BĐS công nghiệp Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ
Trong báo cáo chuyên đề về thị trường bất động sản (BĐS) công nghiệp nửa đầu năm 2019, Savills Việt Nam chỉ ra: Nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỉ qua; căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang hướng đến việc di dời nhà máy; Việt Nam duy trì nền kinh tế phát triển nhanh nhất Đông Nam Á trong năm 2019… được xem là những nguyên nhân tác động tích cực đến TT BĐS công nghiệp Việt Nam.
Vốn đầu tư FDI đổ mạnh vào ngành công nghiệp
Theo Savills, trong nửa đầu năm 2019, có 1.723 dự án mới đăng kí với tổng vốn đầu tư 7,41 tỉ USD. Phân khúc sản xuất thu hút 605 dự án, chiếm 71,2% FDI với 13,15 tỉ USD, tăng 39,8% theo năm.
Trong đó, Hà Nội và Tp.HCM là 2 thành phố thu hút đầu tư nhiều nhất, chiếm tương ứng 26,3% và 16,7% tổng vốn FDI. Theo sau là Bình Dương chiếm 7,4% và Đồng Nai chiếm 6,7%. Nguồn vốn đầu tư từ Hồng Kông chiếm 28,7% với 5,3 tỉ USD, tiếp theo là Hàn Quốc với 2,73 tỉ USD và Trung Quốc 2,28 tỉ USD.
Vốn đầu tư FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỉ qua đã tác động tích cực đến TT BĐS công nghiệp Việt Nam
Theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, trong 6 tháng đầu năm, khu công nghiệp và vùng kinh tế thu hút gần 340 dự án FDI với tổng vốn gần 8,7 tỉ USD.
Có 326 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích 95.500 héc-ta. Trong đó, 251 khu công nghiệp đã hoạt động với 74% tỉ lệ lấp đầy; 75 khu công nghiệp đang xây dựng , đền bù và giải phóng mặt bằng.
Đơn vị nghiên cứu này cho rằng, phân khúc BĐS công nghiệp Việt Nam đang phát triển trên đà của nguồn vốn FDI gấp 10 lần trong suốt thập kỉ qua. Nguồn cung đất công nghiệp dồi dào đang tạo điều kiện cho các dự án sản xuất và tăng các lựa chọn thuê đối với cả nhà xưởng xây sẵn cho thuê (RBF) và xưởng xây theo yêu cầu (BTS).
Bên cạnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã phần nào ảnh hưởng tích cực đến thị trường công nghiệp Việt Nam. Hiệp định cải cách toàn diện cho hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức thiết lập vào tháng 1/2019. Trong khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã được kí kết vào tháng 6/2019. Hiệp định mang tính lịch sử này sẽ xóa bỏ 99% thuế hải quan và tăng thu hút vào lĩnh vực BĐS công nghiệp.
Trong khi đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang hướng các công ty da dạng hóa quy trình sản xuất và chuyển dời nhà máy. Việt Nam thu hút với đội ngũ lao động trẻ và chi phí thấp; môi trường chính trị ổn định và một trong những nước có tỉ lệ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Theo Savills, các yếu tố này cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam khá hấp dẫn.
Điều này đã thúc đẩy nhu cầu đầu tư của các NĐT nước ngoài vào Việt Nam. Thị trường công nghiệp đang thu hút sự chú ý với các chủ đầu tư khu công nghiệp đang tích cực chuyển đổi các vùng nông nghiệp sang công nghiệp, đảm bảo nguồn cung mới. Trong đó, các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Ngãi, Quảng Nam thu hút sự quan tâm của nhiều NĐT do mức giá thuê đất ưu đãi và cạnh tranh.
Còn đó những quan ngại
Đại diện Savills cho rằng, lao động rẻ và các ưu đãi đầu tư, đặc biệt là thuế ưu đãi sẽ tiếp tục trở thành những yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài vào TT BĐS công nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tiếp tục chuyển đổi sang ngành công nghiệp giá trị cao, Việt Nam phải tập trung vào chất lượng hơn số lượng đầu tư.
Việt Nam chưa sử dụng hết các tiềm năng lớn của mình khi mà chỉ có 10% lao động làm việc trong phân khúc có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài
Ngoài ra, một quan ngại nữa về nguồn nhân lực lao động Việt Nam khi đa số diễn ra ở ngành công nghiệp có giá trị thấp như dệt may và đồ nội thất. Việt Nam chưa sử dụng hết các tiềm năng lớn của mình khi mà hiện chỉ có 10% lao động làm việc trong phân khúc có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Trong khi đó có đến 40% làm việc trong phân khúc nông nghiệp - nguồn lao động lý tưởng để chuyển đổi từ canh tác nông nghiệp sang xí nghiệp nhà máy, công nghiệp hóa năng lượng.
Bên cạnh đó, phân khúc sản xuất chỉ đóng góp 20% vào GDP Việt Nam, so với các nền kinh tế “Asia Tiger” khác đạt mức 30% GDP.