Bí quyết 4 ít - 1 không của TS.BS Bùi Chí Thương: Biết sớm, thực hiện đều sẽ càng trẻ khoẻ
BS Bùi Chí Thương - một bác sĩ có tiếng trong ngành sản phụ khoa - đã rút ra những quan niệm sống cho riêng mình để có sức khoẻ và sự trẻ trung ít người sánh được.
Là một bác sĩ cũng là một thầy giáo giảng dạy cho sinh viên, công việc của bác sĩ Bùi Chí Thương (Đại học Y Dược TP.HCM) là một guồng quay liên tục. Tuy nhiên, thứ năng lượng tích cực mà bác sĩ Thương lan tỏa cho bệnh nhân và cộng đồng là sự trẻ trung – khỏe mạnh.
Dù bận tới đâu mỗi một ngày bác sĩ Thương vẫn dành thời gian từ 30-45 phút để luyện tập thể dục. "Bất cứ ai cũng đều có 24 giờ trong đó sẽ có thời gian để làm việc, ăn uống, nghỉ ngơi, tập luyện… Mọi người nói không có thời gian để tập luyện chẳng qua là làm biếng.
Tôi không thích la cà quán xá, rượu bia cho nên cũng có thời gian để tập luyện hơn", bác sĩ Thương chia sẻ.
Nhìn sự trẻ trung, khỏe khoắn của bác sĩ Thương rất nhiều người cả học trò và bệnh nhân ngạc nhiên vì người bác sĩ đó đã gần 50 tuổi.
Để có được năng lượng sống tích cực bác sĩ Thương đã đúc rút ra cho mình quan niệm sống 4 ít – 1 không.
Ít giận lâu
Theo bác sĩ Thương trong cuộc sống áp lực con người luôn phải đối mặt với những sự cáu giận. Trên đời này, gần như ai cũng đều cáu giận vấn đề gì đó. Bác sĩ Thương cũng không tránh khỏi những lúc bực dọc, tức giận. Nhưng anh chọn cách giải toả, không để cho mình được giận lâu.
Bác sĩ Thương thường tìm lý do để ít tức giận lâu, ảnh BSCC.
"Tôi cũng có lúc tức giận nhưng không để nó ảnh hưởng tới bản thân quá lớn. Tôi chọn cách ít giận lâu và tìm ra lý do để giải toả.
Bởi tôi biết khi chúng ta tức giận sẽ tạo ra năng lượng xấu và làm tăng các chất độc hại cho cơ thể, làm tăng huyết áp, căng thẳng… điều này sẽ khiến cho cơ thể rước thêm bệnh và nhanh già.
Tôi thích sự trẻ trung cho nên không muốn mình bị già sớm hay ốm đau vì những thứ có thể tránh được".
Để giúp cho mình ít giận lâu bác sĩ Thương sẽ tìm ra lý do theo cách "tinh thần AQ" (là tên vui bác sĩ tự đặt cho lối sống của mình - PV).
Khi đi giảng cho sinh viên hỏi những thứ đơn giản, sinh viên không biết bác sĩ Thương cũng giận. Nhưng ngay sau đó anh nghĩ sinh viên không trả lời được là do chưa được dạy hoặc chưa được học.
Hoặc khi bác sĩ khám cho bệnh nhân giải thích giai đoạn bệnh chưa cần phải mổ, nhưng bệnh nhân vẫn đòi mổ. Thay vì lớn tiếng với bệnh nhân bác sĩ Thương chọn cách tìm lý do vì sao bệnh nhân muốn mổ và giải thích tường tận kiến thức y học cho bệnh nhân hiểu.
Cách tìm ra lý do để giải tỏa căng thẳng theo bác sĩ Thương đó chính biện pháp để bảo vệ chính mình.
"Chúng ta không thể tránh được những căng thẳng, tức giận nhưng có thể học được cách để nó qua đi nhanh. Khi cái đầu đang nóng mọi sự quyết định sẽ đều dẫn tới sai lầm.
Tôi luôn phải tự "bật đèn đỏ" cảnh báo bản thân nếu nóng giận một hồi sẽ gây ra vô số chuyện tồi tệ. Hay khi giận tôi luôn nhủ giận mặt sẽ xấu, nhanh già, nhìn mắc cười… Một hồi tự an ủi bản thân như vậy giúp tôi quên đi sự nóng giận", bác sĩ Thương nói.
Ít tham vọng
Bác sĩ Thương cho hay, cuộc sống ai cũng tham vọng, ai cũng muốn mình giàu, giỏi, có chức quyền… Nhưng nếu tham vọng những thứ hão huyền, bất chấp mọi thứ để đạt được sẽ khiến cho con người tự làm khổ chính mình.
"Người Việt Nam thường có tham vọng rất kỳ quặc luôn muốn mình là người số 1, người đi tiên phong... Khi tham vọng vượt quá khả năng thực tế con người sẽ phải cố gắng quá mức sẽ gây ra những căng thẳng không đáng có, tạo ra năng lượng xấu cho cơ thể.
Trong trường hợp tham vọng này không đạt được sẽ gây ra những bực bội, stress và trở thành người thủ đoạn", bác sĩ Thương chia sẻ.
Cũng chính vì lẽ đó mà trong cuộc sống hay công việc bác sĩ Thương chọn cách sống bình lặng ít tham vọng. Bác sĩ Thương chỉ đạt ra mục tiêu mình có thể đạt được, làm hết mình cho công việc yêu thích.
Ít khi tranh cãi thắng thua bằng mọi giá
Với quan niệm sống ít tranh luận cãi thắng bằng mọi giá, bác sĩ Thương khẳng định: "Nếu ai muốn thắng tôi nhường luôn, cho khỏe người".
Trong cuộc sống khó có thể tránh được tranh luận, nhưng với bác sĩ Thương khi xảy ra tranh luận phải có sự tôn trọng lẫn nhau. Đó mới là tranh luận tích cực vì khi kết thúc ai cũng thỏa mãn và vui vẻ.
Còn nếu tranh luận cãi để thắng bằng mọi giá sẽ tạo ra thứ năng lượng tiêu cực gây ra sự bức xúc, thậm chí cãi cọ.
"Chúng ta đang có thói quen ít nhường nhịn, luôn cho mình đúng để rồi phủ nhận người khác. Trong trường hợp tranh luận khi có căng thẳng nên biết cách nhường nhịn lùi một bước để thắng.
Thắng là bởi gì chúng ta sẽ không bị tăng huyết áp, năng lượng xấu ảnh hưởng cho cơ thể. Tôi vẫn gọi đây là cách rút lui khỏi khủng hoảng một cách an toàn", bác sĩ Thương cho hay.
Ít tham
Điều bác sĩ Thương sợ nhất trong 20 năm làm ngành ý chính là thuyết nhân quả, ảnh BSCC.
Con người ai cũng có lòng tham, muốn mình có được phần nhiều. Nhưng đừng tham quá, cái gì cũng giành hết phần, mà nên san sẻ. Cũng chính vì tư tưởng đó mà khi đi chợ bác sĩ Thương không cố gắng trả giá từng đồng với người bán.
Tiền cũng cần phải có đồng ra, đồng vào, nếu mình kiếm tiền dễ thì cũng nên mua bó rau, con cá giúp nông dân và đừng ki bo trả giá từng đồng.
Không đạt mục đích bằng mọi giá
Trong cuộc sống của bác sĩ Thương, anh rất đề cao chữ nhẫn (kiên nhẫn). Nếu thứ gì mình đặt ra không thể đạt được thì nên chờ cơ hội tiếp theo.
Làm ngành y đã hơn 20 năm, bác sĩ Thương sợ nhất là thuyết nhân quả nên anh chọn cách sống có qua có lại. Khi làm hết sức thì trời sẽ thương và nếu làm ác thì sau này bất cứ lúc nào con cháu cũng có thể lĩnh hậu quả.
Cũng chính vì lý do đó cuộc đời của bác sĩ Thương không đặt ra bất cứ mục tiêu cao siêu để trở thành ông này, bà kia. Bởi vì thành ông, bà nào không quan trọng bằng chúng ta mang lại hạnh phúc cho bản thân mình, gia đình mình và cho xã hội.
"Tôi sẽ làm hết sức với khả năng của mình, khám bệnh hết sức để bệnh nhân nhanh lành như vậy đã là hạnh phúc.
Mục tiêu của tôi đặt ra cho chính mình thứ nhất là có sức khỏe tốt – vui vẻ, sức khỏe tốt để đỡ đau khổ cho mình và người xung quanh; Thứ hai là hy vọng sẽ có tài chính tốt khi mình làm hết sức", bác sĩ Thương chia sẻ.