Bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải nghiêm trọng thế nào mới phải sử dụng đến máy trợ thở?

08/04/2020 05:36 AM | Sống

Máy trợ thở không phải phép màu. Nó chỉ giúp cho bác sĩ và chính bản thân người bệnh có thêm thời gian để chiến đấu chống lại virus, với hy vọng sau khi cơn viêm qua đi, phổi bệnh nhân sẽ hoạt động được bình thường.

Mỗi ngày trôi qua, chúng ta lại phải chứng kiến số lượng người nhiễm Covid-19 trên thế giới tăng lên, thậm chí là với tốc độ chóng mặt khi những ổ dịch lớn nhất thế giới là Mỹ, Ý hay Tây Ban Nha vẫn chưa có dấu hiệu kiểm soát được dịch bệnh. Và cùng với đó là những người chẳng thể vượt qua, đã ra đi mãi mãi.

Có điều người nhiễm virus corona, không phải ai cũng có triệu chứng giống nhau. Đa số người nhiễm sẽ có triệu chứng nhẹ, thậm chí không bộc lộ bất kỳ biểu hiện gì. Nhưng có những người bị rất nặng, đến mức buộc phải vào phòng điều trị đặc biệt với sự trợ giúp của máy thở - có thể xâm lấn hoặc không (invasive và non-invasive ventilator). Đó là những cỗ máy đắt tiền, được xem là cực kỳ quan trọng để ứng phó với dịch bệnh lần này và đang trong trạng thái thiếu hụt tại những ổ dịch lớn trên thế giới, như New York của Hoa Kỳ.

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải nghiêm trọng thế nào mới phải sử dụng đến máy trợ thở? - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Boris Johnson vừa phải vào phòng điều trị đặc biệt


Mới đây nhất, thủ tướng Anh Boris Johnson - một trong những nguyên thủ quốc gia nhiễm Covid-19 - cũng đã phải vào phòng điều trị đặc biệt (ICU) do bệnh tình có chuyển biến xấu. Nhưng chính xác thì chuyện phải sử dụng máy thở nghiêm trọng đến thế nào? Một bệnh nhân phải ở trong tình trạng như thế nào mới cần đến sự trợ giúp của cỗ máy này?

Sự nguy hiểm của Covid-19: Bệnh nhân có thể không tự thở được nữa

Hiểu một cách đơn giản, tình hình người bệnh phải trở nên thật sự đáng ngại mới khiến các bác sĩ quyết định áp dụng máy thở. Bệnh nhân phải dùng máy thở, nghĩa là người đó đã không thể tự mình hô hấp bình thường được nữa - một vấn đề hết sức nghiêm trọng.

Khi hít thở, chúng ta sẽ đưa không khí qua một đường ống - gọi là khí quản. Khí quản tách ra làm 2, rồi mỗi bên lại tách ra thành nhiều nhánh nhỏ hơn, rồi lại nhỏ hơn nữa, cho đến khi trở thành các đường ống với kích cỡ nhỏ hơn 1mm - được gọi là tiểu khí quản. Ở cuối các tiểu phế quản là các túi khí, được gọi là túi phế nang.

Các phế nang này mỏng đến mức chỉ có không khí lọt qua và tiến vào được tế bào hồng cầu. Một lá phổi khỏe mạnh sẽ có tới hàng triệu túi khí như vậy, rất mềm, rất nhẹ, rất giống một lớp kem tươi. Nhưng Covid-19, nó thay đổi mọi thứ.

Với sự xuất hiện của virus corona, nó khiến phổi của bạn tiết dịch, lấp đầy các túi khí, qua đó ngăn cản sự lưu thông của oxy. Khi một vài túi bị đầy, phần còn lại của phổi sẽ tiếp tục đảm nhận vai trò lưu thông khí. Nhưng khi ngày càng nhiều phế nang mất tác dụng, kết cấu phổi cũng thay đổi, trở nên dẻo hơn và gây ra trạng thái "suy hô hấp cấp tính". Covid-19 thậm chí còn khiến trạng thái này trở nên chết người, khiến oxy trong máu giảm xuống cực độ và nạn nhân sẽ chẳng thể thở được nếu không được máy móc hỗ trợ.

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải nghiêm trọng thế nào mới phải sử dụng đến máy trợ thở? - Ảnh 2.

Vùng màu vàng là những thương tổn do virus gây ra


Máy trợ thở không phải là phép màu

Các ổ dịch lớn đang thiếu hụt máy thở, nhưng cỗ máy ấy chưa phải là tất cả. Bác sĩ Julie Eason từ bệnh viện SUNY Downstate (Brooklyn, Hoa Kỳ) nhận xét, nhu cầu cho máy thở tăng cũng đồng nghĩa với việc cần thêm nhiều nhân lực được đào tạo bài bản để vận hành chúng. Bởi lẽ, đó là một cỗ máy phức tạp.

