Ngành mai táng nở rộ tại Mỹ: Thị trường tiềm năng với 20 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho 2,4 triệu linh hồn siêu thoát

12/04/2023 13:42 PM | Kinh doanh

Tại Mỹ, chi phí để yên ổn qua đời không hề rẻ với bình quân khoảng 12.000 USD. Trong khi đó thị trường thì manh mún, mang tính truyền thống cha truyền con nối, chưa được khai phá.

Ngành mai táng nở rộ tại Mỹ: Thị trường tiềm năng với 20 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho 2,4 triệu linh hồn siêu thoát - Ảnh 1.

Hãng tin Bloomberg nhận định ngành dịch vụ mai táng đang nở rộ tại Mỹ khi có đến 2,4 triệu người qua đời mỗi năm, đem lại doanh thu khoảng 20 tỷ USD cho thị trường này. Với việc dân số già hóa nhanh, hơn một nửa số bang tại Mỹ trong năm 2022 có số người tử vong cao hơn số trẻ sơ sinh.

Điều đáng ngạc nhiên hơn là với sự thay đổi về tư tưởng, văn hóa của giới trẻ ngày nay, dịch vụ mai táng cũng dần có sự hiện đại hóa, nhắm đến tính đơn giản, bền vững và thậm chí là tự động hóa. Ông Ed Bixby, Chủ tịch hội đồng mai táng xanh (GBC) là một trong những người tích cực vận động cho các phương thức mai táng thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, cô Katrina Spade, nhà sáng lập Recompose thậm chí đưa triết lý mai táng thân thiện môi trường thành một ngành kinh doanh với dịch vụ phân rã hữu cơ xác người. Đây là phương pháp đặt thi thể vào một quan tài bằng vật liệu có thể phân hủy sinh học nhằm thúc đẩy quá trình phân rã hữu cơ. Thành quả là một lượng đất giàu dinh dưỡng có thể dùng cho vào bình đem trả lại người thân hoặc để đó nuôi dưỡng đất.

Ngành mai táng nở rộ tại Mỹ: Thị trường tiềm năng với 20 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho 2,4 triệu linh hồn siêu thoát - Ảnh 2.

Xác ướp

Hãng tin Bloomberg cho hay với công nghệ tiên tiến hiện nay, thậm chí những dịch vụ ướp xác cho giới nhà giàu cũng đã được phát triển. Trên thực tế, dịch vụ này đã trở nên phổ biến từ sau cuộc Nội chiến Mỹ (1861-1865).

Trong suốt nhiều thập niên, người Mỹ thường chỉ tắm rửa sạch sẽ cho thi thể và chôn cất theo nghi thức nhà thờ. Thế nhưng trong cuộc Nội chiến Mỹ, quá nhiều thi thể người lính cần được đưa về quê nhà ở khoảng cách xa trong khi không có tủ đông hay máy làm lạnh đã tạo nên nhu cầu ướp xác.

Đúng vào lúc đó, cha đẻ của ngành ướp xác Mỹ, ông Mortician Thomas Holmes đã sử dụng các chất hóa học như cồn, thủy ngân để giữ những thi thể lính Mỹ này được tươi mới khi đưa về quê nhà chôn cất.

Đến khi Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln bị ám sát vào năm 1865, chính Holmes là người đã ướp xác vị danh nhân này cho hàng nghìn người Mỹ viếng thăm trước khi hỏa táng.

Tờ New York Times cho biết đến tận năm 2019, khoảng 50% số thi thể tại Mỹ vẫn dùng các kỹ thuật ướp xác.

Đáng ngạc nhiên hơn, một xu thế ướp xác đang ngày một thịnh hành ở Mỹ hiện nay là tạo hình tư thế cho thi thể. Nghĩa là thay vì ướp xác nằm như thông thường, người mất trước khi qua đời hoặc người thân có thể lựa chọn tư thế ướp, như đang ngồi lái xe hay đang chơi domino.

Manh mún và đắt đỏ

Hãng tin Bloomberg đánh giá thị trường mai táng tại Mỹ cực kỳ tiềm năng khi số người qua đời nhiều hơn cả trẻ sơ sinh. Tuy nhiên ngành kinh doanh này vẫn còn manh mún và mang tính truyền thống.

Trong số 18.800 doanh nghiệp dịch vụ mai táng tại nền kinh tế này thì đến 89% là được sở hữu bởi các gia đình với truyền thống làm nghề.

Theo ông Bixby, dịch vụ mai táng tại Mỹ đôi khi không chỉ liên quan đến việc giải quyết thi thể như thế nào, làm nghi thức ra sao mà còn phải giao tiếp, an ủi những người thân trong gia đình, giúp họ vượt qua nỗi đau cũng như đưa ra được các lựa chọn sáng suốt cho lễ tang.

Ngành mai táng nở rộ tại Mỹ: Thị trường tiềm năng với 20 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho 2,4 triệu linh hồn siêu thoát - Ảnh 3.

