Đây là bí quyết giúp Trung Quốc trở thành cường quốc xuất khẩu, và nó không giống những gì Tổng thống Trump nghĩ
Tổng thống Donald Trump có quan điểm cho rằng nước Mỹ đang nhập khẩu quá nhiều và thâm hụt thương mại với nhiều đối tác kinh tế. Bởi vậy, vị lãnh đạo Nhà Trắng cho biết sẽ lập hàng rào thuế quan với một số nước, đặc biệt là Đức khi ông cho rằng họ xuất khẩu quá nhiều xe hơi sang Mỹ.
Nội các của Tổng thống Trump cũng đã thực hiện một số cuộc điều tra xem liệu Mỹ có nên ban hành các quy định nhằm giới hạn những sản phẩm như thép, tấm pin năng lượng mặt trời, dập ghim… từ những nước như Trung Quốc hay không.
Mục tiêu của Tổng thống Trump là hạ mức thâm hụt thương mại 502 tỷ USD bằng cách giảm nhập khẩu cho tương ứng với xuất khẩu. Dẫu vậy, nhiều chuyên gia cho rằng thay vì tìm cách hạ nhập khẩu, ông Trump nên chú trọng vào việc tăng xuất khẩu.
Báo cáo của Tổng cục hải quan Mỹ (NBE) cho thấy Trung Quốc trở thành nhà xuất khẩu lớn trên thế giới là nhờ họ nhập khẩu nhiều hơn chứ không ít đi.
Nhập tốt, Xuất khỏe
Kể từ khi gia nhập Tổ chức thương mại quốc tế (WTO) vào năm 2001, xuất khẩu của Trung Quốc đến những thị trường như Mỹ bắt đầu tăng. Những mặt hàng giá rẻ của Trung Quốc đã khiến giá cả hàng hóa tại Mỹ rẻ hơn khoảng 7,6% trong khoảng 2000-2006. Tất nhiên, việc tràn ngập hàng hóa Trung Quốc giá rẻ khiến nhiều công ty không thể cạnh tranh và đây là luận điểm của Tổng thống Trump cho ý định nâng hàng rào thuế quan.
Dẫu vậy, trên thực tế Mỹ không hề hạ hàng rào thuế quan với Trung Quốc kể cả khi nước này đã gia nhập WTO. Báo cáo của NBE cho thấy mức thuế quan hàng Trung Quốc vào Mỹ không khác mấy so với năm 1980. Điều khác biệt ở đây là Mỹ tuyên bố bình thường thương mại với Trung Quốc để có thể giữ hàng rào thương mại tự động mà không phải mất thời gian gia hạn hàng năm.
Như vậy, nếu không phải do hàng rào thuế quan của Mỹ giảm đã thúc đẩy hàng hóa Trung Quốc thì điều gì đã làm nên sự bùng nổ của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới?
Nhập khẩu của Trung Quốc nhiều không kém xuất khẩu (nghìn tỷ USD)
Báo cáo của NBE cho thấy chính việc giảm hàng rào thuế quan nhập khẩu của Trung Quốc đã khiến nước này trở thành một cường quốc xuất khẩu. Nhờ đầu vào giảm mà các nhà máy sản xuất trong nước của Trung Quốc được lợi và giảm chi phí sản xuất, qua đó giảm giá sản phẩm xuất khẩu.
Hơn nữa, việc nhập các kỹ thuật mới, những tài nguyên với giá rẻ hơn khiến các nhà máy tại Trung Quốc hoạt động hiệu quả hơn cũng như có lợi thế cạnh tranh hơn tại nước ngoài. Những doanh nghiệp trước đây không có khả năng thì giờ đã đủ sức để cạnh tranh trên thị trường Mỹ.
Nói ngắn gọn, gia tăng nhập khẩu cho sản xuất sẽ thúc đẩy xuất khẩu.
