Nam bác sỹ đầu tiên nhiễm Covid-19 khỏi bệnh: "Bạn ấy luôn áy náy khi nhiễm bệnh, chỉ lo lắng cho đồng nghiệp"

08/04/2020 00:16 AM | Sống

Nam bác sỹ 29 tuổi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Covid-19 từ những ngày đầu tiên, không may bị lây nhiễm chéo trong quá trình khám chữa bệnh. Anh luôn cảm thấy áy náy và lo lắng cho những đồng nghiệp xung quanh.

Chiều 7/4, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Hà Nội) công bố khỏi bệnh cho 11 bệnh nhân. Trong số họ, bệnh nhân 116 - là bác sỹ khoa Cấp cứu, tham gia chống dịch từ những ngày đầu tiên.

Bộ Y tế cho biết, nam bác sĩ tham gia chống dịch Covid-19 từ ngày 31/1, chuyên khám sàng lọc cho người nghi mắc Covid-19, điều trị những bệnh nhân được chẩn đoán dương tính và tham gia cấp cứu một số bệnh nhân nặng.

Trong quá trình làm việc, anh được cấp đầy đủ trang thiết bị phòng hộ cá nhân. Sau giờ làm việc, anh nghỉ và sinh hoạt ở khu vực cách ly dành cho nhân viên y tế trong bệnh viện.

Ngày 19/3, anh xuất hiện triệu chứng đau rát họng. Sau đó một ngày, anh ho, đau mỏi cơ và sốt.

Ngày 21/3, bác sĩ tự cách ly tại khu vực đệm của khoa Cấp cứu, được xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2 và gửi mẫu bệnh phẩm sang viện Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Nam bác sỹ đầu tiên nhiễm Covid-19 khỏi bệnh: Bạn ấy luôn áy náy khi nhiễm bệnh, chỉ lo lắng cho đồng nghiệp - Ảnh 1.

Bác sỹ Đỗ Thị Phương Mai xúc động khi kể về đồng nghiệp không may nhiễm Covid-19.


BS CKII. Đỗ Thị Phương Mai - Phó Trưởng khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 cho biết, sau khi phát hiện bản thân nhiễm Covid-19 từ bệnh nhân, nam bác sỹ luôn cảm thấy áy náy. Anh lo lắng cho những đồng nghiệp xung quanh, xem ai có bị lây nhiễm hay không.

"Chưa lúc nào tôi thấy bác sỹ ấy than thở rằng nhiễm bệnh sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Bạn ấy luôn luôn chỉ nghĩ cho đồng nghiệp", bác sỹ Mai nói và cho biết, từ lúc ghi nhận ca bệnh 116, các y bác sỹ trong bệnh viện đều rất lo lắng, "nhưng chúng tôi không sợ".

Bệnh viện tiến hành rà soát lại toàn bộ quy trình chống nhiễm khuẩn. Họ quyết tâm và quyết định nghiêm khắc với bản thân hơn nữa, vì "đây là một tập thể, nếu một người lây, có thể sẽ ảnh hưởng tới nhiều người".

Bác sỹ Mai cho biết, điều trị bệnh nhân Covid-19 gặp rất nhiều khó khăn, nhất là chống nhiễm khuẩn. "Đây là loại virus mới, cơ chế lây bệnh chưa rõ ràng, các phác đồ điều trị chưa cụ thể", chị nói. Mỗi ngày, họ ngồi lại cùng nhau, hội ý về từng bệnh nhân, cố gắng để các ca bệnh không bị nặng lên. 

Bệnh nhân có thể sốt bất thường, gặp tác dụng phụ của thuốc, các bác sỹ có nhiệm vụ giúp đỡ để bệnh nhân "chấp nhận" tác dụng phụ của thuốc một cách nhẹ nhàng hơn.

Nếu ở giai đoạn một, chỉ có 16 bệnh nhân, thì nay bước sang giai đoạn 2 và 3, số ca bệnh tăng lên nhanh, bệnh cảnh lâm sàng nặng hơn, một số bệnh nhân phải hồi sức tích cực, bệnh nhân nhẹ phải được giữ để không trở nặng.

Mỗi ngày, các bác sỹ điều trị trực tiếp cho bệnh nhân Covid-19, gần như mặc đồ bảo hộ 24/24. Họ không dám bỏ khẩu trang, kể cả giờ nghỉ ngơi. Tại khoa của chị Mai hiện có 39 bệnh nhân, các bác sỹ buộc phải chia ca.

"Chúng tôi chia làm 2 nhóm, mỗi nhóm có 3 bác sỹ, 8 điều dưỡng làm việc trong vòng 14 ngày, thay phiên nhau. Chúng tôi ăn nghỉ tại bệnh viện, không được phép về nhà, vì sợ lây nhiễm ra cộng đồng", chị nói.

Để hỗ trợ cho Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp trong tuyến đầu chống dịch, tại cơ sở 1 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới cũng đã bố trí thêm một nhóm bác sỹ. Họ luôn sẵn sàng và chuẩn bị tinh thần trong trường hợp thay thế, để đảm bảo tốt nhất sức khoẻ cho y bác sỹ.

"Trận chiến này còn dài, và chúng ta vẫn chưa thể biết khi nào sẽ kết thúc".

Tính đến 18h tối 7/4, Việt Nam ghi nhận thêm 4 trường hợp nhiễm Covid-19, nâng tổng số ca bệnh lên 249. Hà Nội hiện là địa phương với nhiều bệnh nhân nhất.

Đến nay, 122 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và xuất viện. 127 trường hợp khác đang được theo dõi, chăm sóc tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Theo Minh Nhân

Cùng chuyên mục
XEM