụ nữ và con của họ.
Với những nước như Hàn Quốc, thông tin về sự việc này lại càng ít, khiến công nhân không lường trước được rủi ro họ phải đối mặt. Thậm chí, ngay cả các nhà sản xuất chip cũng không biết mình đang dùng cái gì để sản xuất. Năm 2015, SK Hynix phải thuê một nhóm chuyên gia để đánh giá mức độ nguy hại ở hai trong số các nhà máy của họ. Kết quả nghiên cứu được công khai bằng tiếng Hàn nhưng nhiều phát hiện vẫn bị giữ kín.
Trong phần nghiên cứu mà Bloomberg tiếp cận được cho thấy 430 loại hóa chất khác nhau được sử dụng, trong đó có tới 130 loại bị coi là nguy hiểm. Chúng được gọi với cái tên CMR, viết tắt của các loại hóa chất gây ung thư, gây đột biến hay làm tổn hại quá trình sinh sản. Những người lao động tiếp xúc với các loại hóa chất này phải trải qua các cuộc kiểm tra sức khỏe đặc biệt để xác định mức độ ảnh hưởng.
Các công ty sản xuất và phân phối các loại hóa chất này không tiết lộ công thức độc quyền mà họ sử dụng. Núp dưới cái gọi là "bí mật thương mại", hóa chất độc hại tiếp tục xuất hiện trong các nhà máy mà người lao động hoàn toàn không biết tới mối nguy mà họ đang phải đối mặt. Việc theo dõi sức khỏe người lao động cũng gặp nhiều khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi.
Trong một thập niên qua, nhận thức của người Hàn Quốc về những nguy hiểm họ phải đối mặt đã tăng lên. Tuy nhiên, trong phần lớn thời gian đó, gã khổng lồ Samsung tiến hành cuộc chiến cay đắng và công khai với gia đình những công nhân thiệt mạng hoặc bị bệnh. Samsung chi tiền thuê những luật sư hàng đầu Hàn Quốc để thắng trong các vụ kiện đòi bồi thường cho công nhân.
Tuy nhiên, Samsung đã thất bại. Các nhà quản lý Hàn Quốc bí mật ghi lại việc công ty trả tiền cho gia đình các nạn nhân để đổi lấy sự im lặng. Đến năm 2014, người dân Hàn Quốc và thế giới đổ dồn sự chú ý vào thực trạng đang diễn ra nhờ bộ phim truyền hình mang tên Another Promise (Một lời hứa khác). Chính phủ Hàn Quốc ngừng bồi thường cho các nạn nhân của Samsung trong khi tòa án tuyên phần thắng về nhiều nạn nhân trong các vụ kiện. Cuối cùng, Samsung phải công khai xin lỗi về cách họ đối xử với gia đình những công nhân xấu số.
Dù cả Samsung và SK Hynix vẫn liên tiếp phủ nhận những cáo buộc nhưng từ năm ngoái, họ đã bắt đầu bồi thường cho các công nhân mắc bệnh hoặc gia đình những người đã mất. Samsung lập một ủy ban ngoài công ty để theo dõi sức khỏe và an toàn cho người lao động. Đại diện của Samsung khẳng định, quan điểm của công ty về vấn đề này đã thay đổi hoàn toàn so với vài năm trước.
Tuy nhiên, Samsung và SK Hynix lại chưa nhất quán trong việc trả tiền bồi thường với những tác động về sức khỏe sinh sản và những nguy cơ khác cho người lao động. Họ chỉ trả tiền cho những phụ nữ sẩy thai và vô sinh vẫn đang còn làm việc cho công ty.
Căn hộ chung cư ở phía nam Seoul là nơi ở của gia đinh Kim Mi-Yeon, 38 tuổi, người bắt đầu làm việc cho Samsung năm 1997, chỉ một tuần sau khi cô tốt nghiệp phổ thông. Kim là nhân viên sản xuất trong phòng kiểm nghiệm và đóng gói, vì thế công việc của cô không phải tiếp xúc trực tiếp với các loại hóa chất độc hại. Tuy nhiên, cô thường xuyên phải làm việc với những phụ nữ trong phòng sạch, nơi tạo ra những con chip.
10 năm sau, Kim kết hôn với một công nhân khác mà cô gặp ở Samsung. Họ cố gắng vun đắp một gia đình nhưng Kim không thể có thai. Tháng 8/2008, bác sĩ cho rằng Kim gần như bị vô sinh. Các biện pháp hỗ trợ thụ thai cũng thất bại, bao gồm cả việc thụ tinh trong ống nghiệm. Tháng 3/2012, bác sĩ phát hiện sự đột biến trong tử cung của Kim. Trải qua những đợt phẫu thuật và xạ trị nhưng Kim từ chối cắt bỏ tử cung.
Vài tháng sau, Kim bỏ việc ở Samsung sau 15 năm gắn bó. Cô cũng nộp đơn vào danh sách yêu cầu bồi thường của các công nhân. Tháng 3 vừa qua, sau 5 năm chờ đợi, chính phủ Hàn Quốc chính thức công nhận Kim là công nhân làm việc trong ngành bán dẫn đầu tiên mắc bệnh nghề nghiệp liên quan tới sức khỏe sinh sản.
Tuy nhiên, không thể ước tính có bao nhiêu trường hợp như Kim ở Hàn Quốc và trên thế giới. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn cho thấy chỉ riêng ở Hàn Quốc đã có 120.000 phụ nữ lao động chính trong ngành này, chưa kể tới lao động thời vụ hoặc làm việc trong các nhà thầu phụ. Ngoài ra, có những công nhân sản xuất trực tiếp phải làm những công việc khác, tăng nguy cơ phơi nhiễm cho những người xung quanh.
Đáng buồn, phụ nữ cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng với ngành này ở Đài Loan, Trung Quốc, Singapore và Malaysia.
Trí thức trẻ