Nghiên cứu của NBE cho thấy việc Trung Quốc hạ hàng rào thuế quan nhập khẩu chiếm phần lớn trong số 7,6% giảm giá hàng hóa tại Mỹ. Thêm vào đó, việc Trung Quốc gia nhập WTO khiến Mỹ có thể áp đặt hàng rào thuế quan dài hạn thay vì gia hạn từng năm, qua đó giúp các doanh nghiệp Châu Á này có thể định hướng sản xuất được dài hơi hơn trước.
Tất nhiên, không chỉ có giảm thuế nhập khẩu, NBE cũng thừa nhận việc Trung Quốc có lực lượng lao động giá rẻ dồi dào cùng chính sách giảm giá đồng Nhân dân tệ đã giúp quốc gia này có thặng dư thương mại.
Ngoài ra, NBR cũng cho rằng việc giảm thuế nhập khẩu sẽ khiến các công ty sản xuất được lợi nhưng những doanh nghiệp kinh doanh đầu vào cho các nhà máy này lại chịu thiệt. Bởi vậy, chính phủ cần cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định bảo hộ cho bất kỳ ngành nào.
Ví dụ như ngành thép, việc nâng thuế thép nhập khẩu từ Trung Quốc có thể bảo hộ công nhân ngành này nhưng sẽ khiến 60 ngành khác cần sử dụng thép làm nguyên liệu chịu thiệt do họ phải mua với giá đắt hơn.
Thậm chí một nghiên cứu năm 2015 của Viện Brookings cho thấy những mặt hàng thiết bị, nguyên liệu cho sản xuất chiếm tới 43% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Thậm chí, 28% những mặt hàng Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc cũng là nguyên liệu hoặc thiết bị cho sản xuất. Con số này là 50% cho nhập khẩu từ Canada và Mexico, là 37% cho nhập khẩu từ Châu Âu.
Do đó, việc tăng thuế nhập khẩu vô hình chung khiến mặt hàng Mỹ đắt hơn và kém cạnh tranh hơn trên thị trường, qua đó tác động xấu ngược lại xuất khẩu.
Nhập khẩu hàng hóa nguyên liệu, thiết bị sản xuất của Mỹ từ các thị trường năm 2015 (%)
Gậy ông đập lưng ông
Số liệu của Trade Partnership Worldwide (TPW) cho thấy vào năm 2002, Tổng thống Mỹ George Bush khi đó đã tăng thuế thép nhập khẩu từ 8% lên 30% và khiến khoảng 200.000 người Mỹ mất việc trong những ngành cần sử dụng nguyên liệu thép, một con số cao hơn rất nhiều so với 187.500 lao động trong ngành thép đang được bảo hộ khi đó.
Mặc dù hàng rào thuế quan này đã được điều chỉnh lại 18 tháng sau đó nhưng báo cáo của TPW cho thấy chính quyết định tăng thuế của Mỹ là nguyên nhân khiến nhiều người mất việc làm, một kết quả mà ông Trump không hề muốn hiện nay.
Nhìn vào mối quan hệ giữa Mỹ và Canada, Mexico, những thành viên của Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA), tình hình còn rõ ràng hơn. Một nửa hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ các nước này là những nguyên liệu, thiết bị cho sản xuất bảng mạch điện cho sản xuất xe hơi tại Mỹ, nguyên liệu đường cho sản xuất bánh kẹo hay thép cho sản xuất ô tô.
Hàng năm, những bang lớn tại Mỹ như Texas, Illinois, New York, Ohio, Washington… nhập khẩu hơn 15 tỷ USD hàng hóa nguyên vật liệu, thiết bị cho sản xuất và việc nâng hàng rào thuế quan sẽ khiến các bang này chịu thiệt hại nặng.
Bởi vậy, không có gì là khó hiểu khi ngành sản xuất kẹo và ô tô phàn nàn việc Tổng thống Trump có ý định đàm phán lại hiệp định NAFTA bởi chúng ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.