Khi Trung Quốc khát lừa: Tại sao một loài động vật dùng để kéo xe ở Châu Phi lại đến bên bờ tuyệt chủng vì ngành kinh doanh 7 tỷ USD?
Nhu cầu của 1,4 tỷ dân Trung Quốc, chiếm 1/5 dân số thế giới không chỉ có thể thúc đẩy nền kinh tế cả một quốc gia mà còn hủy diệt được cả một giống loài.
Theo tờ Nikkei Asian Review, năm vừa qua là khoảng thời gian khó khăn cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc nhưng lại là thời điểm ăn nên làm ra của các công ty thuốc đông y như Dong E E Jiao.
Lợi nhuận ròng thường niên của Dong E đã tăng 77,1% lên 780 triệu Nhân dân tệ, tương đương 113,44 triệu USD trong năm 2022.
Thế nhưng Dong E lại đang khá lo lắng vì một trong những nguyên liệu chủ chốt làm thuốc đông y là cao da lừa lại đang khan hàng, trong khi đây lại là thứ thuốc không thể thiếu cho sản phẩm thương hiệu “Ejiao” (Cao da lừa trong tiếng Trung) của hãng.
Theo quảng cáo, Ejiao vừa có thể làm thuốc vừa có thể làm thực phẩm chức năng. Chúng được đựng trong chai dưới dạng lọ uống, có tác dụng tăng cường khí huyết, cải thiện sức đề kháng, dễ đi vào giấc ngủ và thậm chí là làm chậm quá trình lão hóa.
Dù chưa rõ công hiệu của "thần dược" này đến đâu nhưng những hãng như Dong E cùng vô số doanh nghiệp khác trong ngành đang điên cuồng gia tăng sản lượng thuốc đông y trong bối cảnh người dân Trung Quốc săn lùng các biện pháp chăm sóc sức khỏe phòng chống dịch bệnh.
Thậm chí, cảnh sát tại Kenyan-Trung Quốc đã bắt 2 vụ giết lừa bất hợp pháp trước tình trạng nhu cầu gia tăng mạnh.
Để đối phó với tình hình này, người Trung Quốc bắt đầu nhìn sang Châu Phi, nơi những chú lừa được chăn thả bừa bãi và chỉ là loài động vật dùng để kéo xe.
Khát lừa
Năm 1990, khi sản phẩm cao da lừa bắt đầu được gắn nhãn mác để thương mại hóa thì Trung Quốc vẫn là nơi có nhiều lừa nhất trên thế giới. Tại thời điểm đó, bình quân mỗi năm quốc gia này tiêu thụ khoảng 400.000 tấm da lừa để nấu cao.
Tuy nhiên với đà gia tăng thu nhập khi kinh tế đi lên, người dân thì ngày một già đi và cũng sợ chết hơn đã khiến cơn khát lừa bùng nổ. Tờ Nikkei cho biết rất nhiều người mua bảo hiểm sức khỏe có bao gồm cả những dược phẩm như cao da lừa vào trong đó.
Thế rồi những bộ phim cung đấu năm 2011, nơi các phi tần, cung nữ tranh giành nhau quyền được dùng cao da lừa làm thuốc bổ càng khiến xu thế này tăng mạnh trong giới trung lưu.
Số liệu của Hiệp hội sản xuất cao da lừa Shandong (SEIA), doanh số thường niên của sản phẩm này đã lên đến 53,5 tỷ Nhân dân tệ (7 tỷ USD) vào năm 2020, cao hơn nhiều so với 19,6 tỷ Nhân dân tệ năm 2013. Mức giá bình quân của cao da lừa hiện nay tại Trung Quốc vào khoảng 780 USD/kg, tùy thuộc vào phẩm chất, xuất xứ cũng như thương hiệu.
Hiện nay Trung Quốc tiêu thụ khoảng 5 triệu tấm da lừa mỗi năm dù loài động vật này chỉ có khoảng 50 triệu con trên toàn cầu. Mỗi con lừa mẹ chỉ đẻ được khoảng 2 con trong suốt vòng đời và không phải lúc nào cũng sinh sản thành công.
Hậu quả là kể từ năm 2010, những nhà máy sản xuất cao lừa tại Shandong đã lâm vào tình cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng trong khi nguồn cung thì ngày một lớn.
Trước tình hình đó, Trung Quốc bắt đầu phụ thuộc nhiều hơn vào lừa nhập khẩu từ Châu Phi, vốn hiện đã vượt qua nền kinh tế số 2 thế giới để trở thành nơi có nhiều lừa nhất toàn cầu. Nhiều ước tính cho thấy châu lục này đang là ngôi nhà của 2/3 tổng số lừa hiện nay trên toàn thế giới.
Tuyệt chủng
Với nhu cầu nhập khẩu lừa cao từ Trung Quốc, loài động vật chuyên dùng để kéo xe ở Châu Phi này đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Tổ chức bảo vệ động vật Donkey Sanctuary cho biết 1/3 số da lừa xuất khẩu từ Châu Phi đến Trung Quốc hàng năm là phạm pháp, hoặc từ những con lừa ăn cắp.
Tờ Nikkei thậm chí nhận định với đà tiêu thụ ngày càng tăng như hiện nay thì Châu Phi sẽ sạch bóng lừa chỉ trong 10 năm tới, chấm dứt lịch sử tồn tại 7.000 năm của loài động vật trên tại châu lục này.
Năm 1996, Châu Phi có khoảng 210.000 chú lừa thì đến năm 2019, con số này đã giảm mạnh xuống chỉ còn 146.000 con.
Điều trớ trêu là với mức sống thấp cùng tình trạng đói nghèo, trong khi giá da lừa tăng cao khiến nhiều người dân Châu Phi chấp nhận xẻ thịt loài động vật này để bán dù chúng là công cụ kéo xe hiếm hoi cho khu vực nghèo nàn này.
Thậm chí tình trạng ăn cắp lừa để mổ thịt cũng gia tăng. Tờ Nikkei cho biết do quá nghèo nên các hộ gia đình mất lừa tại Châu Phi buộc phải dùng sức người kéo xe thay thế, dẫn đến suy giảm sức khỏe cũng như sức lao động và thu nhập của người dân.
Với việc lừa trở thành một phần quan trọng trong phương tiện vận chuyển, mưu sinh hay thậm chí văn hóa xã hội của người dân, chính phủ nhiều nước như Bờ biển Ngà, Tanzania đã quyết định cấm giao dịch da lừa hoặc thậm chí hạn chế nghiêm ngặt xuất khẩu mặt hàng này.
Dẫu vậy việc kiểm soát là không thể khi phần lớn diện tích khu vực này là nông thôn, vùng hoang vắng.
Rõ ràng, cơn khát nguyên liệu của 1,4 tỷ dân Trung Quốc có thể trở thành nguồn động lực phát triển kinh tế cho nhiều nước nhưng cũng có thể hủy diệt được cả một giống loài nếu không có sự can thiệp thích đáng từ chính phủ.
*Nguồn: Nikkei Asian Review