Bệnh nhân nhiễm Covid-19 phải nghiêm trọng thế nào mới phải sử dụng đến máy trợ thở? - Ảnh 3.

Máy trợ thở xâm lấn yêu cầu phải luồn ống vào trong khí quản


Quá trình vận hành máy sẽ bắt đầu bằng việc đưa chiếc ống dài khoảng 25cm qua miệng của bệnh nhân, luồn qua khí quản. Sau đó, các bác sĩ sẽ phải tiến hành cài đặt - một quá trình phức tạp bởi có rất nhiều chỉ số phải để ý: tần suất, áp suất, liều lượng... Và quan trọng là không bệnh nhân nào giống nhau, nên việc cài đặt sai có thể cho kết quả khác mong đợi.

Vai trò của chiếc máy là bơm thêm oxy vào trong phổi, với áp suất đủ để thông lại buồng phổi đã bị đóng chặt. Chiếc máy sẽ giúp não bộ, tim và thận có đủ oxy để hoạt động. Nó giúp cho bác sĩ và chính bản thân người bệnh có thêm thời gian để chiến đấu chống lại virus, với hy vọng sau khi cơn viêm qua đi, phổi bệnh nhân sẽ hoạt động được bình thường.

Nhưng cần biết rằng máy trợ thở không phải là phép màu. Nhiều trường hợp bệnh nhân bị trụy tim, cần cấp cứu hoặc ra đi mãi mãi. Huyết áp có thể tụt xuống mức nguy hiểm. Có nhiều bệnh nhân còn bị suy thận hoàn toàn, nghĩa là cần thêm máy chạy thận để duy trì tính mạng.

Việc vận hành máy là rất khó khăn ngay cả với những người đã có kinh nghiệm. Nếu cung cấp quá nhiều oxy, phế nang sẽ bị nhiễm độc, phổi tổn thương nhiều hơn, nhưng quá ít oxy thì lại không đủ cho thận và não. Áp suất đẩy khí lớn quá cũng khiến phổi bị thương tổn, mà thấp quá thì vô hiệu. Đa số các trường hợp, các bác sĩ đã phải ứng biến, sao cho mang lại kết quả cao nhất.

May mắn và bi kịch

Đối với bệnh nhân, thành thực mà nói không ai có thể chịu được quá trình này mà không được gây mê trước đó, và điều này cũng đúng với các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Khi lắp máy họ không phải chịu đựng đau đớn, nhưng sau đó không thể nói được, cũng không thể đề đạt mong muốn của mình.

Khi tình trạng hiểm nghèo qua đi, các bác sĩ sẽ dần hạ áp suất máy xuống, và phổi của người bệnh dần dần tham gia vào quá trình hô hấp. Nếu đạt đúng chỉ số cho phép, nghĩa là phổi của người bệnh đã có thể tự hô hấp và chiếc máy sẽ được rút ra.

Nhưng không phải ai cũng may mắn như vậy. Một số bệnh nhân vĩnh viễn không đạt thể trạng đủ để rút ống thở - có thể do tổn thương phổi quá lớn hoặc nhiều vấn đề khác. Một số trường hợp phải đưa ra lựa chọn - có thể đến từ bác sĩ, bệnh nhân và thân nhân - rằng họ có muốn rút ống thở và xem liệu phổi có thể tự hoạt động hay không - đa số là vì họ không muốn phải phụ thuộc vĩnh viễn vào cỗ máy này.

Và có những lúc nỗ lực của nhân viên y tế là không đủ, kể cả với công nghệ hiện đại bậc nhất. Họ mất người bệnh mãi mãi, ngay trong cỗ máy ấy. Đôi khi, trong số các bệnh nhân mắc Covid-19 có đủ điều kiện để rời khỏi khoa chăm sóc đặc biệt, một số cũng qua đời sau đó do tổn thương tim.

Ngay cả trước khi Covid-19 nổ ra, các trường hợp suy hô hấp cần đến máy trợ thở cũng phải mất đến hàng tháng, thậm chí hàng năm trời để hồi phục. Lượng thuốc an thần dùng cho bệnh nhân khi sử dụng máy thở có thể gây ra nhiều biến chứng, gây tổn thương cơ và dây thần kinh. Sau này, bệnh nhân khó lòng đi lại và hoạt động dễ dàng như trước, thậm chí người già sẽ phải ở rất lâu trong những trung tâm tập phục hồi chức năng. 

Tham khảo: NY Times, Quora


Theo J.D

Cùng chuyên mục
XEM