Biến chứng khủng khiếp với cơ thể khi bạn ngủ trưa quá 1h theo lời chuyên gia Nhật Bản
Ngủ trưa giữa các buổi làm việc là một việc nên làm. Nhưng nếu ngủ quá nhiều thì không hề ổn, vì hậu quả đem lại có thể khiến cơ thể khóc thét.
Khoa học vẫn khuyên rằng chúng ta nên có khoảng nghỉ ngơi chợp mắt giữa 2 buổi làm việc, vì điều đó đem lại lợi ích không thể chối cãi.
Chưa tính đến sự tỉnh táo, một giấc ngủ vào ban trưa hoàn toàn có thể giúp bạn cải thiện sức khỏe, thậm chí làm tăng tuổi thọ.
Tuy nhiên, cái gì quá nhiều cũng đều không tốt, và ngủ trưa cũng không ngoại lệ. Vấn đề ở đây là con số "không tốt" ấy chính xác là bao nhiêu? Bằng một nghiên cứu quy mô lớn, các chuyên gia từ ĐH Tokyo đã giải đáp được câu hỏi ấy.
Cụ thể, các chuyên gia lấy số liệu từ hơn 200 nghiên cứu, trên 261.000 ứng viên và đưa ra được một kết luận: ngủ trưa nhiều hơn 1h đồng hồ sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Theo đó, người ngủ trưa nhiều hơn 1h có nguy cơ mắc tiểu đường cao hơn 46%. Nếu như ngủ một giấc trưa kéo dài vài tiếng, con số có thể tăng lên 56%.
"Ngủ trưa nhiều làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường type 2, nhưng với những giấc ngủ dưới 1h thì không có vấn đề." - trích lời tiến sĩ Tomohide, tác giả của nghiên cứu.
"Ngủ trưa lâu thường là hệ quả từ việc ngủ không ngon giấc vào ban đêm. Việc này xuất phát từ một số nguyên nhân khác nhau, như bị nghẹt thở khi ngủ. Theo giải phẫu học, nghẹt thở khi ngủ có thể gây tắc nghẽn cục bộ tại động mạch tim, trụy tim, tai biến, thậm chí tử vong."
"Quan trọng hơn, ngủ không ngon giấc vào buổi đêm có thể khiến cơ thể bị trì trệ sau đó. Chúng ta sẽ mệt mỏi hơn, mất phương hướng, cuối cùng là ngủ trưa nhiều."
Một số thống kê tại Anh cho biết, có khoảng 3,9 triệu người mắc tiểu đường, trong đó ít nhất 600.000 người còn chưa được chẩn đoán. So với năm 2005, con số này đã tăng tới hơn 60%.
Theo tiến sĩ, nghiên cứu không nhằm mục đích bắt bạn không được ngủ trưa. Ông cho biết, việc nghỉ trưa trong khoảng cho phép - tức là 30 phút - 1h hoặc ít hơn - có thể tăng sức tập trung và phản xạ một cách đáng kể. Vậy nên, chúng ta nên xây dựng một thói quen ngủ nghỉ khoa học hơn, nhằm tối ưu hóa lợi ích của việc ngủ trưa.
Nguồn: Telegraph