Bí quyết tuyển dụng của Morris Chang, người đàn ông biến công nghiệp bán dẫn thành "ngành tỷ phú": Tài năng đến mấy mà nói với tôi câu này, đừng mơ có cơ hội!
Vị tỷ phú châu Á có một câu hỏi ưa thích khi tuyển dụng những vị trí quản lý cấp cao và chính nhờ câu hỏi đó, ông may mắn sở hữu nền tảng nhân sự tuyệt vời.
Morris Chang là một doanh nhân người Mỹ ở Đài Loan và là người sáng lập, cũng như cựu Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Công ty Taiwan Semiconductor Manufacturing (TSMC), nhà máy sản xuất vi mạch chất bán dẫn đầu tiên và lớn nhất trên thế giới. Vị tỷ phú được biết đến như người sáng lập ngành công nghiệp bán dẫn của Đài Loan, cũng góp phần tạo ra một thế kỷ của những nhà lãnh đạo hàng đầu trong ngành công nghiệp, đưa nền kinh tế Đài Loan phát triển vượt bậc.
Morris Chang sinh năm 1931 tại một thành phố ven biển Trung Quốc là Ninh Ba. Sau này, ông được tới Harvard và rồi là MIT để học chuyên ngành kỹ sư máy móc, được cử đi học Tiến sỹ tại Stanford trước khi quay lại quê nhà và trở thành Chủ tịch nhà sản xuất chip toàn cầu của chính mình. Hiện nay, giá trị thực tế con người ông đã lên tới hơn 1 tỷ đô la Mỹ, theo Bloomberg News.
25 năm đi làm thuê, đến tận 50 tuổi mới bắt đầu khởi nghiệp nhưng Morris Chang đã biến công ty thành đế chế hơn 90 tỷ USD trong 30 năm. Để làm nên thành công này không chỉ có công sức của một mình vị doanh nhân tài ba mà còn phải kể tới đóng góp của gần 50 ngàn công nhân viên của TSMC. Chính vì vậy, tại Công ty TNHH chế tạo chất bán dẫn Đài Loan, tiêu chuẩn tuyển dụng luôn được đánh giá kỹ càng và khắt khe từ quá trình sàng lọc, đào tạo cơ bản tới chất lượng nhân sự để thu được những giá trị tốt nhất.
Trong một buổi nói chuyện, khi bàn về chủ đề "Thế hệ mới, nhân tài mới", nhà sáng lập công ty TSMC từng cho biết rằng, câu hỏi tiêu chuẩn ông thích dùng nhất khi phỏng vấn vị trí giám đốc điều hành cấp cao là "Tại sao anh/chị đến với công ty chúng tôi?"
Và với câu hỏi như vậy, câu trả lời mà ông không muốn nghe nhất chính là "Tôi cảm thấy công ty của mình có rất nhiều không gian và cơ hội để học tập."
Rotary Club, một tổ chức dịch vụ quốc tế tập hợp các nhà lãnh đạo kinh doanh chuyên nghiệp, cho biết rằng, Morris Chang cực kỳ không thích khi nghe câu trả lời như vậy. Vị tỷ phú giải thích: "Nếu tôi trả tiền thuê bạn làm việc, đương nhiên tôi muốn bạn phải làm việc và đóng góp thêm cho công ty, chứ không phải tới công ty để học tập." Mà để ngồi vào vị trí giám đốc điều hành cấp cao, một người ít nhất phải có vài chục năm kinh nghiệm, ở độ tuổi 40 hoặc 50 trở lên. Đó không còn là thời điểm để học hỏi nữa mà cần phải cống hiến giá trị cho tập thể nhiều hơn. Chính vì thế, câu trả lời phù hợp nhất cho tình huống này mà ứng cử viên nên đưa ra là "Tôi nghĩ mình sẽ có rất nhiều cơ hội để đóng góp cho TSMC."
"Without strategy, execution is aimless, without execution, strategy is useless." - Morris Chang
Đương nhiên, đó không phải là câu hỏi kết thúc buổi phỏng vấn. Ứng viên đó sẽ phải tiếp tục trình bày cụ thể hơn về những phương hướng và lĩnh vực mà anh ta có thể đóng góp là gì, anh ta sẽ triển khai mọi thứ ra sao, điều hành công việc như thế nào để đưa công ty ngày một phát triển hơn...
Tuy nhiên, tỷ phú Morris Chang không phủ nhận nhu cầu cần thiết của quá trình học hỏi trong công việc. Trong buổi nói chuyện của mình, ông đã đề cập tới tầm ảnh hưởng quan trọng của khoa học và công nghệ đến sự tiến bộ của kỷ nguyên mới ngày nay. Theo đà phát triển của thế giới nói chung và quốc gia nói riêng, trình độ giáo dục, thông tin và tri thức đang ngày càng phổ cập đến mức độ cao hơn. Nền kinh tế ngày một mang tính cạnh tranh. Do đó, con người sống trong thời đại này không chỉ cần có giáo dục, có bằng cấp, có tri thức nữa, mà phải luôn luôn xây dựng cho mình một quá trình tự rèn luyện "Có hệ thống - Có kế hoạch - Có kỷ luật." Phải không ngừng tiếp thu thông tin, chuyển hóa thành tri thức, sau đó cô đọng thành năng lực của riêng mình thì mới có thể không ngừng đổi mới bản thân, bắt kịp xã hội.
Theo tốc độ phát triển ngày này, người trẻ cần phải trưởng thành sớm hơn, rồi sẽ đạt được thành công sớm hơn, khác với thế hệ của chính ông. "Nếu đến năm 30 tuổi, đã làm việc hơn 5 năm mà vẫn chưa đạt được một thành tựu nào nổi bật thì không hay; nếu đến năm 40 tuổi mà vẫn chỉ là một nhân viên bình thường thì lại cực kỳ không tốt." Chính vì vậy, quá trình không ngừng rèn luyện, nâng cao năng lực của bản thân ngày càng trở nên quan trọng để đạt được thăng tiến trên con đường sự nghiệp.