Báo cáo Google về Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019: Cứ mỗi 3 USD được huy động, có 2 USD là đổ vào lĩnh vực gọi xe và thương mại điện tử
Thống kê cho thấy 4 năm qua, các công ty gọi xe đã huy động được hơn 14 tỷ USD trong nỗ lực tiếp tục tăng cường sự hiện diện và phát triển trên toàn khu vực.
Ngày 3/10 vừa qua, Google, Temasek cùng đối tác Bain & Company đã công bố báo cáo mới nhất về Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019. Dự kiến nền kinh tế số của khu vực sẽ vượt mức 100 tỷ USD trong năm nay và sẽ sớm tăng gấp ba vào năm 2025. Đông Nam Á có khả năng trở thành một trong những thị trường phát triển nhanh nhất về thương mại điện tử nhờ dân số am hiểu công nghệ, đặc biệt là sử dụng smartphone ngày càng gia tăng.
Theo báo cáo, thương mại điện tử và gọi xe đã thống trị thị trường tài trợ trong khu vực, thu hút 2 USD trong mỗi 3 USD được huy động kể từ năm 2016. Nguyên nhân khá dễ hiểu: Cả hai lĩnh vực đều có mức tăng trưởng kỷ lục khi người tiêu dùng am hiểu công nghệ sử dụng ngày càng nhiều hai loại dịch vụ này, đánh dấu sự thay đổi trong cách mọi người sử dụng công nghệ để phục vụ nhu cầu hàng ngày.
Thống kê cho thấy 4 năm qua, các công ty gọi xe đã huy động được hơn 14 tỷ USD trong nỗ lực tiếp tục tăng cường sự hiện diện và phát triển trên toàn khu vực. Những công ty này đang đầu tư vào nhiều dịch vụ mới ngoài gọi xe để thu hút thêm người dùng.
Hai startup gọi xe hàng đầu của Đông Nam Á là Grab và Gojek đã đầu tư rất nhiều để xây dựng dịch vụ vận tải và giao đồ ăn ở nhiều quốc gia. Bên cạnh đó, họ đang lấn sân sang dịch vụ tài chính như công nghệ thanh toán, cho vay và bảo hiểm. Cả hai cũng đã bắt đầu đóng vai trò là nhà đầu tư trong hệ sinh thái.
Về thương mại điện tử, lĩnh vực này đã thu hút khoản đầu tư trị giá 9,9 tỷ USD kể từ năm 2016 nhưng đang có dấu hiệu chậm lại. Năm 2018 chứng kiến mức tăng kỷ lục lên 4,3 tỷ USD, đến nửa đầu năm nay, con số đó đạt 2,5 tỷ USD, gần tương tương với tốc độ tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái.
Các startup kỳ lân đã huy động được hàng tỷ USD để thu hút người tiêu dùng thông qua nhiều chiến lược khác nhau. Chẳng hạn như Indonesia, nơi cả 4 kỳ lân thương mại điện tử Đông Nam Á là Bukalapak, Lazada, Shopee và Tokopedia cạnh tranh với nhau.
Tokopedia là 1 trong 4 kỳ lân thương mại điện tử cạnh tranh gay gắt tại Indonesia.
Du lịch trực tuyến, lĩnh vực nổi bật nhất trong nền kinh tế Internet đã chứng kiến sự tăng trưởng trong đầu tư vào năm 2018 khi thu hút được hơn 600 triệu USD. Lý do phần lớn là nhờ kỳ lân Traveloka của Indonesia. Công ty đã gọi vốn thành công hơn 400 triệu USD để tài trợ cho việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra khu vực cũng như phát triển các dịch vụ ngoài đặt vé máy bay và khách sạn như dịch vụ bảo hiểm.
Truyền thông trực tuyến cũng trải qua một năm kỷ lục vào 2018, mang lại nhiều thương vụ mới đáng chú ý. Trong đó có thể kể đến các vòng tài trợ Series D trị giá hơn 200 triệu USD cho Bigo – nền tảng phát video có trụ sở tại Singapore và hơn 100 triệu USD cho ONE Championship – công ty kết hợp giữa truyền thông và sự kiện võ thuật.
Lưu lượng giao dịch của các công ty truyền thông trực tuyến vẫn khá mạnh trong năm nay, với 50 thương vụ được ghi nhận. Mặc dù vậy, lĩnh vực này đã bị suy giảm nguồn vốn huy động trong nửa đầu năm 2019 so với năm ngoái.
Trong khi đó, fintech (công nghệ tài chính) đang hứa hẹn là một lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh với dòng vốn 1,7 tỷ USD vào giữa năm ngoái và nửa đầu năm nay. Đây là mức tăng gấp 6 lần so với năm 2017. Hầu hết các khoản đầu tư đều đổ về cho những doanh nghiệp thanh toán và cho vay như Akulaku, Kredivo và Momo, các đơn vị đã huy động thành công hàng chục triệu USD trong 18 tháng qua.
Những con số này thậm chí còn đáng chú ý hơn khi không bao gồm các khoản đầu tư của nền tảng gọi xe và thương mại điện tử đang tích cực mở rộng sang dịch vụ tài chính trên toàn khu vực. Ngoài ra, khoản đầu tư của ngân hàng và công ty bảo hiểm khi họ phát triển dịch vụ kỹ thuật số cũng không được tính đến.