Bí mật đằng sau 'phòng thí nghiệm' Le Labo - Nơi 'cổ tích có thể trở thành hiện thực'
Với triết lý “Tay nghề thủ công tạo nên tương lai của xa xỉ phẩm”, Le Labo tự viết nên câu chuyện thành công riêng dưới thương hiệu nước hoa niche điển hình.
Vào năm 2006, thương hiệu nước hoa Le Labo (tiếng Pháp nghĩa là Phòng thí nghiệm) được thành lập và phát triển bởi hai nhà sáng lập Eddie Roschi và Fabrice Penot. Sở hữu mô hình kinh doanh đặc biệt, đi ngược lại đa số các mô hình kinh doanh truyền thống lúc bấy giờ, Le Labo từng bị cho là không hợp thời, không cuốn hút. Song nhờ “hữu xạ tự nhiên hương", người ta dần biết đến Le Labo và trân trọng hơn bản chất việc sáng tạo nước hoa – công việc của các Perfumers.
Le Labo hiện là dòng nước hoa thuộc phân khúc Niche Perfume rất được yêu thích - sự thay thế hoàn hảo cho những thương hiệu sản xuất đại trà. Niche có nghĩa là “ngách”, hàm ý những dòng nước hoa này thường được giới hạn bởi phân khúc khách hàng nhất định. Những nhà sản xuất sẽ không chạy theo số lượng mà đề cao chất lượng - nơi nghệ thuật, sự sáng tạo và cá tính cá nhân được thể hiện rõ ràng. Cũng bởi lẽ đó mà Niche Perfume thường được coi là “luxury perfume” - phân khúc nước hoa đắt đỏ.
Vậy sự thật Le Labo độc đáo như thế nào?
Thông thường, khi bạn ghé một cửa hàng nước hoa, thử và quyết định mua chúng, nhân viên bán hàng sẽ ngay lập tức đóng gói sản phẩm. Điều này sẽ không được thấy ở Le Labo.
Le Labo hiện là dòng nước hoa thuộc phân khúc Niche Perfume rất được yêu thích
Tự chọn lối đi riêng
Đầu tiên, nhân viên sẽ mời bạn chiêm ngưỡng quy trình pha chế nước hoa trong phòng thí nghiệm, mục đích để mọi thị giác, khứu giác đều được đánh thức. Sau đó, anh ta sẽ hỏi tên bạn và điền lên nhãn chai nước hoa như một dấu ấn đặc biệt. 123 Euro cho một chai Rose 31 của Le Labo theo đó chưa bao giờ xứng đáng đến thế!
Đây chính là mô hình kinh doanh của Le Labo, thứ mà không ai nghĩ “cổ tích có thể trở thành hiện thực". Cái hay của thương hiệu, là khi những tên tuổi lớn trong ngành đang bành trướng và tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, Le Labo vẫn đi một lối đi riêng dưới sự dẫn dắt của Roschi và Penot. Roschi cho rằng “Thị trường nói chung đang thiếu đi yếu tố lãng mạn và sự cuốn hút của chính bản thân công việc pha chế nước hoa”.
Trong khi đó, tại Le Labo, sự sáng tạo luôn gắn liền với khái niệm “chuyên quyền” (autocracy) chứ không phải “dân chủ” (democracy). Điều này đồng nghĩa với việc các nhà chế tạo sẽ toàn quyền quyết định thành phần mỗi dòng nước hoa. Họ không cho thử nghiệm sản phẩm, cũng không hỏi ý kiến bất cứ ai.
Thời gian sản xuất theo đó không hề bị bó buộc và chịu áp lực từ thị trường. Bởi theo Penot: “Điều tệ nhất có thể xảy ra với nước hoa là mùi hương của sự sợ hãi”. Roschi cũng chia sẻ: “Tôi tin vào chủ nghĩa sáng tạo “chuyên quyền”. Không nên hỏi ý kiến người khác khi chế tạo nước hoa, bởi một khi quan điểm đó tác động lên bạn, mọi ý tưởng và tầm nhìn sẽ mất chất”.
Viết nên câu chuyện từ "sự im lặng"
Với triết lý “Tay nghề thủ công tạo nên tương lai của xa xỉ phẩm” (“The future of luxury lies in craftsmanship”), Le Labo tự viết nên câu chuyện thành công riêng từ “sự im lặng” của một thương hiệu niche điển hình. Trong đó, mùi hương kinh điển như Santal 33 hay Another 13 đóng góp nhiều hơn cả.
“Im lặng” là bởi Le Labo không hề chú trọng quảng cáo, cũng không hợp tác PR với người nổi tiếng. Thương hiệu này đi ngược lại mọi xu hướng, khuôn khổ và chỉ tập trung sản xuất mùi hương nguyên bản. Bao bì cực kỳ tối giản, không màu mè.
Bên cạnh đó, Le Labo cũng chưa bao giờ quảng cáo về tính bền vững của thương hiệu, dù yếu tố này luôn được đánh giá cao trong giới nước hoa. “Chúng tôi không dựa vào những thành phần xanh để bán sản phẩm. Chúng tôi tin rằng đây là điều hiển nhiên, là định hướng mà tất cả các doanh nghiệp cần theo đuổi để có thể đứng vững trong 50 năm tới”.
Nhờ tiềm năng phát triển, Le Labo được mua lại bởi Estée Lauder vào năm 2014, thời điểm mà các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng những mùi hương đại trà từ các thương hiệu lớn đã thoái trào.
Trong quý IV/2020, Le Labo ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số, qua đó góp phần không nhỏ trong việc định hình lại khái niệm “niche perfume” - phân khúc chiếm đến hơn 10% tổng doanh thu thị trường nước hoa toàn cầu.
Le Labo hiện đang sở hữu hơn 40 cửa hàng flagship đặt tại các kinh đô mua sắm như Tokyo, Hong Kong (Trung Quốc) và Paris
Bên cạnh đó, Le Labo cũng sở hữu hơn 40 cửa hàng flagship đặt tại các kinh đô mua sắm như Tokyo, Hong Kong (Trung Quốc) hay Paris. Con số này đang không ngừng tăng lên khi Le Labo tiếp tục mở rộng thị trường. Tôn chỉ kinh doanh luôn được giữ vững, rằng thương hiệu sẽ chỉ tập trung sáng tạo sản phẩm nước hoa thủ công tinh xảo và giới hạn số lượng cho những người dùng tinh tế.
Theo: Businessoffashion, Tổng hợp