Với lý do đó, hầu hết các công ty dịch vụ mai táng có tính chất địa phương, truyền qua nhiều đời vì nhân viên hiểu rõ được hoàn cảnh các gia đình trong vùng.

Mặc dù manh mún và truyền thống là vậy nhưng giá mai táng tại Mỹ lại chẳng hề rẻ. Chi phí để “qua đời” tử tế tại nền kinh tế số 1 thế giới này cũng sẽ vào khoảng 12.000 USD với gói dịch vụ thông thường.

Trong khi đó, cô Spade chỉ ra mức giá này chưa bao gồm những chi phí phát sinh nhưng giá của mảnh đất chôn cất, có thể lên đến hàng chục nghìn USD tại những khu thành thị đắt đỏ.

Thậm chí với giới nhà giàu, việc tranh giành những nấm mồ đẹp khiến giá khu đất mai táng bị đội lên đến 4,6 triệu USD như trong trường hợp khu đất gần ngôi mộ của nữ minh tinh Marilyn Monroe tại Công viên tưởng niệm làng WestWood ở Los Angeles.

Theo Bloomberg, ngay cả với những chi phí chôn cất đơn giản cũng có thể gây ra căng thẳng về tài chính. Một cuộc khảo sát tại Anh gần đây cho thấy 43% số người được hỏi đang nợ nần chồng chất hoặc gặp áp lực về tài chính do các chi phí mai táng.

Hỏa táng và phân rã hữu cơ

Với chi phí mai táng đắt đỏ, người Mỹ ngày càng ưa thích việc hỏa táng đơn giản, giá rẻ hơn hoặc thậm chí là phân rã hữu cơ thân thiện với môi trường.

Số liệu của Hiệp hội mai táng quốc gia Mỹ (NFDA) cho thấy chi phí chôn cất bình quân vào khoảng 6.971 USD/người, trong khi hỏa táng chỉ vào khoảng 2.300 USD. Những con số này chưa tính các chi phí đi kèm như các nghi lễ, giá nấm mồ, dịch vụ tư vấn...có thể lên đến hàng nghìn USD nữa.

Ngành mai táng nở rộ tại Mỹ: Thị trường tiềm năng với 20 tỷ USD doanh thu mỗi năm cho 2,4 triệu linh hồn siêu thoát - Ảnh 4.

Mức giá rẻ này là nguyên nhân khiến hỏa táng ngày càng trở thành lựa chọn ưa thích của đại chúng Mỹ, thay vì chôn cất thông thường hay ướp xác như của giới nhà giàu. Nhiều dự báo cho thấy đến năm 2040, khoảng 4/5 số người Mỹ sẽ lựa chọn hỏa táng.

Trong khi đó, một khảo sát năm 2021 cho thấy 68% số chủ nhân chó mèo tại Mỹ lựa chọn hỏa táng để chôn cất người bạn của mình. Khoảng 73% số người được hỏi cho biết cần đến 20 phút mới có thể quyết định được sẽ làm gì với xác động vật nuôi thay vì chỉ đơn giản là đem đi chôn.

“Lễ tang bằng hỏa táng lần đầu tiên diễn ra ở Mỹ vào năm 1876 và phải mãi đến năm 1972, tỷ lệ hỏa táng mới đạt 5% trên tổng số. Giờ đây với ý thức môi trường và chi phí sinh hoạt của giới trẻ, hỏa táng đã dần trở thành một trào lưu chính của người Mỹ”, Giám đốc Barbara Kemmis của Hiệp hội hỏa táng Bắc Mỹ (CSNA) nói.

Theo bà Kemmis, việc đựng tro cốt của người mất vào bình sẽ giúp người thân có thể đem đi bất kỳ đâu họ muốn, như việc chuyển công việc từ bang này qua bang khác một cách thuận tiện mà không cần mất thời gian trở lại thăm dọn mồ mả.

Tại những quốc gia đất chật người đông như Nhật Bản, thậm chí 99,75% số người dân tại đây lựa chọn hỏa táng.

Không dừng lại đó, phương pháp chôn cất với quan tài tự phân hủy, thân thiện môi trường cũng ngày càng được nhiều người ưa chuộng tại Mỹ. Mức giá bình quân cho dịch vụ chôn cất xanh với quan tài tự hủy vào khoảng 6.000 USD và một cuộc khảo sát gần đây cho thấy 54% số người Mỹ được hỏi đã xem xét dịch vụ này mình khi qua đời.

Trong khi đó, phương pháp phân rã hữu cơ của cô Spade thì có giá khoảng 7.000 USD, nhưng bù lại gia đình có thể nhận tro cốt đã phân rã ra đất đựng trong bình hoặc để chúng thành chất dinh dưỡng cho thiên nhiên.

“Ý tưởng rằng ngay cả khi đã qua đời, bạn cũng có thể đóng góp một phần lợi ích cho hành tinh này là rất thu hút với người Mỹ”, cô Spade nhấn mạnh.

*Nguồn: Bloomberg

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM